Vấn đề thu mua nông sản Mỹ đã trở thành một đề tài nóng trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, trong bối cảnh các quan chức nước này đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận thương mại một phần mà Tổng thống Donald Trump đưa ra hồi tháng 10.
Trump hôm 11/10 tuyên bố Trung Quốc đã đồng ý mua đậu nành, thịt heo và các nông sản khác có giá trị 50 tỷ USD từ Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, các nguồn thạo tin cho hay Trung Quốc thường né tránh đưa một cam kết định lượng cụ thể trong các văn bản thỏa thuận.
Một số người cho biết Bắc Kinh muốn tránh một thỏa thuận có lợi hơn cho Washington và cũng muốn có một sự linh hoạt trong thỏa thuận để đề phòng nguy cơ căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng. "Chúng tôi luôn có thể dừng các hoạt động mua hàng nếu như mọi thứ trở nên xấu đi", một quan chức Trung Quốc cho biết.

Tổng thống Trump (phải) bắt tay Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại cuộc gặp ở Nhà Trắng hôm 11/10. Ảnh: AP.
Những tranh cãi của hai bên về thu mua nông sản là một trong những vấn đề có thể khiến thỏa thuận thương mại một phần được Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nhất trí hôm 11/10 có nguy cơ đổ vỡ.
Hai bên đang có mâu thuẫn về việc liệu Mỹ có đồng ý dỡ bỏ thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc hay không và điều này sẽ được thực hiện như thế nào. Các quan chức Trung Quốc cũng phản đối yêu cầu của Mỹ về một cơ chế thực thi nghiêm ngặt thỏa thuận này và ngăn chặn thủ đoạn ép buộc các công ty muốn làm ăn với Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ.
Văn phòng đại diện thương mại Mỹ, cơ quan đang dẫn đầu các cuộc đàm phán, và Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington đều chưa lên tiếng chính thức. Chia sẻ với báo giới tại Nhà Trắng hôm 13/11, Trump cho biết rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra. "Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra, nhưng mọi thứ tiến triển rất nhanh", ông nói.
Tổng thống Mỹ hôm 12/11 cho biết ông chuẩn bị tăng dần các đòn áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc nếu hai bên thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận.
Một số cựu quan chức thương mại Mỹ và những người theo dõi cuộc đàm phán ở Washington lo ngại rằng Trung Quốc đang đòi hỏi quá nhiều trong các cuộc đàm phán, trong khi một thỏa thuận đang đến rất gần.
Các doanh nghiệp Mỹ đã hy vọng về một thỏa thuận mà trong đó chính quyền Trump sẽ bỏ kế hoạch áp thuế đối với các mặt hàng tiêu thụ Trung Quốc từ ngày 15/12 và xóa khoản thuế 15% áp dụng với các mặt hàng nhập khẩu khác có hiệu lực từ ngày 1/9. Các nhà nhập khẩu Mỹ đang là đối tượng hứng chịu trực tiếp các đòn thuế của chính quyền Trump.
Bộ Thương mại Trung Quốc không tiết lộ thông tin các cam kết của Bắc Kinh về thu mua nông sản Mỹ, và người phát ngôn của bộ cũng đã lên tiếng hồi tuần trước rằng Mỹ đã đồng ý xóa bỏ một số khoản thuế như một phần trong giai đoạn đầu của một thỏa thuận gồm nhiều giai đoạn.
Nhưng phát biểu này của quan chức Bắc Kinh lại khiến các "diều hâu thương mại" ở Washington tức giận khi cho rằng Mỹ đã nhượng bộ quá sớm. Trump ngay sau đó lên tiếng bác bỏ khả năng dỡ bỏ thuế với hàng hóa Trung Quốc.
Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, cũng không muốn dỡ bỏ các khoản thuế hiện nay đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, trong đó có cả các mặt hàng tiêu dùng, trừ khi Bắc Kinh cho thấy những động thái "mềm dẻo" hơn đối với các yêu cầu của Mỹ.
Về phía Trung Quốc, các quan chức nước này đang thực hiện những hành động được dự đoán từ trước, đó là không vội đưa ra các cam kết với Lighthizer cho đến khi họ biết chắc được rằng chính quyền Trump sẽ rút lại các đòn thuế hiện tại trong "thỏa thuận giai đoạn một", một cựu quan chức thương mại cấp cao Mỹ tham gia đàm phán với Bắc Kinh cho biết.
Trong khi đó, chính quyền Trump mong muốn đạt được càng nhiều cam kết nhất có thể từ phía Trung Quốc trong thỏa thuận giai đoạn một, phần nào được cho là sự đảm bảo trong trường hợp hai nước muốn có những thỏa thuận mới trong tương lai.
"Chúng ta sẽ chỉ chấp nhận một thỏa thuận nếu như thỏa thuận đó có lợi cho Mỹ và người lao động cũng như các công ty lớn của chúng ta, bởi vì chúng ta đã chịu nhiều tổn thất", Trump nói trong phát biểu hôm 12/11 tại Câu lạc bộ Kinh tế New York.
Quốc Hưng (Theo WSJ)