Tàu ngầm nghiên cứu của hải quân Nga hôm 1/7 bốc cháy khi đang khảo sát đáy biển khiến 14 người thiệt mạng do ngạt khói, trong đó có hai người từng được trao danh hiệu "Anh hùng Nga", danh hiệu cao quý nhất của nhà nước Nga, 7 người khác là các đại tá hải quân.
"Đây không phải tàu bình thường mà là tàu nghiên cứu", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc họp khẩn với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Hải quân Nga không công bố tên tàu ngầm hay diễn biến vụ cháy, chỉ xác nhận ngọn lửa đã được kiểm soát và con tàu đang đậu tại cảng Severomorsk, nơi đặt căn cứ của Hạm đội Phương Bắc.
Việc Bộ Quốc phòng Nga không công khai nhiều thông tin về vụ tai nạn cho thấy đây có thể là một khí tài bí mật của quân đội nước này. Trang tin RBC của Nga dẫn nguồn giấu tên cho biết vụ cháy xảy ra trên tổ hợp tàu ngầm hạt nhân do thám tuyệt mật do nước này phát triển, gồm tàu ngầm con AS-12 "Losharik" và tàu ngầm mẹ BS-64 "Podmoskovye". Nguồn tin khẳng định lửa phát ra từ khoang tàu Podmoskovye và không ảnh hưởng tới Losharik.
Tờ Novaya Gazeta thì đưa tin đám cháy xảy ra trên chính tàu ngầm AS-12 và toàn bộ thủy thủ đoàn 25 người đã thiệt mạng, nhưng sau đó sửa lại thành 14 người chết và cho rằng con tàu gặp nạn mang số hiệu AS-31.
"Định danh chính thức của con tàu là 'thiết bị nghiên cứu biển sâu', cho thấy nó có thể là một tàu lặn cỡ nhỏ được Moskva dùng để thu thập tin tức tình báo và phục vụ các chiến dịch đặc biệt, cũng như nghiên cứu khoa học và cứu hộ tàu ngầm. Tuy nhiên, thủy thủ đoàn của chúng thường chỉ có vài người", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
"Nhờ hành động quên mình của thủy thủ đoàn, ngọn lửa đã được dập tắt", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong thông cáo hôm 2/7. Các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy thủy thủ đoàn trên tàu ngầm gặp nạn nhiều hơn 14 người và vẫn có một số người sống sót sau sự cố.
"Một trong những yếu tố gây khó khăn cho việc xác định danh tính tàu ngầm bị cháy là Nga thường dùng cụm từ 'tàu nghiên cứu' để chỉ mọi khí tài mới, từ tàu ngầm hạt nhân cỡ nhỏ như Losharik cho tới chiếc Belgorod, tàu ngầm dài nhất thế giới hiện nay", Rogoway nói thêm.
Bộ đôi tàu ngầm Podmoskovye và Losharik được Nga thử nghiệm từ cuối năm 2016. Nga lên kế hoạch hoán cải và nâng cấp Podmoskovye từ năm 1999, nhưng khó khăn về kinh phí khiến dự án này chỉ được bắt đầu từ giữa năm 2015, trong đó công đoạn quan trọng nhất là tháo bỏ 16 khoang chứa tên lửa đạn đạo RSM-54 Sineva để lấy chỗ chứa tàu ngầm con Losharik.
Losharik áp dụng thiết kế hai lớp vỏ, trong đó vỏ chịu áp lực gồm 7 khoang hình cầu được nối với nhau. Điều này khiến tàu có rất ít không gian cho thủy thủ đoàn và trang thiết bị, nhưng giúp độ bền cấu trúc vượt xa tàu ngầm thông thường. Losharik từng hoạt động ở độ sâu 2.000-2.500 m ở Bắc Băng Dương hồi năm 2012, sâu gấp nhiều lần giới hạn lặn của tàu ngầm Mỹ.
Nhiệm vụ chính của Losharik là thăm dò, thu thập tin tức tình báo và tương tác với các vật thể dưới đáy biển. Nó có thể bố trí thiết bị trinh sát để chặn thu dữ liệu từ cáp ngầm dưới đáy biển, cũng như phá hủy hệ thống cáp biển của đối phương khi xảy ra xung đột.
Sự xuất hiện của Losharik khiến Washington lo ngại tới mức Bộ tư lệnh Phương Bắc của Mỹ phải nhắc đích danh con tàu này trong báo cáo về "các mục tiêu trong bóng tối", đề xuất phát triển hệ thống cảnh giới và giám sát mới dưới biển để đối phó.
Vũ Anh (Theo Drive)