Quân đội Myanmar rạng sáng 1/2 đột kích bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) "nhằm đối phó với cáo buộc gian lận bầu cử" trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2020.
Sau khi nhiều nước phương Tây lên tiếng phản đối nỗ lực mà họ gọi là "đảo chính" lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ này, quân đội Myanmar cam kết sẽ chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử được tổ chức sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm.
Trong quá trình đó, quân đội Myanmar nắm quyền điều hành đất nước thông qua tình trạng khẩn cấp và mọi quyền lực hiện được chuyển cho thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.
Min Aung Hlaing, 64 tuổi, đã không tham gia các phong trào chính trị vào thời điểm ông học luật tại Đại học Yangon năm 1972-1974. "Ông ấy ít nói và tránh gây sự chú ý", một người bạn cùng lớp kể lại. Đây là thời kỳ quân đội Myanmar cai trị đất nước sau cuộc đảo chính năm 1962. Quân đội lúc đó tự coi mình là "lực lượng bảo trợ cho đoàn kết quốc gia" và điều hành Myanmar trong gần 50 năm.
Trong khi các sinh viên khác tham gia biểu tình, Min Aung Hlaing hàng năm nộp đơn ứng tuyển Học viện Quốc phòng (DSA), trường đại học quân sự hàng đầu Myanmar, và được nhận trong lần gửi đơn thứ ba năm 1974.
Theo một bạn cùng lớp tại DSA của Aung Hlaing, người vẫn gặp Tổng tư lệnh trong các cuộc họp lớp hàng năm, ông không phải là một học viên nổi bật. "Ông ấy được thăng hàm đều đặn và từ từ", người bạn cùng lớp nói. Ông nói thêm rằng đã rất ngạc nhiên khi thấy Min Aung Hlaing thăng tiến xa như vậy.
Min Aung Hlaing trở thành Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar vào năm 2011, khi quá trình chuyển đổi từ chính quyền quân sự sang dân chủ ở Myanmar bắt đầu. Các nhà ngoại giao ở Yangon cho biết khi nhiệm kỳ đầu tiên của Suu Kyi bắt đầu vào năm 2016, Min Aung Hlaing đã chuyển mình từ một chỉ huy quân sự kiệm lời thành một chính trị gia và người của công chúng.
Các nhà quan sát chú ý đến việc ông sử dụng Facebook để thông báo về hoạt động, các cuộc gặp gỡ với quan chức và các chuyến viếng thăm tu viện. Tài khoản Facebook của ông đã thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi trước khi bị đóng sau chiến dịch của quân đội nhắm vào người thiểu số Hồi giáo Rohingya năm 2017.
Các nhà ngoại giao và nhà quan sát đánh giá rằng thống tướng Min Aung Hlaing đã nghiên cứu quá trình chuyển đổi chính trị ở những nước khác và nhận thấy cần phải tránh tình trạng hỗn loạn như ở Libya và các nước Trung Đông khác sau khi thay đổi chính quyền năm 2011.
Sau nhiều thập kỷ quân đội Myanmar trực tiếp điều hành đất nước, Hiến pháp năm 2008 quy định quân đội tiếp tục giữ vai trò chính trị lớn, trao cho họ quyền kiểm soát các bộ nội vụ, biên giới và quốc phòng then chốt.
Quân đội Myanmar được phép kiểm soát 25% số ghế trong quốc hội mà không cần qua bầu cử và bất kỳ thay đổi lập pháp nào cũng cần sự ủng hộ của các nghị sĩ quân sự này.
Thống tướng Min Aung Hlaing chưa bao giờ cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào rằng ông sẽ từ bỏ 25% số ghế của quân đội trong quốc hội, cũng như không cho phép bất kỳ thay đổi nào đối với điều khoản trong Hiến pháp cấm bà Suu Kyi trở thành tổng thống.
Chiến dịch quân sự năm 2017 ở Myanmar đã khiến hơn 730.000 người Hồi giáo Rohingya tràn sang nước láng giềng Bangladesh. Các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc cáo buộc hoạt động của quân đội Myanmar có thể cấu thành "ý định diệt chủng".
Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với thống tướng Min Aung Hlaing và ba lãnh đạo quân đội khác vào năm 2019. Một số phiên tòa tại các tòa án quốc tế, bao gồm Tòa án Công lý Quốc tế, đang diễn ra. Các nhà điều tra Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi các lãnh đạo thế giới áp đặt biện pháp trừng phạt tài chính đối với công ty có liên quan đến quân đội Myanmar.
Min Aung Hlaing đã kéo dài nhiệm kỳ của mình ở vị trí lãnh đạo quân đội thêm 5 năm vào tháng 2/2016, một bước đi gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát. Họ cho rằng ông sẽ từ chức vào năm đó trong một cuộc cải tổ lãnh đạo quân đội thông thường.
Misha Ketchell, biên tập viên của Conversation, viết rằng chính phủ do đảng NLD cầm quyền chắc chắn có những thiếu sót trong quá trình điều hành đất nước, nhưng cuộc "đảo chính quân sự", dù quân đội Myanmar không thừa nhận, là bước lùi đáng kể đối với Myanmar và là tin xấu đối với nền dân chủ trong khu vực.
Ketchell đánh giá đảo chính là cách để tướng Min Aung Hlaing giữ được vị thế quyền lực trong chính trị. Theo quy định, ông đến tuổi nghỉ hưu vào năm nay khi bước sang tuổi 65. Trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang Myanmar (USDP) do quân đội hậu thuẫn chỉ giành được được 33 trong số 476 ghế tại quốc hội. Trong khi đó, đảng NLD của bà Suu Kyi giành được 83% số phiếu. Với kết quả đáng thất vọng của USDP, Min Aung Hlaing không còn con đường chính trị khác để giữ quyền lực.
Tuy nhiên, cuộc đảo chính có thể phản tác dụng đối với quân đội Myanmar. Các chính phủ trên khắp thế giới có thể áp dụng hoặc mở rộng biện pháp trừng phạt đối với các chỉ huy quân đội. Mỹ đã ra tuyên bố nói rằng họ sẽ "hành động" chống lại những người đứng sau vụ đảo chính. Đầu tư nước ngoài vào Myanmar, có lẽ ngoại trừ từ Trung Quốc, cũng có khả năng giảm mạnh, Ketchell nhận định.
"Vì người dân Myanmar đã được hưởng một thập kỷ tự do chính trị gia tăng, họ cũng có khả năng trở nên bất hợp tác khi chính quyền quân sự quay lại", Ketchell viết.
Phương Vũ (Theo Reuters/Conversation)