Tổng thống Mỹ Donald Trump bước sang tuổi 72 vào ngày 14/6 năm ngoái, hai ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhiều người lúc bấy giờ ví von rằng cuộc gặp lịch sử này chính là món quà sinh nhật Trump tự tặng cho bản thân. Tối 26/2, ông đến Hà Nội để dự hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra ngày 27-28/2.
Trump lâu nay vẫn cho mình là một nhà thương thuyết thiên bẩm. "Hoàn thành các thỏa thuận, đó là việc tôi làm", ông không ít lần khẳng định. Trong suốt sự nghiệp kinh doanh, Trump đã trải qua vô số thăng trầm, nhiều lần phá sản nhưng vẫn xây dựng được một đế chế kinh doanh thành công, trị giá hàng tỷ USD. Ông là một nhà kinh doanh tận tụy, một bậc thầy thao túng, người luôn biết cách tận dụng những lợi thế của mạng xã hội để vượt qua truyền thông truyền thống, theo Straits Times.
Phong cách của Trump là phản công chủ động. Năm 2014, ông tâm đắc tweet lại một câu nói của nhà đạo diễn phim Alfred Hitchcock: "Trả thù là điều ngọt ngào, không hề gây béo".
Con đường dẫn tới Nhà Trắng của ông chủ yếu được làm nên từ những tuyên bố thách thức hiện trạng. Ông lên án Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) lâu đời, cho rằng Mỹ đang bị lợi dụng. Trump dường như tự coi mình là một lãnh đạo không tuân thủ các quy tắc và hành động của ông thực tế cũng cho thấy điều đó.
"Khái niệm 'Tư duy bên ngoài chiếc hộp' thậm chí không đủ để miêu tả về Trump", Gwenda Blair, giảng viên chuyên ngành báo chí tại Đại học Columbia, nhận xét. Blair từng gặp Trump hồi năm 2000 để viết cuốn sách của bà với tựa đề "Gia đình Trump: Ba thế hệ xây nên một đế chế".
"Ông ấy xây dựng thương hiệu dựa trên ý tưởng về những điều tốt nhất, siêu xa xỉ, sang trọng nhất, hoàn mỹ nhất, đắt đỏ nhất, tuyệt vời nhất, xa hoa nhất. Đó là thương hiệu của Trump và ông ấy muốn mở rộng nó đến cả Nhà Trắng", Blair bình luận. "Vì thế, bất cứ điều gì Trump làm ở Nhà Trắng đều phải là bậc nhất".
Cách tiếp cận có phần hiếu chiến của Trump là ví dụ về cái mà giới chuyên gia thường gọi là chiến thuật "mặc cả phân phối" - đưa ra những yêu cầu thái quá và hy vọng rằng phía đối diện sẽ khuất phục trong một tình thế kiểu như "trò chơi có tổng bằng không", nơi không bên nào thực sự hưởng lợi, tiến sĩ Fen Osler Hampson từ Trung tâm Cải tiến Quản trị Quốc tế ở Canada nhận định.
Nhưng nhiều người lại cho rằng cách tiếp cận như trên sẽ chỉ phá hủy các thỏa thuận chứ không giúp vun đắp chúng.
"Với tư cách một nhà ngoại giao, Donald Trump đến nay chưa đạt được bất kỳ thành tựu tích cực nào", H. W. Brands, tiến sĩ lịch sử tại Đại học Austin, Texas, hồi năm ngoái, đánh giá.
Ông viện dẫn "những thành tích tiêu cực" của Trump, trong đó có việc làm suy yếu NAFTA, hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như việc Trump khiến các đồng minh đang dần mất lòng tin vào Mỹ.
Theo giới phân tích, Trump dường như mơ hồ về chiến lược song ông cũng ôm những nỗi ám ảnh rõ ràng, bao gồm việc tìm mọi cách để vượt qua người tiền nhiệm Barack Obama.
"Hiếm khi có một tuần trôi qua mà Trump hay người đại diện cho Trump không so sánh chính quyền của ông với chính quyền Obama", cây bút Nirmal Ghosh từ Straits Times bình luận.
Trump "luôn tìm kiếm những điều bất ngờ để khiến chúng ta đứng ngồi không yên. Ông ấy có rất nhiều ý định và Triều Tiên là một trong những mục tiêu lớn nhất", tiến sĩ Blair nhận xét.
Theo tiến sĩ Glenn Altschuler tại Đại học Cornell, Mỹ, Tổng thống Trump có xu hướng tập trung vào những mục tiêu chính trị ngắn hạn mỗi khi đưa ra các quyết định chính sách. Tuy nhiên, với quyết định chấp nhận gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, Trump có lẽ đã nhận ra khả năng gia tăng đáng kể tầm vóc cá nhân từ sự kiện này.
Trong một bài viết đăng trên tờ Globe and Mail hồi tháng 4 năm ngoái, tiến sĩ Hampson và cựu đại sứ Canada Derek Burney thừa nhận chính quyền Trump rõ ràng "khác xa với truyền thống".
"Nếu không có gì thay đổi, nó sẽ củng cố khả năng của Trump trong việc khiến tất cả mọi người, bao gồm cả các đồng minh, mất cân bằng thông qua việc đi ngược lại những nguyên tắc ngoại giao chính thống", hai người cho hay. "Rất khó để bỏ qua quan điểm của người lãnh đạo lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới và nền kinh tế lớn nhất toàn cầu".
"Chúng ta không quen thấy sức mạnh Mỹ được thể hiện theo kiểu vô nguyên tắc, phi ngoại giao như vậy", Hampson và Burney viết. "Nhưng với việc không đi theo các chuẩn mực thông thường, ông ấy có thể thực sự mang lại một số lợi ích, chẳng hạn như hòa bình trên bán đảo Triều Tiên".
Brands cũng đồng quan điểm. "Phong cách đặc biệt của ông ấy có thể tạo ra kết quả tích cực", ông nói. "Nhiều chuyện lạ đã xảy ra".