Bộ Thương mại Trung Quốc hôm nay thông báo nước này ngừng mua nông sản Mỹ để đáp trả việc Tổng thống Donald Trump hôm 1/8 tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 10% với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1/9. Động thái này của Bắc Kinh làm tăng nhiệt đáng kể chiến tranh thương mại giữa hai nước, khiến các chuyên gia đặt câu hỏi "liệu bao giờ nó sẽ kết thúc".
Theo Charles Hankla, chuyên gia về chính sách thương mại tại Đại học Georgia, Mỹ, Tổng thống Trump dường như tin rằng thương mại tự do là trò chơi "một mất một còn", nghĩa là nếu một bên được lợi thì bên kia sẽ chịu thiệt và hai bên phải cạnh tranh với nhau.
Khi phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Trump có thể tin tưởng rằng cuộc xung đột này rốt cuộc sẽ đem lại "chiến thắng" cho Mỹ và buộc Bắc Kinh thay đổi các điều khoản thương mại theo hướng mang lại lợi ích cho Washington. Nhiều người Mỹ dường như cũng ủng hộ quan điểm này và nhiệt thành cổ vũ cho chính sách của Trump với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Hankla nhấn mạnh thương mại tự do là trò chơi "tất cả đều được", đồng nghĩa với việc mọi nước tham gia quá trình trao đổi đều có thể hưởng lợi. Đây là lý do ông tin rằng sẽ không có "kẻ chiến thắng cuối cùng" trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay, khi cả hai bên đều bị tổn hại và không dễ dàng nhượng bộ trước đối thủ.
Để giành thắng lợi trong chiến tranh thương mại, một quốc gia phải sở hữu nhiều lợi thế hơn đối thủ trên bàn đàm phán, đồng nghĩa với việc đủ khả năng gây thiệt hại cho đối phương nhiều hơn so với những bất lợi mà họ phải gánh chịu. Chiến tranh thương mại càng kéo dài, quốc gia này càng phải giành được nhiều quyền lợi hơn để bù đắp thiệt hại.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã kéo dài suốt 18 tháng qua, nhưng đến nay chưa có bất cứ bên nào giành được lợi thế thực sự rõ rệt trước đối phương và cũng chưa ai thu được thành quả đủ lớn để bù đắp cho tổn thất của nền kinh tế.
Với Trung Quốc, thiệt hại từ chiến tranh thương mại là rất lớn, bởi nước này trước đó đã đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Vấn đề được giới lãnh đạo Bắc Kinh quan tâm trước khi chiến tranh thương mại nổ ra là làm thế nào để chuyển đổi hiệu quả nền kinh tế từ mô hình phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ sang sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn.
Sau hơn một năm chiến tranh thương mại với Mỹ, tăng trưởng GDP quý II năm nay của Trung Quốc là 6,2%, mức thấp nhất kể từ khi chính phủ nước này công bố số liệu hàng quý vào năm 1992. Một điều đáng lo ngại khác là ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các công ty nước ngoài đang "ngó lơ" Trung Quốc, khi họ mở rộng các hoạt động tìm nguồn cung ứng, sản xuất và phân phối ở nước khác.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải quan tâm đến việc duy trì ổn định chính trị trong nước, trong bối cảnh đặc khu hành chính Hong Kong đang đối mặt với phong trào biểu tình chống dự luật dẫn độ kéo dài nhiều tuần qua.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hiện nay của Trung Quốc vẫn giúp nước này nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Vì vậy, sự chững lại gần đây khó có thể bị coi là một cuộc khủng hoảng. Việc các công ty quay lưng với Trung Quốc cũng bắt đầu trước khi chiến tranh thương mại nổ ra do chi phí lao động tăng cao, lo ngại về đánh cắp tài sản trí tuệ và các vấn đề khác.
Nhưng những tổn hại của nền kinh tế Trung Quốc không tự động biến thành lợi ích thương mại đối với chính phủ và người dân Mỹ như Trump vẫn tưởng. Người dân Mỹ dần cảm thấy khó chịu với tình hình hiện nay, đặc biệt là nông dân.
Nhiều người trong số họ tiếp tục ủng hộ Trump, nhưng họ dường như bắt đầu mệt mỏi với quan điểm không khoan nhượng của Tổng thống sau những hy sinh mà họ phải bỏ ra.
Chủ tịch Liên hiệp Nông trại Mỹ Zippy Duvall cho biết xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 1,3 tỷ USD trong nửa đầu năm nay và nông dân hiện phải đối mặt nguy cơ mất thị trường 9,1 tỷ USD năm 2018. Các mặt hàng xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc đã đạt 19,5 tỷ USD trong năm 2017.
Để người lao động trong ngành nông nghiệp tiếp tục đứng về phía mình, chính quyền Trump đã trợ cấp hàng tỷ USD trợ cấp cho nông dân. Tuy nhiên, cách giải quyết này để lại hậu quả về chính trị, khi những người ủng hộ tài chính cho phe bảo thủ đang trở nên dè dặt hơn.
Những nghiên cứu gần đây cũng cho kết quả trái ngược với tuyên bố của Trump rằng các công ty Trung Quốc chịu gánh nặng chi trả thuế,đồng nghĩa với việc phần lớn khoản thu rơi vào tay các công ty và người tiêu dùng Mỹ.
Hankla thừa nhận rằng dù trải qua chiến tranh thương mại, nền kinh tế Mỹ về tổng thể vẫn ổn, khi số việc làm ngày càng tăng và tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức 2,1% vào quý II năm nay. Nhưng Trung Quốc có một lợi thế chiến lược có thể tạo nên sự khác biệt: Họ có thể kiên nhẫn đợi đến khi Trump hết nhiệm kỳ.
Bắc Kinh có thể tin rằng các đòn áp thuế hiện nay là biểu hiện "bốc đồng" của Trump và tổng thống Mỹ thay thế ông sẽ không làm như vậy, ngay cả khi người này có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc so với Trump.
Hankla cho rằng Trung Quốc có thể mất nhiều hơn trong xung đột thương mại hiện nay, nhưng quan điểm trong đàm phán của Mỹ dễ bị ảnh hưởng hơn do các vấn đề chính trị.
Những nghiên cứu về xung đột vũ trang chỉ ra rằng hai phe có xu hướng tiếp tục đánh nhau tới khi xảy ra những sự kiện rõ ràng trên thực địa cho thấy một bên có khả năng chiến thắng. Điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc chiến thương mại. Với tình cảnh bất phân thắng bại như hiện nay, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ chưa thể sớm đi đến hồi kết, Hankla nhấn mạnh.
Ánh Ngọc (Theo Market Watch)