Viryan Aziz, người đứng đầu Ủy ban Tổng tuyển cử Indonesia ngày 23/4 cho biết ít nhất 119 nhân viên phục vụ công tác bầu cử qua đời và 548 người khác bị ốm, do suy kiệt sức lực vì khối lượng công việc lớn trước, trong và sau ngày bầu cử.
Cuộc bầu cử của Indonesia ngày 17/4 được coi là một trong những cuộc bỏ phiếu lớn nhất và phức tạp nhất thế giới. Indonesia là đất nước đông dân thứ tư thế giới, với hơn 268 triệu người. Khoảng 192 triệu người Indonesia đủ điều kiện bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri đi bầu là 81%.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Indonesia tổ chức bầu tổng thống, quốc hội và hội đồng địa phương trong cùng một ngày. Việc này đặt ra thách thức hậu cần rất lớn tại đất nước có diện tích hơn 1,9 triệu km2.
Bầu cử tổng thống là cuộc đua giữa đương kim Tổng thống Indonesia Joko Widodo, thường được gọi là Jokowi và cựu tướng Prabowo Subianto. Theo kết quả kiểm phiếu nhanh không chính thức, ông Widodo đang dẫn trước đối thủ.
16 đảng tranh cử 575 ghế tại hạ viện Indonesia. 245.000 ứng viên cạnh tranh cho hơn 20.000 ghế trong các cơ quan lập pháp ở cấp tỉnh và huyện trên khắp quốc gia.
Khoảng 810.000 điểm bỏ phiếu được thiết lập. 6 triệu người được tuyển dụng và đào tạo để phát phiếu bầu, theo dõi quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu.
Các nhân viên bầu cử sử dụng mọi cách có thể để đưa thùng bỏ phiếu đến cho cử tri ở các ngôi làng trên núi cao, sâu trong rừng rậm và trên các hòn đảo xa xôi. Họ vận chuyển chúng bằng xe jeep, thuyền, trên lưng ngựa và thậm chí là đi bộ.
453.000 cảnh sát và binh sĩ, cùng với 1,6 triệu thành viên lực lượng bảo vệ dân sự được triển khai để giữ an ninh cho cuộc bầu cử.
Việc bỏ phiếu được tiến hành thủ công. Mỗi cử tri đã được trao 5 phiếu bầu, trong đó một phiếu dùng để bầu tổng thống và phó tổng thống, 4 phiếu còn lại bầu hạ viện và các hội đồng địa phương. Cử tri chọn ứng viên bằng cách dùng đinh chọc vào lỗ trên lá phiếu.
Để tránh cử tri gian lận bằng cách đi bầu ở nhiều nơi, người bỏ phiếu xong cần nhúng ngón tay vào loại mực tạm thời không thể rửa sạch.
Ủy ban Bầu cử phải công bố kết quả trong vòng 35 ngày kể từ ngày bỏ phiếu, tức là trước ngày 22/5.
Chủ tịch ủy ban bầu cử của tỉnh Tây Java, Rifqi Almubarok, cho biết việc kiểm phiếu và điền vào các tài liệu mất rất nhiều thời gian. Các nhân viên bầu cử bị quá tải với các nhiệm vụ liên quan tới phục vụ cử tri và kiểm phiếu. Họ gần như làm việc không ngừng trong 48 giờ, chỉ được nghỉ khi tới bữa ăn và giờ cầu nguyện của người Hồi giáo.
Quyết định tổ chức đồng thời bầu cử quốc hội và tổng thống bị các nhà quan sát chỉ trích là quá phức tạp. Bộ trưởng Nội vụ Tjahjo Kumolo tuần này cho biết chính phủ sẽ xem xét lại quy trình bầu cử. Phó Tổng thống Jusuf Kalla kêu gọi cuộc bầu cử năm 2024 trở lại định dạng năm 2014 là bỏ phiếu riêng biệt.
Chính phủ và quốc hội nên tách biệt các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp để ngăn những trường hợp đáng tiếc xảy ra trong tương lai, Viryan nói.
Phương Vũ (Theo AFP, Kyodo)