Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã kéo dài gần hai tuần và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trên toàn cầu, cuộc xung đột đang ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống, từ an ninh lương thực ở Trung Đông đến giá xăng ở Mỹ.
Giới quan sát cho rằng khủng hoảng Nga - Ukraine cũng sẽ tạo ra những dịch chuyển lớn về địa chính trị cũng như thay đổi cách thức hoạt động của các tổ chức quan trọng toàn cầu.
Dưới đây là 4 thay đổi lớn của thế giới sau gần hai tuần chiến sự tại Ukraine.
Trật tự thế giới thay đổi
Cuộc khủng hoảng Ukraine không mở ra kỷ nguyên đối đầu chính trị mới giữa các cường quốc, mà là dấu mốc xác nhận một trong những thay đổi quan trọng nhất trong trật tự địa chính trị thế giới kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ.
Sau vụ khủng bố 11/9, sự chú ý của các lãnh đạo phương Tây dồn hết vào đối phó chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Phiến quân al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã trở thành mục tiêu chung của cả thế giới. Phương Tây không còn coi Nga là một mối đe dọa như trước đây.
Năm 2012, tổng thống Mỹ Barack Obama còn chế nhạo ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng khi đó là Mitt Romney rằng ông quá lỗi thời vì gọi Nga là đối thủ địa chính trị số một của Mỹ.
Vào thời điểm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho thấy ông muốn thay đổi trật tự thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Năm 2000, ông tuyên bố sẽ khôi phục hào quang trước đây của Nga. Chỉ một năm trước, trên cương vị thủ tướng Nga, ông phát động chiến dịch quân sự đối phó phong trào ly khai ở Cộng hòa Chechnya thuộc Nga. Năm 2008, Nga phát động chiến dịch quân sự ở Gruzia và công nhận hai nước cộng hòa ly khai Abkhazia và Nam Ossetia.
Quyết định của Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ năm 2014 và ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraine khiến Moskva hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Nhưng Nga vẫn nắm giữ vị thế chủ chốt và là đối tác quan trọng trên trường quốc tế trong những năm 2010. Moskva là nhân tố then chốt trong cuộc chiến chống IS ở Syria, bên cung cấp năng lượng chính của châu Âu và tham gia đàm phán các hiệp ước ngoại giao lớn như thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine dường như đã làm thay đổi cục diện này. Sau một phần tư thế kỷ, phương Tây giờ đây có lẽ không còn tìm kiếm một con đường hòa hoãn với Moskva nữa, theo bình luận viên Joshua Berlinger của CNN.
Phương Tây đã tung ra loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm làm tê liệt các tổ chức tài chính của Nga, khiến đồng ruble sụt giảm mạnh giá trị, đẩy nền kinh tế Nga vào thế khó, thậm chí nhắm đến cả giới siêu giàu, nhà tài phiệt có ảnh hưởng tại nước này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga để phản ứng trước chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ông dự báo giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng, cam kết làm mọi cách để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới người dân.
Châu Âu đoàn kết hơn
Xung đột Nga - Ukraine đã khiến Liên minh châu Âu (EU) đưa ra những quyết định an ninh mà chỉ cách đây vài tuần còn là điều không tưởng.
Dù sở hữu sức mạnh kinh tế áp đảo, EU lại không thể biến lợi thế đó thành sức mạnh địa chính trị tương đương. Trong quá khứ, EU từng bị chia rẽ về mức độ kiểm soát của khối đối với chính sách đối ngoại của các nước thành viên. Điều này làm cản trở tham vọng toàn cầu hóa của khối, khi các đề xuất chính sách được đưa ra đa phần đều không thể thống nhất trong các cuộc đàm phán hoặc đơn giản là bị phủ quyết.
Sau chiến dịch quân sự của Nga, tư duy của châu Âu về quốc phòng, an ninh và đối ngoại đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt chỉ trong vài ngày ngắn ngủi. EU dường như đã thức tỉnh sau nhiều thập kỷ cho rằng ổn định đến từ một thế giới được liên kết chặt chẽ sẽ ngăn chặn xung đột bùng nổ và rằng nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, Mỹ sẽ giúp giải quyết vấn đề.
Cú sốc trước cuộc khủng hoảng Ukraine đã góp phần giúp đoàn kết 27 quốc gia thành viên EU. Khối đang sử dụng sức mạnh kinh tế của mình cho các mục đích địa chính trị, nhắm vào Nga với gói trừng phạt mạnh nhất mà họ từng áp đặt.
Lần đầu tiên trong lịch sử, EU nhất trí cung cấp gói tài chính hàng trăm triệu USD để hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Đức, sau nhiều thập kỷ khước từ cách tiếp cận quân sự hóa trong chính sách đối ngoại, cũng đã xoay chuyển quan điểm và tham gia vào nỗ lực trang bị vũ khí cho Ukraine.
"Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã phá tan ảo tưởng rằng an ninh và ổn định ở châu Âu là hoàn toàn miễn phí", một nhà ngoại giao cấp cao EU cho hay. "Khi không có mối đe dọa thực sự, các mục tiêu địa chính trị dường như xa vời. Bây giờ, khi xung đột nổ ra ở biên giới, chúng tôi nhận ra rằng cần hành động cùng nhau".
Làn sóng di cư khổng lồ
Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 1,7 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa tìm đường sơ tán kể sau chưa đầy hai tuần Nga phát động chiến dịch quân sự, trở thành một trong những cuộc di cư vội vã nhất và lớn nhất của nhân loại trong lịch sử hiện đại. Để so sánh, phải mất ba tháng để một triệu người tị nạn rời khỏi Syria vào năm 2013.
Nếu giao tranh vẫn tiếp diễn, châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tị nạn chưa từng có.
"Tôi đã xử lý các trường hợp khẩn cấp về người sơ tán trong gần 40 năm qua và hiếm khi thấy một cuộc di cư nào nhanh chóng như lần này", Filippo Grandi, cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, cho hay.
Tương lai của những người di tản hiện chưa rõ ràng. "Điều gì sẽ xảy ra nếu sau cuộc giao tranh, họ không còn nhà để về?", bình luận viên Berlinger đặt câu hỏi.
Giá lương thực và nhiên liệu tăng
Giá xăng tại Mỹ đã tăng mạnh nhất kể từ sau thảm họa bão Katrina hồi năm 2005. Các chuyên gia lo ngại giá thực phẩm có thể tăng đột biến sau khi đã "nhảy vọt" vào năm ngoái.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody's cảnh báo các chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, có thể rơi vào hỗn loạn hơn nữa.
Chiến sự ở Ukraine đã gây ra những tổn thất về kinh tế và con người trên toàn cầu, đặc biệt là về năng lượng.
Anh và EU hôm 8/3 công bố kế hoạch cắt giảm lượng dầu, khí đốt nhập từ Nga trong năm nay, giúp hạn chế phụ thuộc vào nguồn cung của Moskva bằng các biện pháp tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới, đẩy mạnh dự trữ cho mùa đông năm sau và tăng cường nỗ lực cải thiện hiệu quả tiêu thụ năng lượng.
Nga hiện là nhà cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên lớn nhất của EU. Châu Âu vẫn có thể tồn tại nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt, nhưng tình hình sẽ không dễ dàng và cái giá cũng không rẻ.
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 7/3 cảnh báo rằng việc châu Âu ngừng nhập khẩu dầu mỏ Nga sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc đối với thị trường toàn cầu. "Không thể đoán được giá dầu sẽ tăng đến đâu, sẽ là 300 USD/thùng, thậm chí hơn", ông nói, thêm rằng châu Âu sẽ mất hơn một năm để thay thế nguồn dầu nhập từ Nga với mức giá cao hơn đáng kể.
Cuộc xung đột cũng có nguy cơ ảnh hưởng tới bữa ăn của các gia đình, bởi Nga và Ukraine là những nước sản xuất lúa mỳ hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, theo S&P Global.
Từ một quốc gia xuất khẩu lúa mỳ, Ukraine hiện nay có 3-5 triệu người cần hỗ trợ lương thực ngay lập tức, theo giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley.
"Xung đột giữa hai nhà cung cấp lúa mỳ hàng đầu thế giới rõ ràng sẽ tác động đến giá cả, khi cảm giác thiếu hụt nguồn cung lương thực đã luôn thường trực", Julien Barnes-Dacey, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận xét.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ukraine được mệnh danh là "vựa lúa mỳ" của châu Âu và khi nông dân nước này rời bỏ ruộng đồng đi sơ tán, nỗi lo ngại sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Đông, khu vực nhập khẩu lúa mỳ lớn thứ ba của Ukraine trong giai đoạn 2020-2021. Hơn 40% lượng lúa mỳ xuất khẩu gần đây của nước này chỉ đến Trung Đông hoặc châu Phi.
Giới chuyên gia lưu ý chiến dịch quân sự của Moskva đã dẫn đến những hành động quốc tế mạnh mẽ nhằm trừng phạt Nga, tuy nhiên, các biện pháp cấm vận đối với Nga chắc chắn cũng gây áp lực không nhỏ lên các nước khác. "Sẽ có những hệ quả mà ta không thể lường trước được", Clay Lowery, chuyên gia tại Viện Tài chính Quốc tế, trụ sở tại Washington, Mỹ, nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo CNN)