Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tỏ ra thân tình với Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman tại hội nghị G20 ở Nhật Bản hồi cuối tháng 6, bất chấp một báo cáo từ Liên Hợp Quốc cho rằng Mohammed có liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong chuyến công du châu Á và Trung Đông tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các lãnh đạo nước ngoài ủng hộ chương trình an ninh có mật danh Sentinel nhằm bảo vệ các tàu dầu đi qua eo biển Hormuz và vịnh Ba Tư. Cả Trump lẫn Pompeo đều khẳng việc họ nỗ lực tiếp cận gần gũi các đối tác ở Trung Đông xuất phát từ mối lo ngại về cách hành xử của Iran trong khu vực và nhu cầu bảo đảm an toàn giao thương đường biển.
Tuy nhiên, cả hai mục tiêu này đều không nhắc đến một từ mà Mỹ không tiện nói ra: "Dầu mỏ". Tham vọng kiểm soát chiếc van dầu mỏ ở Trung Đông là lý do sâu xa đằng sau các động thái của Mỹ nhằm "thuần phục" Iran và đây cũng là động lực thúc đẩy mọi chiến dịch quân sự Mỹ triển khai ở Trung Đông kể từ sau Thế chiến II, chuyên gia nhận định.
Giờ đây, Mỹ không còn phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu cho phần lớn nhu cầu năng lượng của mình. Nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến, Mỹ hiện có thể tự lo liệu 75% nhu cầu dầu mỏ bằng các nguồn cung trong nước, lớn hơn nhiều so với mức gần 35% vào năm 2008.
Song các nước đồng minh quan trọng với Mỹ trong NATO và những đối thủ như Trung Quốc vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ ở Trung Đông cho phần lớn nhu cầu năng lượng của mình. Sự thịnh vượng của nền kinh tế thế giới, bao gồm cả nền kinh tế Mỹ, phụ thuộc vào dòng chảy dầu mỏ không bị gián đoạn từ vịnh Ba Tư nhằm duy trì giá năng lượng ở mức thấp.
Bằng cách tiếp tục đóng vai trò người giám sát quan trọng đối với dòng chảy đó, Washington được hưởng những lợi thế lớn về địa chính trị mà giới tinh hoa ngoại giao Mỹ không sẵn sàng từ bỏ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định trong bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2013 rằng "Mỹ sẵn sàng sử dụng mọi phương diện sức mạnh, bao gồm sức mạnh quân sự để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của chúng tôi" ở Trung Đông. Obama cho hay dù Mỹ đang giảm phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu, thế giới vẫn dựa vào nguồn cung năng lượng từ Trung Đông và một sự gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng từ khu vực này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu.
Sự thật là Washington đã phát động các chiến dịch quân sự ở Trung Đông từ khi nền kinh tế Mỹ còn dễ bị tổn thương trước bất kỳ gián đoạn dòng chảy dầu mỏ nhập khẩu nào. Năm 1990, dầu mỏ là lý do chính để tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) quyết định triển khai quân đẩy lùi Iraq khỏi Kuwait.
"Đất nước chúng ta giờ đây nhập khẩu gần phân nửa lượng dầu mỏ mà chúng ta tiêu thụ và có thể đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng đối với tính độc lập của nền kinh tế", ông Bush nói trên truyền hình khi thông báo cho người dân về quyết định phát động Chiến dịch Bão táp Sa mạc chống lại hoạt động quân sự của Iraq ở Kuwait.
Phát biểu trên bị những người phản đối chiến tranh chỉ trích bằng tuyên bố "không đổi máu lấy dầu". Vì thế sau đó, dầu mỏ không được ông Bush nhắc đến trong các phát biểu về Chiến dịch Bão táp Sa mạc. Tổng thống Bush con cũng không bao giờ nhắc đến cụm từ "dầu mỏ" khi ông thông báo về chiến dịch quân sự tại Iraq vào năm 2003.
Tuy vậy, dầu mỏ vẫn là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại Trung Đông vì nhiều lý do quan trọng.
Nhu cầu năng lượng của thế giới vẫn đang phụ thuộc vào dầu mỏ dù ngày càng có nhiều tiếng nói mạnh mẽ chỉ trích nguyên liệu hóa thạch là nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời nguồn cung năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang tăng nhanh chóng.
Một báo cáo của tập đoàn dầu mỏ BP công bố hồi tháng 6 cho biết trong năm 2018, dầu mỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu với 33%, còn than là 27,2%, khí tự nhiên chiếm 23,9%. Thủy điện, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo chỉ đóng góp ở các mức lần lượt là 6,8%, 4,4% và 4% trong tổng tiêu thụ năng lượng toàn cầu.
Hầu hết các nhà phân tích năng lượng cho rằng sự phụ thuộc của nhu cầu năng lượng toàn cầu vào dầu mỏ sẽ giảm dần trong những thập kỷ tới, khi các chính phủ áp đặt những tiêu chuẩn hạn chế nghiêm ngặt đối với khí thải carbon và người tiêu dùng, đặc biệt là ở các nước phát triển, người dân sẽ chuyển sang sử dụng xe điện. Thế nhưng, mức suy giảm nhu cầu dầu mỏ sẽ không xuất hiện đồng đều ở tất cả các khu vực trên toàn cầu và tổng lượng dầu mỏ tiêu thụ của thế giới thậm chí có thể không giảm.
Theo dự báo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu mỏ ở châu Á, châu Phi và Trung Quốc vẫn có thể tăng đáng kể trong những năm tới và điều này đồng nghĩa với việc tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu tiếp tục tăng.
