Ba tôi là bếp trưởng trên một con tàu viễn dương. Thời còn trẻ, từ một chàng trai quê ngờ nghệch, không trình độ, không năng lực, ba xin vào làm phụ bếp rồi dần phấn đấu học hỏi, rèn luyện trở thành bếp trưởng, quản lý cả một khu bếp rất hoành tráng. Có người cha làm việc ở tàu viễn dương, đi khắp nơi vòng quanh thế giới, hàng tháng đều đặn gửi tiền về cùng những món quà độc đáo từ biết bao đất nước xa xôi, tôi lấy làm tự hào lắm, dù đôi khi chẳng vui vì rất ít khi hai ba con được gặp mặt nhau, cùng nhau âu yếm chuyện trò.
Ngày ba xin đi làm phụ bếp, nhà tôi nghèo, nghèo lắm. Mẹ tôi là một người con gái đẹp, gia cảnh lại thuộc hàng bề thế nhất nhì thành phố cảng những năm bao cấp. Mẹ yêu và đòi lấy ba, gia đình ông bà nội phản đối dữ dội vô cùng, đòi từ mặt mẹ. Mẹ chấp nhận.
Ngày ba mẹ thành hôn, gia đình họ nội chỉ có duy nhất bác cả tới chơi, len lén đút cho mẹ một đùm giấy báo, gói kỹ bên trong là chút tiền hai bác dành dụm được để đỡ đần cho đôi vợ chồng mới cưới. Ba mẹ cười mà nước mắt tuôn rơi, nhất quyết không nhận, khẳng định tự bản thân mình có thể vươn lên, dù là từ hai đôi bàn tay trắng.
Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng trở nên nghèo túng hơn khi anh trai tôi ra đời. Dẫu chẳng muốn cảnh gia đình chia cắt đôi nơi, mẹ vẫn đành ngậm ngùi thuận theo ý muốn làm việc trên tàu viễn dương của ba. Ngày tiễn ba ngoài bến cảng, mẹ ngậm ngùi, cố nuốt trôi nước mắt. Mẹ không muốn ba phát hiện ra mẹ đã mang tôi trong bụng tới tháng thứ ba rồi.
Tôi sinh ra, nửa năm sau mẹ mới được nhìn mặt ba. Ký ức trẻ thơ chẳng nhớ được gì nhiều, tôi chỉ biết ngày trở về thăm nhà, thấy tôi, ba ôm mặt khóc tức tưởi, chẳng khác nào đứa trẻ mới lên mười trong vẻ ngoài của một người đàn ông gần ba mươi. Giây phút ấy, ba nắm chặt tay tôi, lòng quyết tâm cố gắng nhiều hơn nữa để gia đình nhanh chóng được đoàn tụ, có của ăn của để, hãnh diện ngẩng mặt với đời.
Nhiều người vẫn nhìn các thủy thủ trên tàu viễn dương với con mắt hoài nghi rằng họ tính cách phóng túng, chơi bời, nay đây mai đó, thói đời xa vợ lại càng thích bồ bịch trăng hoa… nhưng ba tôi hoàn toàn không phải người như vậy. Hiểu được nỗi lo lắng, sự mong ngóng, trông chờ của vợ và các con, ba luôn ý thức giữ mình, luôn là một người đàn ông chân chính. Ai cũng khen là gia đình tôi có phúc. Ấy vậy mà, chính mẹ tôi lại là người nỡ lòng phá tan cái hạnh phúc vốn đã rất khó dựng xây lại mong manh tựa như thủy tinh ấy.
Những ngày đầu nghe hàng xóm xì xào, bàn ra tán vào rằng mẹ tôi đang “qua lại” với người đàn ông khác, tôi tức giận la hét, chửi bới họ. Cho tới một ngày, mất điện, tôi được nghỉ học, hai anh em đưa nhau ra biển chơi rồi về muộn, nhìn thấy mẹ được một người đàn ông bảnh bao, chải chuốt đưa về bằng xe hơi, rồi chào tạm biệt nhau bằng những nụ hôn, cái liếc mắt lả lơi... khi đó thế giới xung quanh tôi như hoàn toàn sụp đổ. Đứa con gái nhỏ nhìn mẹ bằng ánh mắt căm hờn. Anh trai tôi, tính cách vốn lạnh lùng, khép kín, thì tuyệt nhiên chẳng nói một lời. Đó cũng là ngày đầu tiên anh hút thuốc…
Tôi ghét cay ghét đắng thuốc lá, ghét khi ba hút, giờ lại thấy anh trai mình dùng, thực tình bất lực không biết phải làm như thế nào. Tôi cũng chẳng còn tâm trí mà lo tới chuyện ấy, khi cái sự ngoại tình của mẹ đã trở thành một gánh nặng, một nỗi đau to lớn hơn đè nặng trong tâm hồn, nhiều khi nó khiến tôi chỉ muốn rơi vào giấc ngủ sâu và mãi không bao giờ thức dậy.
