Thị sống ở Nga và thị dốt tiếng Nga. Thị dốt vì thị sợ nhục, thị sợ nói sai người ta cười thì nhục lắm nên cực chẳng đã thị mới nói bằng tiếng Nga. Hồi còn đang học tiếng có lần thị kể “đi a dờ bát” (Nói ngọng tên phố Арбат - phố đi bộ ở trung tâm Mátxcơva) bị mấy đứa cùng lớp cười, thị nhục quá! Vậy là từ đó ngồi trong lớp thị câm tịt như cục thịt đông, chỉ mở mồm nếu giáo viên gọi.
Ba năm cấp ba thị cũng từng học tiếng Nga mà câu duy nhất thị nhớ và viết được là “xin bà tí bơ” (Cпасибо - từ cảm ơn nói lái). Thị ghét cay ghét đắng thứ tiếng lằng nhằng dây điện, lắm thời, nhiều cách rồi giống giống, số số, lại còn thêm ngôi với chả nghiếc, hoa cả mắt, chóng cả mặt. Thị đã dốt lại còn dấu dốt nên thị càng dốt.
Thị cưới chồng, rồi thị sinh con. Thị chứng kiến nhiều đứa trẻ thuần Việt nhưng không biết tiếng Việt, cả tuần ở nhà Tây, cuối tuần về với mẹ bập bẹ vài từ vâng, dạ. Thị sợ thị không nói chuyện được với con. Thị sợ con bị đồng hóa, sợ con mất gốc.
Thị dốt tiếng Nga, thị dạy con tiếng Việt. Con thị lên bốn thị nhờ mua sách “ò,ó,o” mang sang. Mỗi tối thị chơi trò ò, ó, o với nó. Con bé hứng thú lắm, hót véo von, rồi lại kéo co với mẹ. Được cái con bé sáng dạ hơn mẹ nên sau khoảng 2 tháng nó thuộc hết bảng chữ cái, chữ viết lúc tròn lúc méo vẫn thấy thị khen. Khó khăn chỉ bắt đầu khi học đánh vần.
Rõ ràng ân mà nó đọc là ưn, tên bà ngoại nó, nó đánh vần thành Bưn. Mỗi vần đơn như thế mà cũng mất cả tuần. Thị bắt đầu cú, bắt đầu mắng, con bé đang hứng học thành ra sợ, mỗi lần thấy mẹ mang sách học vần ra mắt con bé lấp lánh nước bảo con thích viết. Học đến vần up thị dừng lại để con bé học chữ tiếng Nga chuẩn bị vào lớp một.
Hết lớp một, con bé đọc trôi chảy báo tiếng Việt nhưng nó chẳng hiểu gì. Thôi cũng tạm không mù chữ chỉ mù nghĩa. Thị tiếp tục đặt mua bộ sách lớp 2. Mùa hè con bé tập chép và đọc những mẩu thơ ngắn. Hết lớp 2, con bé có thể đọc hiểu chuyện cổ tích.
Nhưng con bé càng lớn, cơ hội giao tiếp tiếng Việt của nó càng giảm, khả năng nói tiếng Việt càng kém. Nhiều lúc thị và chồng quên phắt rằng phải nói với con bằng tiếng Việt, quên mất cái giọng tiếng Nga nửa mùa sẽ làm hỏng ngữ điệu tiếng Nga của bọn trẻ.
Con bé lớn dần, đống sách giáo khoa tiếng Việt cũng cao dần, con lên lớp 10 trong nhà có đủ sách từ lớp 1 đến 10. Đủ bộ chứ không phải mỗi văn và tiếng Việt. Có cả địa lý, lịch sử, cả toán, lý, hoá… Thị bắt con học cả các môn tự nhiên bằng tiếng Việt.
Có lần thị đang làm toán với con, nó hỏi:
- Mama nghĩ bằng tiếng gì?
- Tất nhiên mama nghĩ bằng tiếng Việt.
- Tại sao con lại nghĩ bằng tiếng Nga nhỉ?
- Tại con không chịu nói tiếng Việt như mama chứ sao.
