Một ngày sau vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia khiến 157 người thiệt mạng, Trung Quốc ngày 11/3 ra lệnh ngừng bay tất cả máy bay Boeing 737 Max 8. Washington Post đánh giá cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc gửi đi một tín hiệu rõ ràng: Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) không còn là cơ quan duy nhất có tiếng nói trong ngành hàng không dân sự thế giới.
Sau khi Trung Quốc yêu cầu ngừng bay 96 phi cơ - khoảng 1/4 trong số máy bay 737 MAX hoạt động trên toàn cầu, giới chức một loạt nước có động thái tương tự như Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Namibia, Singapore, Mông Cổ, Morocco, Ethiopia, Australia, Oman, và Liên minh châu Âu. Việt Nam hôm nay ra lệnh cấm Boeing 737 Max vào không phận, trong nước chưa hãng nào sử dụng dòng phi cơ này.
Trong khi đó, Mỹ và Canada không ra lệnh này. FAA ngày 11/3 ra thông báo dòng máy bay Boeing 737 MAX vẫn đủ điều kiện hoạt động, nhưng sẽ yêu cầu nhà sản xuất chỉnh sửa thiết kế phi cơ trước tháng 4. Họ cũng cam kết có hành động "ngay lập tức" nếu phát hiện bất kỳ vấn đề nào với máy bay.
Theo Washington Post, động thái của Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ vì nước này vốn thường nghe theo các khuyến nghị từ FAA. Quyết định của Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang làm gia tăng áp lực lên Boeing và quan chức Mỹ, trong khi cuộc điều tra vụ tai nạn ở Ethiopia mới bắt đầu.
"Sự khác biệt về quan điểm sẽ khiến FAA chịu thêm áp lực phải trình bày rõ lập luận của mình và đề xuất cách xử lý", Andrew Herdman, tổng giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á Thái Bình Dương, cho biết
Một quan chức hàng đầu của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc ngày 11/3 cho biết Trung Quốc đã hỏi các đối tác tại FAA cũng như Boeing về phần mềm lái máy bay và và vấn đề an toàn sau khi phi cơ Lion Air Flight 610 rơi ở Indonesia vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, Trung Quốc không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Các chuyên gia hàng không cho rằng vấn đề với phần mềm điều khiển máy bay của 737 MAX - Hệ thống Tăng cường Chức năng Điều khiển (MCAS) và cảm biến góc tấn (cung cấp dữ liệu về góc mà gió lưu thông qua cánh máy bay và cho các phi công biết máy bay có lực nâng như thế nào) có thể là những yếu tố gây ra hai vụ tai nạn. Boeing đã ra thông báo cho các phi công trên toàn thế giới về MCAS sau vụ tai nạn Lion Air nhưng họ bị chỉ trích vì không làm điều đó sớm hơn hoặc kỹ lưỡng hơn.
"Họ gặp khó khăn trong việc ra quyết định, vì vậy chúng tôi phải ra tay trước", Phó giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc Li Jian nói với các phóng viên ở Bắc Kinh, đề cập đến việc FAA không đưa ra các biện pháp mạnh mẽ về 737 MAX. Li nói thêm rằng phần mềm máy bay có thể gặp sự cố nghiêm trọng khi kết hợp với dữ liệu không đáng tin cậy từ cảm biến.
"Tình trạng này đã xảy ra nhiều lần", ông Li nói nhưng không cho biết chi tiết. Trung Quốc sẽ nối lại các chuyến bay của 737 MAX sau khi nhận được đủ biện pháp đảm bảo an toàn từ Boeing, nhưng có nguy cơ các phi công Trung Quốc "không còn dám điều khiển" loại máy bay này, ông nói.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng các nhà điều tra chưa kết luận về mối liên hệ giữa vụ tai nạn của Ethiopian Airlines và Lion Air, vì vậy, việc Trung Quốc ngay lập tức ra lệnh ngừng bay khi cuộc điều tra ở Ethiopia mới diễn ra dường như đi chệch hướng với thông lệ.
Một số nhà phân tích cho rằng quyết định của Trung Quốc có thể mang tính chính trị bởi căng thẳng thương mại với Mỹ. Boeing là cái tên hay được nhắc đến trong các cuộc đàm phán vì Washington luôn thúc giục Bắc Kinh mua thêm máy bay để cân bằng cán cân thương mại.
Tuy nhiên, khi được hỏi về căng thẳng thương mại, ông Li ngày 11/3 bác bỏ cơ quan ông có động cơ chính trị, nhấn mạnh chiến tranh thương mại với Mỹ là vấn đề riêng biệt.
Neil Hansford, nhà tư vấn hàng không tại Strategic Aviation Solutions, cho rằng chính quyền Trung Quốc có đủ lý do để thực hiện động thái như vậy. Ông chỉ ra rằng FAA miễn cưỡng ra biện pháp cứng rắn đối với nhà sản xuất lớn của Mỹ.
Việc Trung Quốc có biện pháp mạnh trước FAA không khó hiểu, Hansford nhận xét. "Nếu đó là tai nạn liên quan đến máy bay Airbus thì FAA sẽ có biện pháp cứng rắn ngay". (Máy bay Airbus được sản xuất tại châu Âu)
Các phi công Trung Quốc và các nhà quan sát trong ngành cho biết Boeing đã gửi một thông báo dài hai trang cho các phi công trên toàn thế giới về hệ thống MCAS sau vụ tai nạn của Lion Air. Nhưng họ không khuyến nghị tổ chức các chương trình đào tạo hoặc bay mô phỏng quy mô lớn.
Carl Liu, 23 tuổi, phi công lái máy bay 737 cho một hãng hàng không nội địa TQ từ tháng 6 năm ngoái, cho biết 737 Max đôi khi hiển thị máy bay lên cao quá nhanh trong khi nó chỉ chếch khoảng 10 độ. Hệ thống tự động sẽ điều chỉnh để mũi máy bay hạ thấp xuống, gây ra tình trạng mất kiểm soát tạm thời.
"Tôi đã nhận thấy có nhiều lỗi trong hệ thống MCAS, vì vậy, đây không phải sự cố hy hữu", Liu nói. "Boeing đã không xử lý thỏa đáng, họ không nghĩ đến việc đình chỉ sản xuất hay ra lệnh ngừng hoạt động với máy bay 737 MAX 8 ngay cả sau khi bi kịch tái diễn.
Anh nói thêm rằng "tất cả những gì Boeing hứa hẹn là sẽ cập nhật hệ thống MCAS, nhưng hành động nhỏ đó cũng đến quá muộn".
Mặc dù các phi công bày tỏ sự thận trọng về loại máy bay mới, có sự bất đồng trong giới hàng không Trung Quốc xoay quanh việc vấn đề này có được coi là lỗi thiết kế hay không. Chen Jianguo, người đứng đầu mảng công nghệ tại Hiệp hội các chủ sở hữu và phi công máy bay Trung Quốc, cho biết tất cả phi công 737 MAX tại nước này đã được thông báo về vấn đề của hệ thống MCAS sau vụ tai nạn Lion Air.
"Không cần tổ chức thêm các buổi huấn luyện về MCAS và cách tắt nó", ông nói. "Chỉ cần một hoặc hai giây là tắt được rồi".
Herdman cho rằng các nước đã ra lệnh ngừng bay và những bên không làm vậy đều có thiện chí.
"Chúng ta đang thấy hai cách ra quyết định: một cách là thận trọng, chờ phân tích kỹ càng và một cách là phản ứng nhanh, trực tiếp hơn", Herdman nói. "Chúng ta chỉ cần cẩn thận, không để công chúng lo lắng quá mức".