Ngày 10/3, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố các binh sĩ đặc nhiệm thuộc lực lượng tấn công mục tiêu tầm xa (ETF) đã bắt được Souleimane Daoud al-Bakkar, còn gọi là Abou Daoud, chuyên gia vũ khí hóa học của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) trong một cuộc đột kích tại miền bắc Iraq hồi tháng hai.
Chiến công này một lần nữa khẳng định hiệu quả của phương pháp chống khủng bố đặc biệt được Tổng thống Obama áp dụng, đó là kết hợp nhuần nhuyễn giữa tình báo và các lực lượng đặc nhiệm, theo Le Monde.
Jaques Follorou, bình luận viên quốc phòng của Le Monde, nhận định vụ bắt giữ này không những làm giảm đáng kể khả năng chế tạo vũ khí hóa học của IS, mà còn giúp Mỹ thu thập được nhiều thông tin quan trọng để tiến hành các vụ không kích tiếp theo một cách hiệu quả.
Từ đợt tăng cường quân số đầu tiên cho chiến lược bình ổn Iraq năm 2006 đến các chiến dịch chống lại IS, quân đội Mỹ đều áp dụng một phương thức hành động giống nhau, đó là sử dụng cùng lúc hai lực lượng tình báo và đặc nhiệm.
Từ giữa năm 2015, các đội đặc nhiệm tinh nhuệ Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc đột kích chớp nhoáng vào sâu trong lãnh thổ do phiến quân kiểm soát, bắt giữ và tiêu diệt nhiều chỉ huy cao cấp. Chiến thuật này đã tỏ ra vô cùng hiệu quả, bởi các điều tra viên có thể khai thác nhanh nhất các thông tin tình báo từ lời khai của những kẻ bị bắt để tiếp tục tiến hành các chiến dịch bắt giữ tiếp theo.
Trong một cuộc đột kích như vậy trên lãnh thổ Syria hồi năm ngoái, đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt Abou Sayyaf, kẻ phụ trách tài chính cao nhất của IS. Trong vụ đột kích, các binh sỹ Mỹ đã thu được nhiều dữ liệu máy tính quan trọng, có thể được khai thác để phục vụ cho các chiến dịch chống lại tổ chức này.
Tại diễn đàn an ninh quốc tế Halifax hồi cuối tháng 11/2015, tướng John Allen, người từng đứng đầu lực lượng liên quân quốc tế chống IS đã nhấn mạnh vai trò của chiến lược này trong cuộc chiến chống IS.
"Để đẩy lùi IS, cần phải thu hẹp thời gian giữa thu thập thông tin tình báo và sử dụng thông tin đó vào chiến đấu", ông Allen khẳng định.
Đêm 8/3, một số lực lượng đặc nhiệm khác của Mỹ đã tiến hành cuộc đột kích bằng trực thăng nhằm vào các phần tử Hồi giáo cực đoan thuộc tổ chức Al-Chabab tại thành phố Awdhegele, Somalia. Vụ tấn công này diễn ra sau khi Mỹ không kích vào một cơ sở của tổ chức khủng bố al-Qaeda.
Nhiều vụ tấn công tương tự cũng diễn ra ở Libya và Yemen mà không gây bất kỳ thiệt hại nào cho dân thường, bởi lực lượng đặc nhiệm nắm được thông tin tình báo khá cụ thể về vị trí bố trí của các phần tử khủng bố và tiến hành đột kích nhanh chóng, chính xác.
Trước đó, chiến lược kết hợp giữa tình báo và lực lượng đặc nhiệm đã từng được quân đội Mỹ sử dụng trên quy mô lớn để chống lại phiến quân Taliban ở Afghanistan. Theo số liệu của Le Monde, các binh sĩ đặc nhiệm Mỹ hoạt động ở Afghanistan đã tiến hành hàng trăm chiến dịch đột kích mỗi tuần để tiêu diệt các mục tiêu có giá trị của Taliban.
Sau khi NATO rút quân vào cuối năm 2014, Washington vẫn để lại một đơn vị đặc nhiệm nhiều kinh nghiệm tại Afghanistan. Điều đó cho thấy Tổng thống Obama thực sự coi trọng lực lượng này và xem đây là lựa chọn hàng đầu trong bất kỳ chiến dịch quân sự nào ở nước ngoài.
"Dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ có một học quy tắc 'bất thành văn', đó là trao cho lực lượng đặc nhiệm vai trò trung tâm cả trong tác chiến lẫn giải quyết các điểm nóng trên thế giới để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, dù các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc vẫn gây áp lực để phái lực lượng chiến đấu thông thường tới Iraq hay Afghanistan", ông Camille Grand, giám đốc quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) của Pháp, nhận định.
Đặc nhiệm Delta Mỹ đột kích vào một căn cứ của IS ở Iraq tháng 10/2015:
Nguyễn Hoàng