"Biện pháp được áp dụng vượt quá những gì cần thiết một cách hợp lý để đạt mục đích thực thi pháp luật, điều tra và truy tố nguời biểu tình bạo lực, ngay cả trong hoàn cảnh hỗn loạn hiện tại ở Hong Kong", phán quyết hôm nay của Tòa án Tối cao Hong Kong nêu, đề cập lệnh cấm người biểu tình mang mặt nạ, khẩu trang.
Theo tòa, lệnh cấm đã vi phạm hiến pháp của thành phố, không phù hợp với Luật cơ bản và không đạt được sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích xã hội được xúc tiến và sự xâm phạm các quyền được bảo vệ.
Tòa án Tối cao cũng phán quyết rằng quyền lực khẩn cấp được sử dụng để ban hành lệnh cấm là không hợp pháp. Sau khi phán quyết được công bố, cảnh sát Hong Kong tuyên bố tại cuộc họp báo hôm nay rằng họ sẽ ngừng thực thi lệnh cấm trên trong lúc tòa tiếp tục xem xét đơn kháng nghị.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam hôm 4/10 công bố lệnh cấm người biểu tình đeo khẩu trang, mặt nạ, vẽ sơn lên mặt như một biện pháp răn đe người biểu tình bạo lực và hỗ trợ cảnh sát thực thi pháp luật. Những người vi phạm có thể đối diện án tù lên tới một năm hoặc bị phạt 25.000 đôla Hong Kong (khoảng 3.200 USD). Một nhóm gồm 25 nghị sĩ sau đó đệ đơn lên Tòa án Tối cao yêu cầu hủy bỏ lệnh cấm này.
Phán quyết được đưa ra giữa bối cảnh căng thẳng leo thang tại Hong Kong trong tuần đối đầu bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình tại khuôn viên các trường đại học trong thành phố. Đầu tuần trước, hàng trăm cảnh sát chống bạo động tại Đại học Hong Kong (CUHK) đã bắn hơn 1.500 hộp hơi cay để giải tán các đám đông. Người biểu tình sau đó chuyển sang khuôn viên các trường đại học khác, bao gồm Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU), dẫn đến các cuộc đụng độ lẻ tẻ từ sáng 14/11. Đến tối 15/11, sau bốn ngày chiếm giữ, người biểu tình đột nhiên rời khỏi CUHK để chuyển sang khuôn viên PolyU.
Từ trưa ngày 17/11 đến chiều nay, hàng trăm người biểu tình tập trung bên trong PolyU, trong khi cảnh sát bao vây bên ngoài và phong tỏa các con đường xung quanh. Nhiều người biểu tình tìm cách thoát ra ngoài song đều bị hơi cay của cảnh sát đẩy lùi.
Biểu tình bùng phát từ đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa tội phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền đặc khu tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu sách khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát và lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam từ chức.
Huyền Lê (Theo Wall Street Journal)