Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm nay xác nhận Bình Nhưỡng đã phóng thử hai quả đạn pháo phản lực siêu lớn từ bãi thử Yeonpo thuộc tỉnh Nam Hamgyong, phía đông nước này vào chiều 28/11. "Đợt bắn thử cho thấy sự vượt trội về mặt kỹ thuật và độ ổn định của loại vũ khí này. Lãnh đạo tối cao đã bày tỏ hài lòng với kết quả thử nghiệm", thông báo của KCNA có đoạn.
Đây là lần phóng thử vũ khí thứ 13 của Triều Tiên trong năm nay, cũng là đợt thử pháo phản lực (rocket) siêu lớn lần thứ 4 kể từ khi hệ thống này được công bố.
Tầm bắn và độ cao tối đa của các quả đạn trong các lần thử đều tương đồng, điểm khác biệt lớn nhất là giãn cách giữa hai loạt rocket trong cùng một lần phóng. Hai quả đạn rời bệ phóng chỉ cách nhau khoảng 30 giây trong vụ thử hôm 28/11, so với 17-19 phút trong hai lần đầu tiên và ba phút ở cuộc thử nghiệm hôm 31/10.
"Mục đích chính của lần thử mới nhất là đánh giá hệ thống phóng loạt liên tiếp. Giãn cách 30 giây cho thấy các nhà khoa học Triều Tiên đã phát triển thành công năng lực tiến công mà lãnh đạo Kim Jong-un yêu cầu", Shin Jong-woo, chuyên gia phân tích thuộc Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc tại Seoul, nhận xét.
Giáo sư Kim Dong-yup tại Đại học Kyungnam của Hàn Quốc nhận định Triều Tiên có thể sớm hoàn thiện và đưa pháo phản lực siêu lớn vào biên chế chiến đấu. "Triều Tiên phóng rocket từ vùng phía tây trong đợt thử thành công cuối tháng 10. Với vụ phóng mới nhất, họ đã chứng tỏ năng lực phóng đạn liên tục, sẵn sàng sản xuất hàng loạt và triển khai hệ thống này", ông Kim nói.
Trình độ công nghệ của Triều Tiên vẫn bị đánh giá là kém xa các cường quốc quân sự trên thế giới. Hệ thống pháo phản lực phóng loạt của Mỹ có giãn cách khoảng 5 giây giữa mỗi loạt đạn, trong khi tổ hợp rocket 400 mm của Trung Quốc từng đạt mức 6 giây.
Tuy nhiên, loại rocket siêu lớn vẫn đủ sức giúp Bình Nhưỡng tung đòn tập kích bất ngờ với sức hủy diệt lớn. "Nó có thể làm nhiệm vụ tập trung hỏa lực (ToT), trong đó các quả đạn phóng từ một đơn vị hoặc nhiều khẩu đội ở những vị trí phân tán dội xuống khu vực mục tiêu vào cùng một thời điểm", Ryu Sung-yeop, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quân sự Hàn Quốc, cho hay.
Pháo phản lực siêu lớn của Triều Tiên dường như có đường kính 600 mm và đạt tầm bắn khoảng 400 km, đủ sức đe dọa phần lớn căn cứ Mỹ và Hàn Quốc. "Rocket tầm xa bắn cấp tập trong thời gian ngắn sẽ gây khó khăn lớn cho lưới phòng không của Mỹ và Hàn Quốc, do chúng khó bị phát hiện và đánh chặn", Ryu nói thêm.
Một số nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng vẫn cần tiến hành thêm các đợt bắn thử trước khi hệ thống này được biên chế. "Họ sẽ phải bắn được 4 quả đạn liên tiếp như thiết kế", nguồn tin quân đội Hàn Quốc nhận xét. Mỗi xe chiến đấu của hệ thống này được lắp 4 ống bảo quản kiêm bệ phóng.
Các đầu đạn trong cả 4 đợt thử nghiệm đều không nhằm vào mục tiêu cụ thể, mà được bắn với tầm tối đa. Chúng dường như được khai hỏa từ mặt đất bằng phẳng, trong đó bệ phóng được cố định từ trước. "Bình Nhưỡng cần kiểm tra độ chính xác, cũng như bảo đảm hệ thống đủ tin cậy để hoạt động trong điều kiện tác chiến thực tế", chuyên gia Shin nêu quan điểm.
Pháo phản lực siêu lớn là một trong 5 loại vũ khí mới được Triều Tiên thử nghiệm trong năm nay, bên cạnh một tổ hợp rocket dẫn đường thế hệ mới, tên lửa đạn đạo tầm ngắn tương tự dòng Iskander Nga, tên lửa đạn đạo chiến thuật giống mẫu ATACMS của lục quân Mỹ và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong-3.
Những đợt phóng tên lửa được Triều Tiên nối lại từ tháng 5, chấm dứt 18 tháng không thử vũ khí và cho thấy sự mất kiên nhẫn của Bình Nhưỡng khi đàm phán với Washington rơi vào bế tắc. Kim Jong-un hồi tháng 4 đưa ra hạn chót vào cuối năm để Washington thể hiện sự "linh hoạt" hơn trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.
Triều Tiên nhiều lần cáo buộc Mỹ có cách tiếp cận không phù hợp và đe dọa quan hệ giữa hai nước "có thể kết thúc ngay lập tức", đồng thời cảnh báo sẽ không tổ chức các cuộc hội đàm mới với Washington cho tới khi nước này hoàn toàn từ bỏ chính sách thù địch nhằm vào Bình Nhưỡng.
Vũ Anh (Theo Yonhap)