Con bé lặng thinh, không trả lời. Khi đọc thơ “Mười quả trứng tròn, mẹ gà ấp ủ…” rồi “hàng bưởi đu đưa, bế lũ con đầu tròn trọc lốc” con bé cười như nắc nẻ, nó bảo nó nhìn thấy đầu trọc lốc của em bé hàng xóm rồi, rất xinh!
Lớn hơn chút thị với con đọc truyện. Mười một tuổi con bé bảo thị: “Đọc Puskin tiếng Việt hay hơn tiếng Nga mama ạ”. Thị hỏi chỗ nào, nó chỉ đoạn tả biển xanh rì rào sóng vỗ, nói: “Puskin viết không hay như thế.”
Thị yên tâm vì con bé đã biết cảm nhận ngôn ngữ văn học. Trong nhà thị có hai chục quyển Harry Potter bằng cả ba thứ tiếng Anh, Nga, Việt. Tập đầu tiên con bé đọc chi chít dấu bút chì để chờ mẹ dịch nghĩa, tới tập 7 nó đã tự đọc và không cần hỏi.
Mùa hè, nghỉ học là cơ hội để đọc, viết tiếng Việt. Mỗi ngày ngoài viết chính tả, thị bắt con bé viết dăm ba câu kể những gì nó làm được trong ngày. Thị bắt con bé viết thư cho ông bà, anh chị. Những lá thư chi chít lỗi chính tả, lủng củng, ngô nghê, giờ đọc lại vẫn chết vì cười.
Dạy con đọc viết khó, nhưng dạy con giao tiếp còn khó hơn. Tiếng Nga ngữ pháp khó nhưng khi giao tiếp lại ngắn gọn đơn giản. Nếu bác hỏi con thị mấy tuổi, nó sẽ trả lời cộc lốc: 6. Trả lời với người Việt mà trống không như thế thì chết. Thị không bao giờ trả lời hộ con những câu hỏi mà người ta dành cho nó nhưng thị lắng nghe nó trả lời, thấy sai thị sửa . Thị cố gắng tận dụng cơ hội cho con được nói tiếng Việt với nhiều người. Nó giống thị ở chỗ sợ nhục, nên nếu người đối diện biết chút ít tiếng Nga thì cuộc đối thoại sẽ thành một người nói tiếng Việt, còn con thị nó trả lời tiếng Nga.
Thị bảo con: “Con vịt dù sống cùng với bầy thiên nga, kêu như thiên nga thì vịt vẫn là vịt, thiên nga sẽ không bao giờ công nhận con vịt lạc đàn là đồng loại. Rồi có ngày vịt phải về với đàn vịt, đã là vịt phải biết kêu cạp cạp”. Bữa tối của nhà thị chính là giờ tiếng Việt. Con thị biết thế nào là mèo mun, ngựa ô, chó mực, thế nào là sơn, thuỷ, phong, vân, biết gần mực thì đen gần đèn thì rạng, biết “Quả táo không lăn xa cây táo” chính là “Lá rụng về cội” để nó không quên gốc rễ của nó tận đất Việt xa xôi.
Con thị vào đại học, mỗi ngày thị đều gửi link báo cho con đọc. Còn thị, mỗi ngày cũng đọc một mẩu tin tiếng Nga (đọc chắc gì đã hiểu hết) để chống nhục dần dần. Kết quả, con thị một lần được giải nhất viết về quê hương. Nó đã tự tin dẫn chương trình bằng tiếng Việt cho sinh viên và cộng đồng. Nó hoàn toàn tự tin khi dùng tiếng Việt dù chưa một giờ học tiếng Việt đúng nghĩa.
Thị thầm tự hào, con thị ra đường là cô gái châu Âu văn minh, bước vào nhà nó là cô gái Á Đông đúng nghĩa. Văn hóa Việt chỉ có thể hiểu đúng bằng chính ngôn ngữ Việt. Còn thị, thị vẫn nhục, nhục dần đều! Thị nói tiếng Tây, tất nhiên ta thì hiểu còn Tây không chịu hiểu.
Hải Vinh
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com