Trụ sở Gazprom ở Matxcơva. Ảnh: AFP. |
Có 50,1% cổ phần nhà nước, Gazprom do “nhóm Petersburg” thân với tổng thống kiểm soát. Trụ sở của nó là tòa nhà kính xanh nhạt 35 tầng ở khu Cheriomushkinski ở Matxcơva.
Ngày nay Gazprom đã trở thành một phương tiện chính trị mới của điện Kremlin. Trong “học thuyết năng lượng”, thảo ra năm 2003, Matxcơva đã nhận định rằng “vai trò của Nga trên thị trường năng lượng thế giới sẽ quyết định một phần lớn ảnh hưởng địa chính trị” và khu vực dầu khí là “một phương tiện chính trị đối nội và đối ngoại”.
Là nhà cung cấp 26% lượng khí đốt ở châu Âu, Garzprom cũng đã bắt đầu cung cấp cho Mỹ và có kế hoạch cấp cho Trung Quốc. Công ty này là tâm điểm cuộc khẩu chiến giữa Matxcơva và “những con mèo béo” như cách Tổng thống Vladimir Putin dùng để miêu tả những thành viên khác của G8.
Quyền lực của Gazprom còn nằm ở việc họ chi phối các đường ống dẫn khí của các quốc gia Trung Á Uzbekistan và Turkmenistan đi qua Nga. Matxcơva đã ký Hiến chương năng lượng từ 12 năm trước, theo đó dầu khí được vận chuyển tự do, nhưng hiện chưa phê chuẩn nó. Điều này dĩ nhiên không làm các nước G8 hài lòng.
Trung Quốc được hứa hẹn 80 tỷ m3 khí/năm. Châu Âu, tuy là khách hàng quan trọng, lo ngại họ sẽ không được coi trọng bằng. Nhất là sau vụ tranh cãi với Kiev và vụ gián đoạn cung cấp khí sang châu Âu, các nước EU càng lo lắng hơn về khả năng giảm lượng cung vào những thời điểm mùa đông lạnh giá nhất, cuối tháng 1, đầu tháng 2.
Một câu hỏi là liệu Gazprom có khả năng thực hiện những cam kết của mình hay không. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, thì Nga, nắm 27% nguồn dự trữ thế giới, có thể thiếu khí đốt từ năm 2009. Đến thời điểm đó, việc sản xuất sẽ bị chững lại, xê dịch trong khoảng 540 tỷ đến 550 tỷ m3/năm, dựa vào 5 hay 6 mỏ. Trong đó 3 mỏ quan trọng nhất là Medvejie, Yamburg, Urengoi chiếm gần 70 – 80%, thì đang cạn dần. Liệu nguồn thay thế có được đảm bảo không?
Hiện giờ, có rất ít mỏ mới đang được khai thác. Zapoliarnoe, đưa vào sử dụng năm 2001, sẽ không đủ đáp ứng sự thiếu hụt này. Những mỏ nhiều hứa hẹn như Sakhalin (Viễn Đông), Yamal (Siberia), hay Shtokman (biển Barents) sẽ không có khả năng cấp gas trước năm 2010, hay thậm chí muộn hơn thế.
Kế hoạch hình thành liên doanh Nga và phương Tây nhằm khai thác mỏ Shtokman (để sản xuất khí lỏng dành cho thị trường Mỹ) bị lùi lại nhiều lần. 80% số mỏ khí mới được đặt ở những nơi xa thị trường, và tại đó, hoạt động khai thác cũng khó khăn do điều kiện khí hậu. Chỉ riêng việc khai thác các nguồn dự trữ lớn trên đảo Yamal đã đòi hỏi 65 tỷ USD tiền đầu tư. Dĩ nhiên, tình hình tài chính của Gazprom khá hơn nhiều so với 10 năm trước, nhưng đó vẫn là một số tiền đáng kể với một công ty chuyên đầu tư ít (12 tỷ USD suốt trong khoảng thời gian 2000 – 2006, rất nhỏ nhoi so với các hãng lớn khác).
Họ còn hay bỏ tiền ra mua các công ty khác (ví dụ 30 tỷ USD, trong đó một nửa là để mua hãng dầu Sibneft) và chi phí khai thác không ngừng tăng (tăng 30% năm 2004). Nếu không hợp tác với các hãng phương Tây có các công nghệ cần thiết, họ sẽ khó có thể thực hiện các dự án của mình.
Trong bối cảnh quốc hữu hóa ngày càng tăng trong lĩnh vực năng lượng ở Nga, các công ty dầu khí lớn của phương Tây đang lo lắng về xu thế chính phủ hạn chế cho các hãng nước ngoài tiếp cận với các lĩnh vực “chiến lược” của nền kinh tế Nga. Nhiều thỏa thuận sản xuất chung cũng đã bị đặt dấu hỏi. Hiện đang tham gia dự án Sakhalin II, Shell có khả năng phải nhường lại cổ phần cho Gazprom.
Còn những nhà sản xuất nhỏ trong nước (Lukoil, Itera, Novatek và các công ty khác, chiếm 13% tổng sản lượng) cũng không quan tâm đến việc tăng đầu tư. Vì sao vậy? Giá khí đốt trong nước không thể bán quá 40 USD/1.000 m3, nghĩa là rẻ hơn 2 – 6 lần giá xuất khẩu (từ 95 – 250 USD). Ví dụ Lukoil phải bán gas với giá 22 USD cho Gazprom, mà hãng này sẽ bán lại với giá 230 USD ở đầu bên kia ống dẫn. Làm thế nào có thể tiếp cận các thị trường mới khi Gazprom nắm độc quyền về hệ thống đường ống?
Tuy nhiên, việc tiêu thụ trong nước không ngừng tăng lên. Khí đốt vẫn là nguồn năng lượng ít tốn kém nhất. Nga hiện đứng thứ hai thế giới về sức tiêu thụ, chỉ sau mỗi Mỹ, trong khi GDP của nước này chỉ bằng 1/20 GDP Mỹ. Tiết kiệm năng lượng chưa có trong nhận thức của người Nga. Hơn nữa, 90% số người tiêu thụ (cả các cá nhân và công ty) không biết đến khái niệm đồng hồ đo lượng tiêu thụ.
Cùng lúc phải đáp ứng thị trường quốc tế, nhu cầu trong nước, và đối phó với những căng thẳng xung quanh nguồn cung cấp bổ sung đến từ Trung Á (Turkmenistan ngày càng dè dặt trong việc chấp nhận mức giá khí đốt của họ ở 65 USD), Gazprom sẽ xoay sở thế nào? Hiện đang có có dự án về hai đường ống sang Trung Quốc. Việc xây dựng Đường ống Bắc Âu (NEPG), đến năm 2010 sẽ tới Đức qua biển Baltic, tránh Ba Lan và các nước vùng Baltic, đã bắt đầu. Còn số phận hệ thống Blue Stream, được lắp đặt với mức chi phí lớn, tới Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen nhưng mới chỉ sử dụng 30% công suất thì sẽ ra sao?
"Liệu họ có thể đảm bảo những hợp đồng cấp khí cho đường ống nằm dưới biển Baltic? Những thông tin đưa ra mâu thuẫn nhau. Đến năm 2013, NEPG phải có khả năng chuyển 55 tỷ m3. Nhưng Gazprom chưa giải quyết được khúc mắc về vận chuyển. Chỉ có Wingas (công ty liên doanh Nga – Đức) có thỏa thuận vận chuyển 10 tỷ m3 cho Gazprom, mà công ty này lại thực ra chỉ là một cái mũi giả của Gazprom mà thôi”, một nhà ngoại giao giải thích.
Nadejda Victor, một nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford, mới đây bình luận: “Trong trường hợp xảy ra mùa đông lạnh giá năm 2008, năm bầu cử tổng thống, Gazprom có khả năng phải đối mặt với một sự lựa chọn không mấy dễ chịu: ngừng cung cấp cho người tiêu dùng Nga, tức là các cử tri, hay cắt đường ống tới phương Tây, nguồn khách hàng chính của họ?”
M.C. (theo Le Monde)