Thẩm phán Stanislaw Pawlak, Toà án quốc tế về luật biển (ITLOS), tại Hamburg, Đức, trao đổi với VnExpress bên lề Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 11.
Ông Pawlak là một trong 5 thẩm phán xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2013. Năm 2016, ITLOS ra phán quyết, dựa trên Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), trong đó bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương đưa ra nhằm chiếm gần như trọn Biển Đông.
- Ông bình luận gì khi Trung Quốc có một loạt hoạt động vi phạm UNCLOS ở Biển Đông gần đây?
- Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS, một tổ chức mà các thành viên cùng chia sẻ quyền và nghĩa vụ. Vì vậy, lãnh đạo Trung Quốc cần tuân thủ các nguyên tắc và điều khoản. Có thể ví UNCLOS là một câu lạc bộ kín, một người không thể có ít nghĩa vụ hơn hay có nhiều lợi ích hơn những người khác. Các bên đều bình đẳng như nhau.
Trung Quốc có quyền, lợi ích ở các khu vực được quy định trong UNCLOS, trong đó có lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mở rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Nhưng họ không thể có lợi ích nhiều hơn bằng cách đưa ra các yêu sách rộng khắp của mình.
- Nhưng vì sao Trung Quốc vẫn thực hiện các hoạt động vi phạm?
- Khi UNCLOS bị vi phạm, trách nhiệm thuộc về nước vi phạm. Bắc Kinh hiểu sự vi phạm của mình. Họ có thể lựa chọn có quan hệ hoà hảo với các nước hoặc bị chỉ trích. Lựa chọn nào tốt hơn là điều rõ ràng. Khi một nước chọn cách vi phạm luật quốc tế, họ cũng chọn bị chỉ trích.
- Ông nhận được hồi đáp thế nào từ phía Trung Quốc về phán quyết 'đường lưỡi bò'?
- Họ tin vào quyền lịch sử của họ ở Biển Đông, điều các nước khác không chấp nhận. Và quyền lịch sử này cũng không được Công ước công nhận.
UNCLOS chỉ quy định về lãnh hải, thềm lục địa, EEZ. UNCLOS cũng quy định rõ về các thực thể ở Biển Đông. Các đá mà họ xây dựng căn cứ quân sự là nhân tạo, không phải là đảo, vì con người không thể sống trên đó. Quân đội được họ đưa đến sống bằng nguồn cung từ bên ngoài, chứ không phải các tài nguyên của chính các đá. Vì vậy, các thực thể này không có EEZ và thềm lục địa.
- Ông đánh giá gì về ý kiến cho rằng cần phải điều chỉnh UNCLOS khi nó không được thành viên thực thi?
- Luật quốc tế là do các nước tạo ra và tuân thủ nhưng không phải cuốn sách đóng, mà cũng phát triển theo cuộc sống. Nếu luật bị vi phạm, không có nghĩa nó không cần thiết nữa. Ngược lại, chúng ta cần phải chỉ rõ ai vi phạm nguyên tắc hay điều khoản gì, và tìm ra biện pháp giải quyết. Công ước không tệ, mà chỉ có con người áp dụng tệ hại mà thôi.
Chúng ta đang kỷ niệm 25 năm ngày phê chuẩn UNCLOS. Trong ngần đó thời gian, Công ước đã được chứng minh hoạt động hiệu quả, dù có một số điểm yếu. Chúng ta cần chuẩn bị để thêm một số vấn đề mới, chứ không phải là thay đổi UNCLOS. Một trong những vấn đề cần xem xét thêm là hoạt động của lực lượng quân sự ở đại dương.
- Ông nghĩ sao về khả năng Trung Quốc rút khỏi UNCLOS?
- Một số người nói đến điều này nhưng tôi chưa nhìn thấy văn bản nào đề cập. Nếu Trung Quốc chọn cách đó, họ sẽ không thể hưởng lợi từ UNCLOS nữa. Tôi thấy có nhiều ấn phẩm của Trung Quốc ủng hộ UNCLOS, họ muốn được hưởng lợi từ Công ước.
Trên thế giới, có hai nước lớn chiếm ưu thế trong vận dụng UNCLOS, là Anh và Mỹ. Họ quan tâm đến các vấn đề tự do hàng hải, hàng không, tự do vận tải, liên lạc và khai thác các tài nguyên biển. Trung Quốc đang vươn lên vị trí cường quốc nên tôi cho rằng Bắc Kinh không thể tính đến việc rút khỏi UNCLOS.
- Ông có gợi ý gì khi luật quốc tế không được tôn trọng Biển Đông?
- Đây không phải là câu chuyện lợi ích của riêng Việt Nam, Philipines, Malaysia hay Indonesia. Tất cả các nước liên quan cần tham gia giải quyết. Cần có cách tiếp cận đa phương, không phải cách tiếp cận đơn phương. Cần có thảo luận trong ASEAN. Tôi ủng hộ đàm phán hướng tới hợp tác đa phương ở Biển Đông. Điều này sẽ mang lại nhiều triển vọng.
Trung Quốc có lợi ích khi tiếp cận thị trường, các nguồn lực và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng. Tôi hy vọng khi đó các nước sẽ nêu rõ rằng yêu sách của Bắc Kinh là vi phạm UNCLOS. Biển Đông là một trong những kênh giao thông quan trọng nhất trong khu vực, đi đến Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó lựa chọn tốt nhất là tôn trọng luật quốc tế.
Trung Quốc cần phải lắng nghe phản ứng trước những gì họ đang làm. Đối với một nước đang vươn tới vị trí dẫn đầu như Trung Quốc, tôn trọng luật quốc tế tốt hơn là hành xử theo luật rừng.