"Tôi nhậm chức vào thời điểm kinh tế và tình hình quốc tế rất bất ổn. Các gia đình và doanh nghiệp lo lắng về những khoản thanh toán hóa đơn. Cuộc chiến bất hợp pháp của ông Putin ở Ukraine đe dọa an ninh cả lục địa. Đất nước chúng ta bị tình trạng tăng trưởng kinh tế thấp kìm hãm quá lâu", bà Truss phát biểu trước Văn phòng Thủ tướng ở Số 10 Phố Downing, London lúc 13h30 (19h30 giờ Hà Nội).
Bà thừa nhận không thể thực hiện những lời hứa khi tranh cử lãnh đạo đảng Bảo thủ và đã đánh mất sự tín nhiệm của đảng dành cho bà.
"Tôi được đảng Bảo thủ bầu ra với nhiệm vụ phải thay đổi những điều này. Chúng tôi đã giải quyết vấn đề hóa đơn năng lượng và cắt giảm Bảo hiểm Quốc gia. Chúng tôi đặt ra tầm nhìn về nền kinh tế tăng trưởng cao, thuế thấp sẽ tận dụng được các quyền tự do của Brexit", bà nói. "Mặc dù vậy, căn cứ vào tình hình, tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ mà đảng Bảo thủ đã giao phó. Do đó, tôi đã nói chuyện với Nhà Vua để thông báo sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ".
Theo bà Truss, bà đã gặp Chủ tịch Ủy ban 1922 Graham Brady và thống nhất rằng cuộc bầu cử lãnh đạo mới sẽ được hoàn thành trong tuần tới. Ủy ban 1922 là cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ.
"Điều này sẽ đảm bảo chúng tôi tiếp tục thực hiện các kế hoạch tài chính và duy trì ổn định kinh tế, an ninh quốc gia", bà nhấn mạnh. "Tôi sẽ tiếp tục làm thủ tướng cho đến khi chọn được người kế nhiệm. Xin cảm ơn".
Sự ra đi của bà Truss đồng nghĩa bà trở thành thủ tướng Anh có thời gian tại nhiệm ngắn nhất. Ông Graham cho biết cuộc tranh cử để thay thế bà Truss làm thủ tướng và lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ kết thúc ngày 28/10.
Bà Truss chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ ngày 5/9 và nhậm chức thủ tướng một ngày sau, trong bối cảnh Anh đối mặt loạt thách thức lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Người tiền nhiệm của bà là Boris Johnson phải từ chức sau loạt vụ bê bối trong nội các.
Bà được chọn nhờ cam kết cắt giảm thuế lớn, bãi bỏ những quy định mà bà cho rằng sẽ gây sốc cho nền kinh tế sau nhiều năm tăng trưởng trì trệ.
Những ngày đầu tiên trên cương vị Thủ tướng của bà Truss bị lu mờ bởi lễ quốc tang Nữ hoàng Elizabeth II. Ngày 23/9, Bộ trưởng tài chính khi đó là Kwasi Kwarteng công bố kế hoạch kinh tế mà ông và Thủ tướng đã vạch ra, trong đó có dự luật cắt giảm thuế trị giá 50 tỷ USD, mà không có giải thích kèm theo về cách chính phủ sẽ bù đắp cho khoản tiền thuế thâm hụt và vấp phải phản ứng dữ dội từ thị trường tài chính Anh.
Chỉ trong 6 tuần bà Truss trở thành Thủ tướng Anh, các chính sách kinh tế theo chủ nghĩa tự do mà bà theo đuổi gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp và cuối cùng ông Kwarteng bị sa thải.
Theo các cuộc thăm dò, mức độ tín nhiệm với Thủ tướng Truss đã rơi xuống mức thấp nhất so với bất kỳ thủ tướng Anh nào kể từ đầu những năm 1990. Nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ liên tục công khai chỉ trích hoặc kêu gọi bà từ chức.
Đảng Bảo thủ vẫn chiếm đa số trong quốc hội và về lý thuyết, còn hai năm nữa mới đến thời hạn tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Thủ tướng Truss hôm 17/10 xin lỗi công chúng vì phạm sai lầm. Các cuộc thăm dò cho thấy Công đảng đối lập đang được dự đoán sẽ giành thắng lợi áp đảo trong tổng tuyển cử.
Cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak, đối thủ từng bị bà Truss đánh bại, lãnh đạo Hạ viện Penny Mordaunt và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace là những ứng viên có thể trở thành lãnh đạo tiếp theo của đảng Bảo thủ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer đang kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử "ngay bây giờ", đồng thời cảnh báo "thiệt hại to lớn đối với nền kinh tế Anh", dù đồng bảng Anh tăng nhẹ sau thông báo từ chức của bà Truss.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)