Khi thong thả hút thuốc bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, diễn đàn thường niên nổi tiếng nhất về an ninh châu Á - Thái Bình Dương cuối tuần trước, các thành viên của phái đoàn Trung Quốc do Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa dẫn đầu cảm thấy vui vẻ bất ngờ.
Họ từng nghĩ rằng hội nghị sẽ diễn ra theo kịch bản như mọi khi: Mỹ và đồng minh tập trung công kích Trung Quốc, khiến họ phải một mình chống lại một loạt lời phàn nàn. Nhưng năm nay, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang đe dọa sự tăng trưởng toàn cầu, các lãnh đạo châu Á lại phê phán một số khía cạnh trong đòn tấn công của chính quyền Trump nhằm vào Trung Quốc.
Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi Mỹ chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc và hạ thấp mối đe dọa mà Huawei đặt ra. Một bộ trưởng Myanmar cho rằng những cảnh báo của Mỹ về chính sách "ngoại giao bẫy nợ" (bên vay phải nhượng bộ về kinh tế và chính trị khi không trả được nợ) của Trung Quốc là "thổi phồng". Thông điệp mà hầu hết các nước châu Á đưa ra tại Đối thoại Shangri-La là muốn cuộc chiến thương mại kết thúc.
Các nước châu Á lo ngại rằng một cuộc đụng độ giữa hai siêu cường kinh tế sẽ làm tổn thương các quốc gia nhỏ hơn, nhiều nước trong số này dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho hàng triệu người. Mặc dù nhiều nước châu Á coi vai trò của Mỹ là cần thiết để kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc, họ cũng lo ngại Trump đang đi quá xa trong việc cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Tháng trước, Trump ra lệnh cấm tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei giao dịch với công ty Mỹ, vào thời điểm thị trường toàn cầu còn đang cố gắng chống đỡ tác động từ việc Mỹ tăng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế với 60 tỷ USD hàng Mỹ. Trung Quốc sắp công bố danh sách công ty và cá nhân nước ngoài họ coi là không đáng tin cậy để trả đũa cho Huawei.
Các quốc gia châu Á kẹt giữa hai cường quốc. Một bên, Mỹ thúc giục họ tẩy chay thiết bị Huawei khi triển khai mạng 5G. Bên kia, Trung Quốc thu hút họ bằng những hứa hẹn cung cấp nguồn vốn giúp họ xây dựng cơ sở hạ tầng như cảng nước sâu và đường sắt cao tốc.
"Một số, nếu không muốn nói là tất cả các nước trong khu vực, đều có thể lo ngại về rủi ro bảo mật khi sử dụng thiết bị, công nghệ của Huawei, nhưng có những vấn đề khác họ cần cân nhắc", Collin Koh Swee Lean, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói. "Về mặt chi phí, những cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng Trung Quốc mời chào hấp dẫn hơn".
Trong bài phát biểu của mình tại Shangri-La cuối tuần trước, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cố gắng xóa đi băn khoăn của các cử tọa khi đề cập rằng Mỹ đã tăng gấp đôi ngân sách cho quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực, lên 60 tỷ USD, để cạnh tranh với Trung Quốc.
Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia châu Á, tiền của Mỹ không đủ để đáp ứng nhu cầu của họ và thường đi kèm với quá nhiều ràng buộc. Chẳng hạn như Myanmar cho rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho dự án xây dựng một cảng nước sâu và khu công nghiệp trên bờ biển gần Bangladesh, trong khi Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính khác không thể giúp họ.
"Cuối cùng thì quyền quyết định chấp nhận hay từ chối khoản tiền như vậy thuộc về nước nhận chứ không phải Bắc Kinh", cố vấn an ninh quốc gia Malaysia Thaung Tun nói, bác bỏ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ khiến nước này "mắc bẫy nợ" để đạt được lợi ích chiến lược.
Họ cũng có những cân nhắc tương tự với Huawei. Các quốc gia trên thế giới đang xây dựng mạng 5G, sẽ kết nối từ xe tự lái cho đến nhà thông minh. Quan chức ngoại giao Mỹ Andrea L. Thompson nói rằng cần nhiều thời gian để thuyết phục các quốc gia trong khu vực tránh sử dụng công nghệ của Huawei. Mỹ lo ngại Huawei có thể sử dụng các thiết bị của họ để do thám cho chính phủ Trung Quốc.
"Không phải tự nhiên mà Huawei chào hàng với giá thấp nhất", Thompson nói với các phóng viên bên lề Đối thoại Shangri-La. "Nếu bạn chấp nhận để mạng của mình trở thành mạng bẩn, mạng không đáng tin cậy, bạn sẽ phải trả giá tương ứng".
Nhiều nước châu Á không thực sự tin vào lập luận này của Mỹ. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã ca ngợi Huawei vào tuần trước, nói rằng họ "mang đến một bước tiến vượt bậc về công nghệ so với Mỹ" và tuyên bố Malaysia sẽ dùng công nghệ Huawei nhiều nhất có thể.
Rufino Lopez Jnr, quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines, nói ngày 2/6 rằng thật khó để biết liệu Apple của Mỹ có tiềm ẩn các rủi ro bảo mật tương tự Huawei hay không. "Bạn chẳng thể biết chắc", ông nói.
Các nước châu Á đang lắng nghe những cáo buộc của Mỹ về Huawei nhưng đưa ra kết luận khác nhau, David Gordon, cựu phó chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, nói. "Những gì họ suy ra từ thông điệp là 'chúng ta phải xem xét vấn đề này, chúng ta phải thận trọng và giảm thiểu nguy cơ'. Họ không dễ nghe theo khuyến cáo của Mỹ rằng 'cần tránh xa' Huawei", Gordon nói.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các nước châu Á đang dang rộng vòng tay đón nhận Trung Quốc. Các diễn giả tại Đối thoại Shangri-La đã chỉ trích hành động quyết liệt của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là các yêu sách chủ quyền phi lý và những động thái có thể cản trở quyền tự do hàng hải ở khu vực.
Trong khi tuyên bố rằng Trung Quốc không có ý định thay thế Mỹ làm "bá chủ thế giới", Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa lại ngụy biện về hoạt động xây đảo phi pháp và quân sự hóa trên Biển Đông, cho rằng đây chỉ là hành động "phòng thủ hạn chế".
Phản ứng không quá quyết liệt của lãnh đạo một số nước châu Á cho thấy các quốc gia này vẫn cầu tận dụng sự phát triển của Trung Quốc để đạt được lợi ích kinh tế nhưng không phụ thuộc vào Bắc Kinh đến mức chính phủ Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng chính trị đến họ. Việc đảm bảo cân bằng trong mối quan hệ đó trái ngược với chiến thuật quyết liệt Nhà Trắng đang sử dụng.
Lynn Kuok, học giả tại trung tâm Trung Quốc Paul Tsai, cho rằng các nước trong khu vực không thể hoàn toàn đứng về phía Mỹ. "Họ ở trong cùng khu vực với một láng giềng hùng mạnh nên họ luôn phải thực tế và linh hoạt", ông nói.
Phương Vũ (Theo Bloomberg)