Anh tôi thì lại khác. Kể từ ngày hôm ấy, anh vẫn ít nói, nhưng năng động lên trông thấy. Anh tham gia câu lạc bộ bóng rổ, đi làm người mẫu, làm DJ, trở thành “hot boy” nổi tiếng nhất nhì thành phố cảng thời ấy. Tiền ba gửi về không thiếu, đã thế mẹ bây giờ cũng có thể cho anh em tôi tiền tiêu, người ngoài nhìn vào cảm thấy cuộc sống của chúng tôi giờ chẳng còn chút khó khăn. Tôi nhìn bạn bè đồng trang lứa ghen tỵ xuýt xoa mà lòng thêm mặn đắng…
Công việc ngày càng tiến triển, ba được đi tới nhiều nước châu Âu, được cấp trên tin tưởng trọng dụng, khiến ông lại càng ham. Mỗi lần ba gọi điện về nhà, hai ba con thủ thỉ, tôi chỉ biết năn nỉ ba hãy xin nghỉ việc mà về nhà với chúng tôi, bởi tất cả rất cần ba chứ không cần gia đình phải có nhiều tiền hơn nữa. Ba chỉ cười, bảo tôi rằng, con gái ngoan ơi, bây giờ chưa phải lúc.
Những khi ấy, tôi chỉ muốn hét lên, rằng không phải bây giờ thì là bao giờ, ba muốn đợi đến lúc mẹ bỏ cả nhà để đi luôn theo người ta nữa ư, mà không thể. Khi ba kể về công việc đầu bếp thú vị mà vất vả ra sao, rồi nguy cơ gặp cướp biển nguy hiểm tới mức nào, rồi chỉ cần nghĩ đến mẹ và các con, ba như được tiếp thêm mười lần sức mạnh... là tôi lại đắng. Tôi cố gắng để ba không nhận ra mình đang khóc. Vậy mà hóa ra, vì ba là ba tôi, nên ba đã sớm nhận ra tất cả…
Chuyện nhà tôi tựa như một con thuyền đang cố gắng cầm cự giữa mưa giông bão táp, cho tới khi hoàn toàn vỡ nát là lúc mọi người phát hiện ra anh trai tôi mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Ba tức tốc trở về. Lo cho anh, rồi lại cho chuyện của mẹ, ba gầy đi, gầy tới nỗi tôi có thể nhìn thấy rõ xương bả vai của ba nhô lên sau lớp áo sơ mi đã sờn màu cũ kỹ. Nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy ba rơi một giọt nước mắt. Những lúc ôm ba, tôi thủ thỉ, tại sao chưa bao giờ con thấy ba khóc, chắc chắn là rất đau khổ cơ mà. Ba chỉ nhẹ nhàng xoa đầu tôi bằng đôi bàn tay gân guốc “nếu như ba không mạnh mẽ thì làm sao có thể bảo vệ được gia đình này…”
5 năm kể từ ngày anh tôi mất, mẹ cũng đã đi lấy chồng hai và sinh thêm một em trai. Cả gia đình giờ chỉ còn lại tôi với ba. Ba hứa với tôi sẽ mãi không quay lại tàu viễn dương lênh đênh trên biển nữa. Giờ ba đang làm đầu bếp cho một nhà hàng trên Hà Nội. Tiền ba kiếm được tuy không nhiều như ngày xưa, nhưng những gì ba đem lại cho tôi lúc này còn quý giá hơn cả trăm, cả nghìn lần những món đồ vật chất ba gửi về trong suốt những tháng ngày chia ly ấy. Quãng thời gian xa xứ với ba đầy tủi nhục và đau thương, nhưng ba sẵn sàng nhẫn nhịn và hy sinh tất cả, chỉ cần hai đứa trẻ yêu dấu của ba được hạnh phúc.
Ba đã lơ là, chủ quan, có lỗi với anh tôi và hiện ông chỉ quan tâm và phấn đấu vì một mình tôi mà thôi. Cuối cùng, ba cũng đã trở về với tôi, dù muộn, nhưng nỗi đau cũng không còn nhói thêm mỗi khi tôi nghĩ về nó nữa.
"Ba đã sai khi nghĩ rằng chỉ cần cố gắng hơn, kiếm được thật nhiều tiền hơn là có thể khiến trái tim mẹ con hồi tâm chuyển ý, có thể đem lại cho con và anh một cuộc sống tốt đẹp hơn. Con gái ơi, dẫu muộn nhưng ba đã ở đây với con rồi…"
Bùi Khánh Linh
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com