Cảnh sát và người biểu tình đụng độ dữ dội tại Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) từ trưa qua trong bối cảnh bạo lực leo thang tại đặc khu hành chính suốt tuần. Người biểu tình bắn mũi tên vào cảnh sát, sử dụng súng cao su phóng pháo sáng, đốt lửa tại các tòa nhà và cây cầu. Họ cũng ném chất cháy vào một xe bọc thép, khiến nó bốc cháy trên cầu vượt gần khuôn viên trường.
"Nếu họ tiếp tục hành động nguy hiểm như vậy, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài sử dụng vũ lực tối thiểu cần thiết, bao gồm bắn đạn thật, để đáp trả", cảnh sát trưởng Louis Lau cảnh báo trong đoạn video được phát trực tiếp trên Facebook Cảnh sát Hong Kong (Hong Kong Police) đêm qua.
Hong Kong lần đầu tiên chìm trong biểu tình và đụng độ bạo lực kéo dài liên tiếp một tuần kể từ tháng 6. Trước đó, biểu tình chỉ diễn ra vào mỗi cuối tuần. Đầu tuần trước, hàng trăm cảnh sát chống bạo động tại Đại học Hong Kong (CUHK) đã bắn hơn 1.500 hộp hơi cay để giải tán các đám đông. Người biểu tình sau đó chuyển sang khuôn viên các trường đại học khác, bao gồm PolyU, dẫn đến các cuộc đụng độ lẻ tẻ từ sáng 14/11. Đến tối 15/11, sau bốn ngày chiếm giữ, người biểu tình đột nhiên rời khỏi CUHK để chuyển sang khuôn viên PolyU.
Khoảng 22h ngày 17/11, cảnh sát kêu gọi người biểu tình rời PolyU. Đến 23h, hàng chục người biểu tình bị bắt và hàng trăm người khác vẫn ở lại trong các tòa nhà. 2h sáng nay, một nhóm nghị sĩ đề nghị được vào trường và đưa những người sẵn sàng rời đi ra ngoài, nhưng bị cảnh sát từ chối. Vài giờ sau, một số tiếng nổ lớn được nghe thấy trước khi "bức tường lửa" do người biểu tình dựng lên thắp sáng cổng chính PolyU, theo phóng viên AFP.
Trong một đoạn video gửi đến giới truyền thông, Chủ tịch PolyU Teng Jinguang kêu gọi người biểu tình nên rời khuôn viên. "Cảnh sát bảo đảm không sử dụng vũ lực nếu người biểu tình không sử dụng vũ lực. Cảnh sát cũng đồng ý để mọi người rời khuôn viên một cách yên bình", ông nói.
Người biểu tình đeo mặt nạ phòng độc khoảng 8h sáng nay cố rời khỏi khuôn viên PolyU, song họ phải rút lui sau khi cảnh sát bắn hơi cay. Cảnh sát phong tỏa các con đường chính và tiếp cận trường học, ngăn cản bất cứ ai ra hoặc vào. Họ nói rằng họ chỉ thực hiện nhiệm vụ giải tán đám đông và bắt người biểu tình bạo lực.
Ken Woo Kwok-wang, chủ tịch hội sinh viên PolyU, cho biết có khoảng 600-700 người đang ở trong khuôn viên trường, trong đó khoảng một nửa là sinh viên PolyU.
"Chúng tôi bị mắc kẹt và không đủ thức ăn. Số người bị thương đang gia tăng và tình hình vệ sinh ngày càng tồi tệ. Họ đang cố đẩy các sinh viên vào ngõ cụt. Hơn 50 nhân viên sơ cứu đang ở trong khuôn viên trường để chăm sóc người bị thương", Woo nói, đồng thời kêu gọi các tổ chức khác nhau, bao gồm các nhóm quốc tế, hỗ trợ cho PolyU.
Bên ngoài PolyU, tại Vườn Trung tâm Hội đồng đô thị gần đó, cảnh sát chống bạo động liên tục giải tán đám đông hoặc chạy theo, xịt hơi cay vào người biểu tình. Ít nhất 7 người bị cảnh sát bắt và giải đi, một người bị thương vào đầu.
Những người biểu tình và ủng hộ biểu tình ở quận Tsim Sha Tsui thiết lập hàng rào tre trên đường Nathan, con đường chính có nhiều xe cộ lưu thông. Nhiều người nói với CNN rằng họ thực hiện việc này để phân tán cảnh sát khỏi PolyU, nơi nhiều người biểu tình mệt mỏi và có dấu hiệu kiệt sức.
Cảnh sát xác nhận trên Facebook rằng họ đã bắn ba phát đạn thật ở quận Tsim Sha Tsui vào khoảng 3h sáng nay khi "đám đông bạo loạn" tấn công cảnh sát.
Người biểu tình tuyên bố tiếp tục đưa thành phố vào tình trạng bế tắc một phần bằng cách chặn các tuyến đường lớn và làm gián đoạn dịch vụ giao thông công cộng, nhằm phân tán lực lượng của cảnh sát.
Hiện chưa rõ số người bị bắt và bị thương sau 24 giờ đụng độ. Giao thông công cộng của thành phố bị gián đoạn do nhiều trạm tàu điện ngầm phải đóng cửa. Đường hầm quan trọng xuyên qua bến cảng nối Kowloon (Cửu Long) với đảo Hong Kong đã bị đóng cửa do căng thẳng tại PolyU.
Nhiều trường đại học, bao gồm Đại học Trung Văn Hong Kong và Đại học Hong Kong, đã kết thúc học kỳ sớm. Sinh viên thuộc chương trình trao đổi với nước ngoài hối hả về nước. Sở giáo dục cũng hủy các lớp học ở tất cả các trường trên toàn thành phố trong hôm nay.
Biểu tình Hong Kong bùng phát từ đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa tội phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền đặc khu tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu sách khác, trong đó có yêu cầu điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát, yêu cầu lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam từ chức.
Biểu tình gia tăng khi Hong Kong dự kiến tổ chức bầu cử cấp quận vào chủ nhật tới, 24/11, chọn 400 thành viên cho 18 hội đồng quận. Đây được cho là "nhiệt kế" quan trọng đối với ý kiến công chúng trước các cuộc biểu tình hiện nay. Thành viên hội đồng quận thực tế không có nhiều quyền lực dưới hệ thống hiện nay của Hong Kong, nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn đến cách chọn Hội đồng Lập pháp và trưởng đặc khu trong tương lai.
Ngoài thông cáo của cảnh sát, chính quyền Hong Kong chưa lên tiếng về những diễn biến mới. Nhưng tuần trước, bà Carrie Lam lên án bạo lực và tuyên bố sự leo thang bạo lực sẽ không khiến chính quyền đáp ứng yêu cầu của người biểu tình.
Trung Quốc cáo buộc phương Tây đứng sau các cuộc biểu tình ở Hong Kong và bày tỏ sự ủng hộ với Carrie Lam. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14/11 nói rằng tình trạng bất ổn ở Hong Kong "chà đạp nghiêm trọng thượng tôn pháp luật và trật tự xã hội", thách thức nguyên tắc cơ bản của mô hình một quốc gia, hai chế độ. Ông Tập khẳng định ngăn chặn bạo lực, kiểm soát bạo loạn và khôi phục trật tự là nhiệm vụ cấp bách đối với Hong Kong.
Huyền Lê (Theo AFP, SCMP, Global Times)