Khi làm giấy tờ khai sinh cho chị, bố lựa mãi, cuối cùng chọn tên Hoài Nhan. Với dụng ý một nhan sắc luôn mê đắm lòng người, nhớ hoài không phai nhạt.
Có phải bởi cái tên, những đức tính đáng quý báu hay nhan sắc ở chị mà anh đã yêu chị đến thế? Nhưng tình yêu ấy dở dang và họ không đến được với nhau.
Chiều nao phố nhỏ
Gió vu vơ
Em về
Ký ức xưa chợt dậy
Khắc khoải.
Những con mắt hàng cây
Vẫn thức dõi tìm
Sao đơn lẻ
Như cánh chim tan bão.
Em lặng lẽ
Giữa bao người
Phố vắng
Lang thang tiếc nuối…
Ngày ấy
Sao dại khờ thế anh?
Con đường xưa
Ngoặt rẽ.
Vì anh? Vì em?
Lời thơ như một câu hỏi cho tình yêu của hai người, bấy lâu nay vẫn luôn day dứt trong trái tim chị. Mới đây chị biết anh đã yêu chị nhường nào…
Hôm nay, từ phương trời xa xôi của xứ sở sương mù, chị trở về.
Con đường ngày xưa anh chị thường sánh đôi vẫn còn đây. Hàng cây non giờ đã già, gốc xù xì thô nhám. Đời cây 45 năm, đời người 63 năm. Chị đã xa anh bằng thời gian của một đời cây. Nhưng tình yêu anh dành cho chị vẫn mãi xanh non.
Chuyến trở về này, chị thay anh làm một việc anh từng ấp ủ, nhưng chưa kịp…
Ngày anh mất, anh gọi đứa con trai lớn đến bên giường bệnh bảo rằng: "Bố có một chiếc cặp khóa số, trong đó có một tập bản thảo những bài thơ bố viết mấy chục năm qua. Con tìm cách liên lạc với cô Hoài Nhan, em cô ấy vẫn ở Việt Nam đấy… Nói với cô ấy, gia tài của bố chỉ có chừng này… in tập thơ để lưu giữ ký ức... Con nhớ lời bố dặn chưa?".
Giọng anh thều thào đứt quãng. Cậu con trai nói trong nước mắt “Vâng bố”.
Tim chị đau thắt khi nhận được tập bản thảo từ tay cậu con trai anh. Bởi trong góc khuất, trái tim chị vẫn có anh. Nước mắt chị rơi trên từng trang giấy đã ố vàng. Chị đã hiểu tình yêu anh dành cho chị nhiều đến thế nào.
Ngày ấy, vì một sự hiểu lầm lớn mà chị đã rời xa anh. Sau đó chị sang Anh du học, lấy chồng là người Hoa và định cư bên đó. Ở quê nhà Việt Nam, anh chôn chặt mối tình của hai người… Bao niềm thương, nỗi nhớ được thổ lộ qua mấy trăm bài thơ anh viết.
Khi anh đọc thư em
Giữa rừng đêm gió nổi
Con tàu xé trời đêm
Đưa em qua biên giới
Từ bây giờ xa lắc
Đâu dễ gì đến thăm
Em ra ngoài Tổ quốc
Anh vào miền nhớ em
Ngồi không yên bữa ăn
Nằm không yên giấc ngủ
Tình yêu và nỗi nhớ
Tăng lên gấp bội phần
Hoặc có bài anh viết:
Ở bên ấy anh ơi trời lạnh lắm
Sống xa nhà tuyết lạnh lẽo rơi
Song nhờ có thư anh gửi gắm
Nắng quê hương êm ấm cả người
Nghe lời em
Anh muốn hóa mình là nắng
Nắng quê hương em ấm trọn đời.
Sau bao ngày chờ đợi, tác phẩm của anh đã ra đời. Tựa đề tập thơ mang tên "Thơ tình gửi cô bé cắt cỏ". Tựa đề này là hình ảnh đẹp lần đầu anh nhìn thấy chị, rồi quen và yêu chị.
Chọn một ngày đẹp trời, chị đem tập thơ ra mộ anh thắp hương, chị khấn: "Em đã về rồi, Hoài Nhan của anh ngày xưa đây. Em đã thực hiện ước nguyện của anh. Nếu con người có kiếp luân hồi, mình sẽ bên nhau anh nhé".
Nghĩa trang đã xế chiều, trời bắt đầu chạng vạng. Người ta thấy một người phụ nữ, tay cầm một cuốn sách với mái tóc điểm sương, gương mặt đẹp, đôi mắt buồn sâu thẳm, nhưng ánh lên một tia nhìn thật ấm áp.
Chị ấy tên là Hoài Nhan. Định cư tại nước Anh xa xôi và lạnh giá.
Đặng Tuyết Hồng
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com