Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều năm qua tìm cách thuyết phục các đồng minh ở châu Âu rằng cộng đồng quốc tế cần cô lập Iran. Nhưng tuần qua, khi hàng loạt động thái khiêu khích được Washington tung ra làm gia tăng nguy cơ về một cuộc xung đột với Tehran, phản ứng của các đồng minh này không như Mỹ mong đợi.
Anh, quốc gia từng là đồng minh thân cận nhất của Mỹ, công khai bác bỏ kịch bản về một cuộc chiến tranh với Iran. Thiếu tướng quân đội Anh Christopher Ghika, phó tư lệnh liên quân chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, hôm 14/5 phủ nhận những tuyên bố của Mỹ về việc Tehran đang gia tăng hoạt động chiến tranh ủy nhiệm trong khu vực, khẳng định "không có mối đe dọa gia tăng từ các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria".
Lo ngại nguy cơ bùng phát xung đột với Iran, Tây Ban Nha cùng ngày thông báo sẽ rút tàu hộ vệ của mình khỏi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của hải quân do Mỹ đang trên đường tới Vịnh Ba Tư, viện dẫn lý do rằng "chính phủ Mỹ đã ra quyết định nằm ngoài khuôn khổ những gì đã được thảo luận với hải quân Tây Ban Nha".
Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini hôm 13/5 nói với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng Washington nên theo đuổi chính sách "kiềm chế tối đa, tránh mọi động thái leo thang quân sự".
Những đồng minh truyền thống ngoài châu Âu của Mỹ như Australia và Canada vẫn giữ im lặng. Các quốc gia Vùng Vịnh vốn công khai phản đối Iran như Arab Saudi hay Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tỏ ra thận trọng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có lẽ là lãnh đạo thế giới duy nhất ca ngợi lập trường cứng rắn của chính quyền Trump đối với Iran.
"Israel và tất cả các nước trong khu vực cùng những nước luôn tìm kiếm hòa bình trên thế giới nên sát cánh với Mỹ chống lại sự thù địch của Iran", Thủ tướng Netanyahu phát biểu hôm 14/5 tại buổi lễ kỷ niệm một năm ngày Mỹ mở đại sứ quán ở Jerusalem.
Sự cô lập của Washington bắt nguồn từ việc chính quyền Trump cáo buộc Tehran hỗ trợ "những cuộc tấn công tiềm tàng" nhằm vào lực lượng Mỹ ở Trung Đông. Tuyên bố không đưa ra bằng chứng cụ thể nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15/5 đã ra lệnh rút "toàn bộ các nhân viên không quan trọng" khỏi đại sứ quán ở thủ đô Baghdad và lãnh sự quán ở Erbil, thủ phủ vùng tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq.
Tuần trước, Mỹ điều tàu chiến và oanh tạc cơ tới Trung Đông để răn đe cái mà họ coi là "những mối đe dọa từ Iran". Chỉ vài ngày sau, hai tàu chở dầu Arab Saudi và một tàu Na Uy bị hư hại trong một hành động tấn công phá hoại bằng thuốc nổ ở Vịnh Ba Tư.
Rất nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ đang lo ngại về rủi ro bùng phát một cuộc xung đột nữa trong khu vực Trung Đông vốn đã chứng kiến quá nhiều bất ổn thời gian qua. Các nước châu Âu cho rằng "người Mỹ chỉ ngồi ở bên kia đại dương, trong khi chúng ta đứng ngay trước cửa Trung Đông", Ellie Geranmayeh, chuyên gia tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Quốc tế, nói.
Mỹ là một cường quốc quân sự của thế giới, từng sẵn sàng đi ngược làn sóng dư luận về chính sách đối ngoại trong quá khứ. Washington năm 2003 phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq dựa trên những bằng chứng mơ hồ về "vũ khí hủy diệt hàng loạt", bất chấp sự phản đối của cả chính quyền Saddam Hussein lẫn các thành viên Liên Hợp Quốc.
Dù vậy, trong cuộc chiến tranh Iraq, Mỹ vẫn nhận được sự ủng hộ của các đồng minh, khi Anh điều 45.000 quân hỗ trợ, Australia và Ba Lan gửi ít quân hơn, còn các thành viên NATO khác lại thể hiện sự hậu thuẫn chính trị dành cho Washington. Còn với cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng với Iran trong tuần qua, Mỹ dường như vẫn "một mình một ngựa".
"Lần này, người Mỹ thực sự gặp khó khăn khi thuyết phục Anh đứng về phía mình", Geranmayeh nhận xét.
Mỹ từng tuyên bố không tìm kiếm một cuộc chiến với Iran nhưng không loại trừ khả năng trên. "Chúng tôi về cơ bản không muốn chiến tranh với Iran", Ngoại trưởng Pompeo nói trong chuyến thăm Nga tuần qua. "Chúng tôi đồng thời đã làm rõ với người Iran rằng nếu lợi ích Mỹ bị tấn công, chúng tôi chắc chắn sẽ đáp trả theo cách phù hợp".
Một số nhà phân tích nhận định việc các thông tin được tung ra về việc Mỹ đang cân nhắc tăng mạnh số binh sĩ đồn trú ở Trung Đông chỉ là một phần trong chiến lược của Washington nhằm gia tăng áp lực lên Iran. Nhưng ngay cả điều đó cũng khiến rất nhiều đồng minh cảm thấy lo lắng.
"Chúng tôi rất quan ngại về khả năng xung đột nổ ra vì sự leo thang từ các sự cố ngoài dự tính", Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho hay.
Mỹ gần hai năm qua cố gắng thuyết phục châu Âu tham gia chiến lược "gây sức ép tối đa" lên Iran, nhưng phần lớn các quốc gia này luôn giữ khoảng cách với chính sách Iran của chính quyền Trump.
Dù EU từng đưa ra nhiều tuyên bố chỉ trích Iran, họ không ủng hộ tuyên bố của Mỹ về những cuộc tấn công tiềm tàng từ Tehran. Đức và Hà Lan thông báo đã hoãn một đợt huấn luyện binh sĩ Iraq, với lý do căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Nhiều quốc gia thường xuyên có những bình luận quyết liệt nhằm vào Iran như Israel, Arab Saudi, UAE và Brunei, nhưng ngoài Israel, không nước nào tuần qua lên tiếng đứng về phía Mỹ.
UAE tuần qua chứng kiến các vụ "tấn công nghiêm trọng" nhằm vào tàu hàng nước ngoài ngoài khơi cảng biển chiến lược của mình. Trong khi Mỹ nghi ngờ Iran đứng sau loạt vụ đánh thuốc nổ gây thiệt hại cho các tàu chở dầu và hàng hóa này, UAE vẫn giữ quan điểm trung lập và thông báo mở cuộc điều tra mà không đưa ra bất cứ nhận định nào về thủ phạm của các vụ tấn công.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)