"Chào chiến thắng!", sĩ quan tình báo phát xít Đức Rudolf-Christoph von Gersdorff hô khi giơ cánh tay phải chào Adolf Hitler. Tay trái Gersdorff đút trong túi quần để kích hoạt ngòi nổ quả bom giấu trong người.
Gersdorff nhận thiết bị nổ từ tướng Henning von Tresckow, người hy vọng cái chết của Hitler sẽ là chất xúc tác cho một cuộc đảo chính lật đổ các lãnh đạo cấp cao của Đức quốc xã. Tresckow ngày 14/3/1943 đã âm mưu ám sát Hitler bằng cách tuồn một chiếc hộp chứa bom lên máy bay chở ông ta nhưng kế hoạch đổ bể vì bom không phát nổ.
Vì vậy, khi biết Hitler sẽ đến dự cuộc triển lãm trưng bày chiến lợi phẩm ở bảo tàng quân sự Zeughaus, Berlin ngày 21/3/1943, họ coi đây là cơ hội tuyệt vời để ám sát Hitler.
Gertsdorff tình nguyện làm người kích hoạt quả bom. Sau khi thăm dò, Gertsdorff nhận ra việc gài sẵn bom tại khu triển lãm là nhiệm vụ bất khả thi bởi lớp bảo vệ an ninh quá dày. "Việc tôi có thể làm chỉ là mang quả bom trong người, áp sát Hitler bằng mọi cách và cùng nổ tung với ông ta", Gertsdorff cho hay.
Gersdorff góa vợ, có một người con nhưng đứa bé sống với họ hàng. "Vào thời điểm đó, chúng tôi bị cuốn vào nhiệm vụ", Gersdorff cho biết. "Tôi không cần nhiều thời gian để trả lời 'đồng ý' trước câu hỏi quan trọng nhất đời mình".
Trong ngày hôm đó, Gersdorff luôn đi gần Hitler khi dẫn trùm phát xít tham quan bảo tàng. Kế hoạch của Gersdorff là kích hoạt quả bom, áp sát Hitler và "cái ôm tử thần" sẽ làm nổ tung cả hai.
Tuy nhiên, quả bom cần 10 phút để phát nổ sau khi được kích hoạt. Gersdorff cố gắng giữ chân Hitler tại triển lãm lâu hơn nhưng không thành công. Trùm phát xít rời đi sau 5 phút xuất hiện, dù theo kế hoạch, chuyến tham quan của ông ta kéo dài 30 phút. Sau khi Hitler rời khỏi tòa nhà, Gersdorff vào nhà vệ sinh và vô hiệu hóa quả bom vào phút chót.
Gersdorff nói rằng ông đã có tinh thần chống Hitler từ cuối những năm 1930, mô tả những mệnh lệnh mình nhận được là "phạm tội" và "tàn ác" như cho lính Đức giết công dân Liên Xô bừa bãi. Vụ thảm sát tại Borisov, Belarus đã khiến Gersdorff và những người khác thấy rằng giết Hitler là lựa chọn duy nhất. Khu người Do Thái tại Borisov, nằm gần doanh trại của Gersdorff ở Smolensk, Liên Xô, là nơi xảy ra vụ thảm sát 15.000 người năm 1942. Người lớn bị bắn bằng súng máy còn trẻ em bị chôn sống.
Sau vụ ám sát bất thành năm 1943, tướng Tresckow cùng đồng sự gồm Claus von Stauffenberg, Friedrich Olbricht và Ludwig Beck lên kế hoạch ám sát Hitler bằng một quả bom ngụy trang vào ngày 20/7/1944. Stauffenberg mang theo vali chứa chất nổ dẻo khi được triệu tập tới phiên họp với Hitler tại "Hang sói" (căn cứ làm việc của trùm phát xít).
Sau khi đặt vali cạnh Hitler, Stauffenberg rời khỏi phòng với lý do có cuộc điện thoại gọi đến. Sau khi ông rời đi, một sĩ quan đã vô tình dịch chuyển chiếc vali ra sau một chân bàn lớn. Quả bom phát nổ sau ít phút, khiến chiếc bàn gỗ vỡ một mảng lớn, 4 người thiệt mạng nhưng Hitler sống sót và không bị thương nghiêm trọng.
Khi nhóm lập mưu ám sát Hitler bị phát hiện, một số người tự tử hoặc bị hành quyết. Những người bị bắt và tra tấn không khai ra vụ ám sát bất thành của Gersdorff năm 1943 nên ông không bị nghi ngờ. Gersdorff là một trong số ít sĩ quan chống Hitler trong quân đội Đức sống sót sau chiến tranh.
Vào những năm 1950, Gersdorff xin gia nhập quân đội Tây Đức nhưng bị khước từ. Ông sau đó dành phần lớn thời gian làm từ thiện và viết tự truyện. Gersdorff qua đời tại Munich, Bavaria, năm 1980.
Phương Vũ (Theo History/ Ozy)