Kim Jong-un đã gây chấn động thế giới vào năm 2018 bằng cách chuyển đổi hình ảnh từ một lãnh đạo khép kín luôn đe dọa dùng vũ khí hạt nhân thành một chính khách quốc tế liên tục có các cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng.
Ông sẽ làm gì vào năm 2019?
Các nhà phân tích tin rằng manh mối sẽ xuất hiện trong diễn văn chúc mừng năm mới của Kim Jong-un ngày 1/1/2019. Các chuyên gia trông chờ lãnh đạo Triều Tiên sẽ đề cập đến hội nghị thượng đỉnh thứ hai với Tổng thống Mỹ Trump, chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, hay các quyết định quan trọng về chính sách kinh tế và quan hệ liên Triều trong bài phát biểu này, theo CNN.
Một năm trước, khó ai có thể đoán được thành tựu ngoại giao của Triều Tiên năm 2018. Trước bài phát biểu năm mới 2018 trên truyền hình của ông Kim, Bình Nhưỡng đã thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn xa nhất và quả bom hạt nhân mạnh nhất, làm căng thẳng sục sôi giữa Triều Tiên và Mỹ.
Khi đó, ít ai có thể ngờ được rằng trong những tháng sau, Kim Jong-un sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ba lần, lần đầu tiên rời khỏi đất nước kể từ khi lên nắm quyền năm 2011 và trở thành lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên ngồi đối mặt với một tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Những thay đổi mạnh mẽ đó bắt đầu với bài phát biểu năm mới, khi Kim nói về tầm quan trọng của mối quan hệ liên Triều với giọng điệu nồng ấm, chúc Hàn Quốc tổ chức tốt Thế vận hội mùa đông Pyeongchang. Ông Moon đón lấy nhành ô liu mà ông Kim chìa ra như cơ hội để bắt đầu các mối quan hệ xuyên biên giới.
Bài phát biểu năm mới của Kim Jong-un "là tài liệu quan trọng để hiểu về chiến lược và ý định của Triều Tiên", Evans Revere, cựu quan chức ngoại giao Mỹ nói. "Tôi chưa bao giờ thấy một chiến lược nào được vạch ra rõ ràng hơn cách nó được thể hiện trong bài phát biểu đó".
Kim Jong-un đã khởi động hai năm qua với những bài phát biểu tiết lộ các quyết định chính sách lớn. Đầu năm 2017, ông tuyên bố đất nước tiến gần đến việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Bình Nhưỡng cuối cùng đã phóng thử hai quả ICBM vào năm đó.
Ông mở màn năm 2018 bằng cách cử một phái đoàn đến Thế vận hội mùa đông ở Pyeongchang, nhưng vẫn tuyên bố sẽ sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cảnh báo Washington rằng nút kích hoạt hạt nhân "luôn nằm trên bàn làm việc".
Các báo cáo gần đây từ các nhà phân tích tình báo xác nhận rằng Triều Tiên vẫn không ngừng thúc đẩy chương trình vũ khí, mặc dù Kim Jong-un đã giữ lời hứa không thử tên lửa hoặc bom hạt nhân.
Mặc dù việc tiếp tục phát triển những vũ khí này có thể vi phạm tinh thần của hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim tại Singapore, thực tế, Triều Tiên không đưa ra bất cứ cam kết nào về việc dừng chương trình hạt nhân vào năm 2018. Hai lãnh đạo đồng ý bắt đầu xây dựng lại mối quan hệ song phương và mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Còn về vũ khí hạt nhân, Triều Tiên cam kết "nỗ lực hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên" - thuật ngữ mơ hồ mà các chuyên gia cho rằng Washington và Bình Nhưỡng có cách diễn giải khác nhau.
Giới chuyên gia nhận xét chính quyền Trump đã không khiến Bình Nhưỡng phải đồng ý với bất cứ yêu cầu cụ thể nào. Triều Tiên không đưa ra mốc thời gian để từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cũng không cung cấp bản kê khai toàn bộ vũ khí và các cơ sở vũ khí quan trọng - bước mà các chuyên gia cho là rất quan trọng trong đàm phán giải giáp hạt nhân.
Các nhà phân tích sẽ theo dõi bất kỳ đề cập nào về chương trình hạt nhân trong bài phát biểu năm tới, đặc biệt là nếu nó mang giọng điệu thách thức mà Kim từng đưa ra năm 2018 - khi ông tuyên bố rằng "không có lực lượng và không có gì" có thể đảo ngược những thành tựu mà đất nước đã đạt được trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.
"Ông ấy đã nói vậy hồi tháng một, nhưng sau đó ông ấy lại tham gia vào quá trình ngoại giao với Mỹ", Duyeon Kim, nhà phân tích tại Trung tâm An ninh Mỹ nói. "Sẽ rất thú vị khi quan sát Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục đàm phán như thế nào vì Kim Jong-un từng tuyên bố rằng không ai có thể đảo ngược năng lực hạt nhân của họ".
Theo John Delury, giáo sư tại Đại học Yonsei ở Seoul, những manh mối đáng chú ý có thể nằm trong những đoạn mà Kim Jong-un chuyển sang dùng ngôi thứ nhất khi phát biểu. Delury nói thêm rằng ông sẽ theo dõi chặt chẽ các phát ngôn về việc phát triển kinh tế - điều quan trọng với người dân Triều Tiên.
Trong bài phát biểu năm 2018, Kim thừa nhận rằng nền kinh tế đang trì trệ và cam kết cải thiện. Tuy nhiên, Triều Tiên không cung cấp số liệu thống kê kinh tế chính thức nên khó có thể theo dõi chính xác hiệu quả kinh tế của nước này cũng như xác định tỷ lệ dân số làm việc trong các lĩnh vực hiện đại.
Chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Moon Jae-in hồi tháng 4, ông Kim đã có bước đi mạnh mẽ khi tuyên bố rằng Triều Tiên đã hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân và chỉ tập trung vào nỗ lực "nâng cao đáng kể cuộc sống của người dân" bằng cách phát triển một "nền kinh tế xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ".
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2011, Kim Jong-un đã thực hiện chiến lược phát triển song song kinh tế và hạt nhân được gọi là "byungjin".Việc ông từ bỏ nó thể hiện sự thay đổi chính sách quan trọng. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa đưa ra một tầm nhìn hoặc kế hoạch chi tiết.
"Kim Jong-un chịu áp lực phải vạch ra tầm nhìn về sự tập trung thực sự cho phát triển kinh tế trong bài phát biểu năm sau", Delury nói.
Trong những tháng gần đây, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã đưa tin nhiều về các vấn đề kinh tế, thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng sản lượng. Các nhà đầu tư coi Triều Tiên là vùng đất có nhiều cơ hội và họ đang mong đợi có chiến lược cho phép đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối Triều Tiên với các nước khác hoặc tận dụng nguồn lao động giá thấp, có kỹ năng của Triều Tiên cho các nhà sản xuất trong khu vực. Tuy nhiên, những điều đó đang không thể thực hiện do các lệnh trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng.
Delury cho rằng Kim ít khả năng công bố một thay đổi mạnh mẽ trong diễn văn chúc mừng năm mới. "Tôi không cho rằng sẽ có một tuyên bố mang tính cách mạng về một khái niệm kinh tế mới, nhưng bạn phải nhìn kỹ vào ngôn ngữ của họ để nắm bắt những ý tưởng tiến bộ theo chuẩn Triều Tiên", Delury bình luận.