Hai ngày sau vụ tấn công bằng rocket vào căn cứ liên quân K-1 ở Kirkuk, miền bắc Iraq hôm 27/12, các quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc đề xuất một loạt phương án nhằm đối phó với hành vi khiêu khích của Iran. Washington cáo buộc nhóm dân quân Kataib Hezbollah do Tehran hậu thuẫn đã thực hiện vụ tấn công.
Họ không nghĩ rằng Tổng thống Donald Trump sẽ lựa chọn phương án mà họ cho là cực đoan nhất - không kích giết tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Quốc gia Hồi giáo Iran. Các tướng quân đội Mỹ vẫn thường đưa ra những lựa chọn "khó xảy ra" như vậy trong các kế hoạch tác chiến để khiến các phương án khác dễ được Tổng thống lựa chọn hơn.
Khi Trump phát lệnh không kích vào tối 2/1, các quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc sững sờ, NYTimes dẫn lời các quan chức cấp cao ở Nhà Trắng cho biết. Nhưng họ vẫn phải thực hiện mệnh lệnh. Rạng sáng 3/1, máy bay không người lái MQ-9 Reaper phóng nhiều quả tên lửa, giết chết tướng Soleimani và Abu Mahdi al-Muhandis, người sáng lập kiêm phó tư lệnh Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU) thân Iran, ngay trên lãnh thổ Iraq.
Quyết định của Tổng thống Trump và đòn không kích của Mỹ giết chết tướng Soleimani còn khiến toàn Trung Đông chấn động. Tehran tuyên bố sẽ trả thù cho cái chết của Soleimani, trong khi các đồng minh của Iran ở Iraq đang gây sức ép nhằm đẩy binh sĩ Mỹ khỏi nước này.
"Quyết định ra tay với tướng Soleimani là động thái thiển cận, phản chiến lược và chỉ khiến tình hình Iraq bất ổn thêm. Động thái này đánh dấu sự chấm dứt của thời kỳ khẩu khiến giữa hai bên, mở ra mối đe dọa trả thù thực sự", tiến sĩ Julie Norman, chuyên gia về chính trị Trung Đông tại Đại học London, nhận định.
Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei cảnh báo "đòn trả thù mạnh mẽ đang chờ đợi" giáng lên những kẻ đã gây ra cái chết của tướng Soleimani. Để đối phó, Mỹ thông báo sẽ triển khai thêm 3.500 quân tới khu vực nhằm tăng cường an ninh. Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad kêu gọi tất cả công dân Mỹ rời Iraq ngay lập tức.
Với việc giết Soleimani, Mỹ phải đối mặt thách thức trong việc duy trì chỗ đứng tại khu vực, điều kiện quan trọng để họ tiếp tục cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy.
Cuộc không kích giết chết tướng Iran ngay trên đất Iraq cho thấy Washington không coi trọng chính quyền ở Baghdad. Điều này sẽ khiến các chính trị gia thân Mỹ ở Iraq lâm vào thế khó khi muốn bảo vệ quyết định cho phép Mỹ hiện diện quân sự ở quốc gia này.
Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi lên án cuộc không kích vi phạm trắng trợn những điều khoản liên quan tới sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực. Ông kêu gọi tiến hành các biện pháp nhằm "bảo vệ phẩm giá và chủ quyền của Iraq", đồng thời cho biết đã yêu cầu triệu tập quốc hội để bỏ phiếu có nên trục xuất quân đội Mỹ khỏi Iraq hay không.
Từ tháng 5 năm ngoái, Mỹ đã triển khai 14.000 quân tới Trung Đông nhằm phản ứng với các mối đe dọa đang leo thang từ Iran. Lực lượng bổ sung mới nhất nâng tổng số binh sĩ Mỹ ở khu vực lên gần 80.000, giới chức quốc phòng cho hay.
Mỹ điều quân trở lại Iraq từ năm 2014 nhằm chiến đấu chống IS. Washington vẫn giữ khoảng 5.000 quân ở lại Iraq dù đã tuyên bố đánh bại hoàn toàn IS vào năm ngoái.
Các lãnh đạo người Shiite ở Iraq kêu gọi trục xuất binh sĩ Mỹ bằng mọi giá, nếu không thể thông qua con đường chính trị thì bằng vũ lực. Người Shiite thống trị chính trường Iraq kể từ sau khi tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ hồi năm 2003.
"Sau tội ác này, chúng ta sẽ coi quân đội Mỹ như một lực lượng chiếm đóng", nghị sĩ Iraq Naeem al-Aboudi nói. Ông mô tả hành động giết hại tướng Soleimani và phó tư lệnh Muhandis là lời tuyên bố chiến tranh từ Mỹ.
Sajad Jiyad, giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu al-Bayan, cho rằng cuộc không kích của Mỹ thực sự là điều khó chấp nhận đối với ngay cả những người ủng hộ việc duy trì quan hệ tốt đẹp với Washington. Họ không có đủ số thành viên trong quốc hội để ngăn quyết định trục xuất binh sĩ Mỹ khỏi Iraq.
"Người Iraq sẽ vui vì người Mỹ rời đi. Người Iran chắc chắn sẽ coi đó là một chiến thắng. Tôi nghĩ một bộ phận người Mỹ cũng nghĩ tới điều này và sẵn sàng rời đi", Jiyad bình luận.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, Hill)
Xem thêm: