Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hồi đầu tháng 4 cho biết Type-001A, tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này, đã thử nghiệm thành công hệ thống động cơ, năng lực tác chiến và hậu cần. Các chuyên gia quân sự nhận định chiếc Type-001A có thể đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc vào nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng hai tàu sân bay hiện nay của Trung Quốc là Liêu Ninh và Type-001A đều có nhược điểm là dự trữ hành trình quá ngắn, khiến chúng không thể hoạt động độc lập quá 6 ngày liên tục và phải dựa vào lực lượng hậu cần hùng hậu để duy trì khả năng tác chiến.
Type-001A và Liêu Ninh đều sử dụng thiết kế tàu sân bay lớp Kuznetsov của Liên Xô, mỗi tàu mang được tối đa 13.000 tấn dầu để phục vụ hoạt động của chúng và 6-8 chiến hạm hộ tống, cùng phi đội tiêm kích hạm J-15. Chiếc Type-001A tiêu thụ khoảng 1.100 tấn dầu/ngày khi di chuyển với tốc độ 37 km/h. Con số này sẽ tăng tới 1.500 tấn mỗi ngày nếu Type-001A tăng tốc trong chiến đấu.
Phương án đảm bảo hậu cần của hải quân Trung Quốc cho thấy tàu sân bay nội địa sẽ phải được tiếp liệu sau khi tiêu thụ khoảng một phần ba lượng dầu mang theo. Điều này khiến Type-001A chỉ có thể hoạt động tối đa 6 ngày liên tục, sau đó nó sẽ phải tiếp dầu trên biển hoặc cập cảng Trung Quốc hoặc một quốc gia thân thiện với Bắc Kinh.
Trong trường hợp tác chiến ở các vùng đại dương xa bờ, Type-001A chỉ có thể trông chờ vào tàu hậu cần hạng nặng Type-903 với lượng giãn nước 23.000 tấn. Ngay cả khi mang tải tối đa, Type-903 cũng chỉ có thể cung cấp dầu cho nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc hai lần trước khi phải trở về cảng.
Con số này thua xa các siêu tàu sân bay trang bị lò phản ứng hạt nhân Mỹ với khả năng hoạt động nhiều tháng liền trên biển và chỉ phải nạp nhiên liệu hạt nhân sau 20-25 năm vận hành. Giải pháp tình thế của hải quân Trung Quốc là đóng thêm nhiều tàu hậu cần tác chiến tốc độ cao Type-901 với lượng giãn nước 45.000 tấn, trước khi sở hữu tàu sân bay hạt nhân trong tương lai.
Type-001A sẽ đóng tại quân cảng Tam Á trên đảo Hải Nam, nơi có cơ sở hạ tầng phục vụ tàu sân bay đang được hoàn thiện. Trung Quốc cũng được cho là đang xây dựng thêm một âu tàu có thể tiếp nhận tàu sân bay tại đảo nhân tạo nước này bồi đắp phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đô đốc Bill Moran, phó tư lệnh hải quân Mỹ, hồi tháng 1 cho biết hải quân Mỹ đánh giá mối đe dọa lớn nhất với các hạm đội tàu chiến của họ là những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông và các đơn vị đặc nhiệm hải quân như SEAL gần đây đã tăng cường phối hợp với các đội tàu chiến lớn tham gia nhiều cuộc tập trận chống lại đối thủ "cấp quốc gia".
Theo Moran, trong trường hợp xung đột nổ ra trên Biển Đông, đặc nhiệm SEAL có thể trở thành tai mắt thu thập thông tin về các đảo nhân tạo này, thậm chí thực hiện các cuộc tập kích để vô hiệu hóa hoặc xóa sổ lực lượng quân sự trên đó.
Vũ Anh (Theo Asia Times)