Tờ People's Daily hôm qua dẫn tài liệu từ Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc cho biết Ad5-nCOV được cấp bằng sáng chế hôm 11/8 và đây là vaccine Covid-19 đầu tiên được cấp bằng sáng chế ở Trung Quốc. Theo tài liệu, loại vaccine này có thể được sản xuất đại trà trong thời gian ngắn nếu dịch bùng phát.
"Việc được cấp bằng sáng chế đã khẳng định thêm tính hiệu quả và an toàn của vaccine, đồng thời chứng minh một cách thuyết phục quyền sở hữu trí tuệ (IPR)", CanSino cho biết trong một tuyên bố.
Arab Saudi trước đó cho biết họ có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba đối với vaccine của CanSino. CanSino cũng xác nhận đang đàm phán với Nga, Brazil và Chile để khởi động thử nghiệm Giai đoạn ba ở các nước này.
Sau thông tin cấp bằng sáng chế, cổ phiếu của CanSino ở Hong Kong tăng khoảng 14% trong phiên giao dịch sáng nay và tại Thượng Hải tăng 6,6% vào trưa cùng ngày.
Ad5-nCov là "ứng viên" vaccine Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc chuyển sang thử nghiệm trên người vào tháng 3/2020. Tuy xuất phát điểm sớm hơn, song Ad5-nCov đi sau các loại vaccine tiềm năng khác về tiến độ thử nghiệm.
Giám đốc điều hành và đồng sáng lập CanSino Qiu Dongxu tháng trước cho biết công ty có kế hoạch tuyển 40.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm Giai đoạn ba. Theo ông Qiu, thử nghiệm Giai đoạn hai với 508 người tham gia mang lại kết quả tốt hơn nhiều so với Giai đoạn một về mức độ an toàn và khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Bên cạnh đó, Qiu cũng tiết lộ nhà máy mới đang được xây dựng tại Trung Quốc sẽ cho phép họ sản xuất 100-200 triệu liều vaccine nCoV mỗi năm, bắt đầu từ năm 2021.
Nga hôm 11/8 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine Covid-19 dù chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ ba. Vaccine được đặt tên là "Sputnik V", theo tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới "Sputnik 1" được Liên Xô phóng lên vũ trụ năm 1957.
Thử nghiệm Giai đoạn ba là bước thử nghiệm quan trọng trên quy mô hàng nghìn người. Quá trình này đòi hỏi một tỷ lệ người tham gia nhất định tiếp xúc với virus để theo dõi hiệu quả của vaccine, thường được coi là tiền đề cần thiết giúp vaccine được cơ quan quản lý chấp thuận.
Giới khoa học phương Tây bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển vaccine của Nga, nghi ngờ giới nghiên cứu nước này có thể đã "đốt cháy giai đoạn", song Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko khẳng định những hoài nghi về vaccine này là "vô căn cứ".
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 21,8 triệu người nhiễm và hơn 770.000 người chết. Đại dịch khiến nhiều quốc gia huy động kinh phí và nghiên cứu chưa từng có để gấp rút ra mắt loại vaccine có thể bảo vệ hàng tỷ người trên thế giới.
Huyền Lê (Theo Reuters, Global Times, CGTN)