Đối với các doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon, San Francisco, Mỹ, Trung Quốc là thị trường tỷ đô, là nguồn lao động giá rẻ, là đối thủ, đối tác, nhà cung cấp và là một rủi ro an ninh. Giờ đây, họ có thêm một miêu tả mới: Đối thủ đang chờ cơ hội đánh trả.
Bắc Kinh hôm qua cho biết sẽ công bố danh sách "các thực thể không đáng tin cậy", bao gồm "doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài không tuân thủ những quy tắc thị trường, đi chệch khỏi tinh thần hợp đồng, áp đặt cấm vận hoặc ngừng cung cấp cho doanh nghiệp Trung Quốc vì mục đích phi thương mại, làm tổn hại nghiêm trọng các quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Trung Quốc".
Bắc Kinh không cung cấp thêm chi tiết, nhưng động thái trên được cho là nhằm đáp trả Mỹ vì từ chối cung cấp công nghệ quan trọng cho các tập đoàn Trung Quốc và các doanh nghiệp công nghệ Mỹ dường như sẽ là mục tiêu hàng đầu trong cuộc chiến công nghệ ngày càng leo thang giữa hai cường quốc kinh tế.
"Nếu chúng ta và Trung Quốc tiếp tục đáp trả lẫn nhau, sẽ sớm hình thành tiêu chuẩn công nghệ kép", Rebecca Fannin, tác giả cuốn sách "Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc" (Tech Titans of China) sắp phát hành, cho hay. "Giá linh kiện có thể sẽ tăng và người tiêu dùng sẽ là bên phải chịu thiệt. Nhưng cả hai bên cũng phải tự thúc đẩy quá trình đổi mới của mình và điều đó sẽ giúp ích cho kinh tế toàn cầu".
Các công ty ở Thung lũng Silicon có nguy cơ tổn thất khác nhau vì chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung. Facebook và Google sẽ ít bị ảnh hưởng bởi họ vốn bị chặn bởi chính phủ Trung Quốc, nhưng Apple lại khác, khi họ đã đầu tư khá mạnh tay vào Trung Quốc, nơi vừa là nhà sản xuất vừa là thị trường lớn của điện thoại iPhone.
Tesla đang xây dựng một nhà máy ở Thượng Hải có khả năng sản xuất 250.000 xe hơi một năm. Các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót không ít tiền vào Trung Quốc. Phòng nghiên cứu của Microsoft ở Bắc Kinh là cơ sở lớn nhất họ xây dựng bên ngoài Mỹ. Rất nhiều sản phẩm của Amazon được sản xuất tại Trung Quốc và họ cũng vừa mở một phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc.
Nhiều công ty công nghệ nhỏ đã bắt đầu hứng chịu những tác động đầu tiên của xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Hai tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liệt tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen, yêu cầu họ phải xin giấy phép nếu muốn mua công nghệ từ các công ty Mỹ. Nguồn cung của Huawei phụ thuộc khá nhiều vào Mỹ, từ linh kiện điện thoại thông minh đến thiết bị mạng viễn thông.
Các đòn giáng của chính phủ Mỹ có thể khiến Huawei chịu thiệt hại lớn, nhưng các công ty Mỹ hợp tác với họ chắc chắn sẽ chịu "vạ lây".
Lumentum, công ty ở Thung lũng Silicon sản xuất thiết bị mạng cáp quang, cho biết 15% doanh thu của họ đến từ Huawei. Tuần trước, họ hạ mức doanh thu kỳ vọng trong quý này xuống còn 390 triệu USD, giảm 35 triệu USD so với trước đó.
Qorvo, công ty linh kiện bán dẫn ở Bắc Carolina, tuần trước cũng cho hay doanh số của họ phụ thuộc 15% vào Huawei và kỳ vọng doanh thu trong quý này đã sụt giảm 50 triệu USD, xuống mức 750 triệu USD.
Trung Quốc là jthị trường chip máy tính lớn và đang phát triển nhanh. Khách hàng từ Trung Quốc chiếm khoảng 34% doanh số toàn cầu năm 2018 với tổng giá trị 468,8 tỷ USD.
Tầm quan trọng của Trung Quốc đối với các nhà sản xuất chip Mỹ được thể hiện qua việc vô số con chip được gửi tới Trung Quốc để lắp ráp cho những thiết bị của khách hàng ở nơi khác. Gần 60% thiết bị bán dẫn được bán trên thị trường hiện nay đều ít nhiều có liên hệ tới Trung Quốc.
Các nhà sản xuất chip hy vọng những rào cản mới nhất mà Mỹ và Trung Quốc đặt ra cho nhau chủ yếu nhằm mục đích đạt được đòn bẩy trong đàm phán thương mại, chứ không phải nhằm thay đổi vĩnh viễn cách thức hợp tác của hai bên.
"Mỗi biến động trong tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đều khiến các công ty bán dẫn lĩnh đủ và thị trường tài chính chao đảo, đồng thời đẩy chúng ta xa hơn khỏi một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới", Chủ tịch Hiệp hội Ngành công nghiệp Bán dẫn Mỹ hôm 31/5 nói sau khi Trung Quốc công bố về danh sách "thực thể không đáng tin cậy".
Apple có mối liên hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc. Công ty này lắp ráp hầu hết sản phẩm tại đây và Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của họ, sau Mỹ và châu Âu. Quý trước, Apple thu về 10,2 tỷ USD từ Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong, chiếm khoảng 18% tổng doanh thu.
Sự phụ thuộc của nhà sản xuất iPhone đối với Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn vào hồi cuối năm ngoái, khi người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu không còn hứng thú trước mẫu điện thoại mới họ vừa phát hành. Tổng doanh thu khu vực châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, của Apple giảm 25% trong quý 4/2018, xuống còn 13,17 tỷ USD.
Facebook, dù ít bị ảnh hưởng bởi, cũng đã phải lên tiếng trước sức nóng của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. "Mọi người đang lo lắng về quy mô và sức mạnh của các công ty công nghệ", Sheryl Sandberg, giám đốc điều hành Facebook, mới đây nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC. "Một số người Mỹ lo ngại về quy mô và sức mạnh của các công ty công nghệ Trung Quốc khi nhận ra rằng những công ty đó sẽ không bao giờ bị đánh gục".
Vũ Hoàng (Theo New York Times)