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới của IEA năm 2017 dự báo dầu mỏ vẫn là nguồn năng lượng chủ chốt của thế giới vào năm 2040, chiếm khoảng 27,5% tổng tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Dù tỷ trọng đóng góp của dầu mỏ trong mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu giảm nhưng tổng lượng dầu mỏ tiêu thụ vào năm 2040 được dự báo ở mức 105 triệu thùng/ngày, cao hơn so với mức 100 triệu thùng/ngày vào năm 2018.
Đến năm 2040, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm khoảng 44% tổng mức tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu, tăng so với tỷ lệ 28% vào năm 2000, chủ yếu do kinh tế tăng trưởng ở Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Á khác, nơi những người dân giàu có sẽ tăng mua xe hơi, xe tải, xe máy và các sản phẩm chạy bằng dầu mỏ.
Do thiếu những trữ lượng dầu mỏ lớn, các nước tiêu thụ dầu ở châu Á sẽ phải dựa vào nguồn cung từ Trung Đông để đáp ứng cơn khát năng lượng của họ.
Theo BP, năm 2018, 87% dầu nhập khẩu của Nhật Bản đến từ Trung Đông và con số này ở Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt là 64% và 44%. Các nhà phân tích dự báo tỷ lệ trên còn gia tăng trong những năm tới.
Do vậy, tầm quan trọng chiến lược của Vùng Vịnh, nơi đang sở hữu 60% trữ lượng dầu mỏ chưa khai thác của thế giới, và eo biển Hormuz, nơi 1/3 lượng dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của thế giới đi qua mỗi ngày sẽ càng lớn hơn. Nằm giáp ranh với Iran, Oman, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), eo biển Hormuz có lẽ là nơi sở hữu vị trí địa chiến lược quan trọng nhất trên Trái Đất hiện nay.
Trong thông điệp liên bang vào ngày 23/1/1980, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nhấn mạnh "Bất kỳ nỗ lực của thế lực bên ngoài nào nhằm kiểm soát vùng vịnh Ba Tư sẽ được xem là đòn tấn công vào các lợi ích quan trọng của Mỹ và đòn tấn công đó sẽ bị đẩy lùi bởi bất cứ phương pháp cần thiết nào, bao gồm cả vũ lực".
Để tăng sức mạnh cho các lý luận trên mà sau này được gọi là "Học thuyết Carter", Tổng thống Carter đã thành lập một tổ chức quân sự mới có tên gọi Lực lượng Đặc nhiệm Liên quân Triển khai nhanh (RDJTF) và xây dựng các căn cứ quân sự cho lực lượng này ở khu vực vịnh Ba Tư.
Tổng thống Ronald Reagan, người kế nhiệm Carter vào năm 1981, đã chuyển RDJTF thành một bộ chỉ huy chiến đấu phân bố theo khu vực địa lý, có tên gọi Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM), có nhiệm vụ bảo đảm khả năng tiếp cận của Mỹ ở Vùng Vịnh và giám sát các cuộc chiến tranh ở khu vực Trung Đông mở rộng.
Reagan là tổng thống Mỹ đầu tiên kích hoạt Học thuyết Carter vào năm 1987 khi ông ra lệnh cho chiến hạm hải quân Mỹ hộ tống các tàu dầu Kuwait treo cờ Mỹ đi qua eo biển Hormuz. Thỉnh thoảng, những tàu này hứng phải hỏa lực tấn công từ các tàu pháo Iran. Đây là một phần của cuộc chiến tranh tàu dầu trong những năm chiến tranh Iran - Iraq diễn ra.
Mỹ đã phản ứng bằng chiến dịch có mật danh "Ý chí Nhiệt tâm", một mô hình nền tảng để Ngoại trưởng Pompeo thiết lập chương trình an ninh Sentinel hiện tại.
Hai năm sau chiến dịch Ý chí Nhiệt tâm, Tổng thống Bush cha kích hoạt Học thuyết Carter khi quyết định phát động Chiến dịch Bão táp Sa mạc để đẩy lùi lực lượng Iraq khỏi Kuwait vào năm 1990.
Dù ông Bush nói rằng mục tiêu chính của chiến dịch này là nhằm bảo vệ khả năng tiếp cận của Mỹ đối với các giếng dầu ở vịnh Ba Tư, giới quan sát đánh giá việc bảo đảm dòng chảy an toàn của dầu nhập khẩu không phải động cơ duy nhất cho động thái can thiệp quân sự của Mỹ. Lý do không kém phần quan trọng của chiến dịch nằm ở lợi thế địa chính trị lớn đối với Mỹ khi kiểm soát vòi dầu mỏ khổng lồ ở Trung Đông
Ngày nay, những nước dựa vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ để tiếp cận dầu mỏ của vịnh Ba Tư đều là các quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Trung Quốc hay Ấn Độ. Điều này càng nâng cao lợi thế địa chính trị của Mỹ, miễn là Washington vẫn còn đóng vai trò bảo vệ chính đối với dòng chảy dầu mỏ từ vịnh Ba Tư.
Theo quan điểm của Washington hiện nay, bên thách thức lớn nhất đối với đặc quyền kiểm soát dòng chảy dầu mỏ từ vịnh Ba Tư là Iran. Nhờ gần gũi về vị trí địa lý, Iran đang nắm vị thế kiểm soát tiềm tàng eo biển Hormuz và vùng biển nằm dọc vịnh Ba Tư ở phía bắc. Tổng thống Ronald Reagan nhận thức rõ hiện trạng này khi ông tuyên bố vào năm 1987 rằng: "Việc sử dụng các tuyến đường biển ở vịnh Ba Tư không được phép bị điều khiển bởi người người Iran". Và cho đến nay, lập trường này của Washington chưa bao giờ thay đổi.
Hồng Vân (Theo TomDispatch.com)