Hiện nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá nằm trong số các lực lượng mạnh nhất tại khu vực Trung Cận Đông. Đến đầu năm 2015, quân số của các lực lượng vũ trang nước này (không tính lực lượng dự bị) vào khoảng 410.000 binh sĩ, trong đó có khoảng 45.000 người được triển khai ở nước ngoài, đông thứ hai trong NATO (sau Mỹ), và đứng hàng 6 trên thế giới, theo Les cles Du Moyent-Orient.
Về cơ cấu tổ chức, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm 5 lực lượng là lục quân, không quân, hải quân, hiến binh và lực lượng phòng thủ bờ biển. Tuy nhiên, sức mạnh tác chiến của Ankara nằm ở ba lực lượng chính là hải, lục, không quân vốn được ưu tiên hiện đại hóa trong nhiều năm qua.
Lục quân
Lục quân là lực lượng có quân số đông nhất trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (chiếm khoảng 80% quân số). Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ gồm 2 tập đoàn quân dã chiến, 9 quân đoàn (trong 9 quân đoàn này có 7 quân đoàn trực thuộc các tập đoàn quân lục quân) và 3 bộ tư lệnh (Bộ tư lệnh huấn luyện, Bộ tư lệnh không quân lục quân và Bộ tư lệnh hậu cần), với quân số khoảng 280.000- 300.000 người.
Sức mạnh tấn công chính của lục quân Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở lực lượng tăng thiết giáp, gồm gần 3.000 xe tăng, trong đó có hơn 1.200 tăng M48 của Mỹ đã tương đối lạc hậu, 339 tăng Leopard 2A4, 329 tăng Leopard 1 của Đức và hơn 1.000 xe tăng M60 của Mỹ với nhiều biến thể.
Bên cạnh đó, lục quân Thổ Nhĩ Kỳ còn có hơn 4.500 xe bọc thép bánh xích và bánh lốp bao gồm các mẫu M113, M59 của Mỹ và một số mẫu nước này tự sản xuất.
Về các loại vũ khí khác, lục quân Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng NATO thứ hai (sau Bulgaria) sở hữu tên lửa chiến dịch - chiến thuật. Đó là 72 tổ hợp ATACMS do Mỹ sản xuất và không ít hơn 100 tên lửa chiến dịch - chiến thuật J-600T tự sản xuất (sao chép B-611 của Trung Quốc). Các tên lửa khác gồm 1900 quả Stinger, Igla, Red-eye.
Ngoài ra, lục quân Thổ Nhĩ Kỳ còn sở hữu 1.200 hệ thống pháo tự hành và 1.900 hệ thống pháo kéo, gần 10.000 súng cối, 12 hệ thống pháo phản lực phóng loạt MLRS, 80 hệ thống T-300 (WS-1 302 ly của Trung Quốc), 130 T-122, hơn 100 hệ thống T-197 (Type 63 cũ của Trung Quốc, 107 ly) và 24 hệ thống phản lực phóng loạt xe kéo RA7040 do Thổ Nhĩ Kỳ tự sản xuất.
Không quân
Lực lượng tác chiến chủ yếu của không quân Thổ Nhĩ Kỳ là 168 tiêm kích đa năng F-16C và 40 máy bay huấn luyện F-16D. Ngoài ra, trong trang bị của không quân còn có gần 40 tiêm kích NF-5 do Canada sản xuất, 180 máy bay huấn luyện, 7 máy bay tiếp dầu KC-135R, 2 máy bay radar cảnh báo sớm Boeing -737 và 95 máy bay vận tải.
Lực lượng phòng không mặt đất có các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung MIM-14 Nike-Hercules (72 đơn vị phóng), 48 hệ thống tên lửa phòng không tầm trung "Hawk-21" do Mỹ sản xuất, 84 tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần "Rapier" mua của Anh.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ rất chú trọng đến việc hiện đại hóa không quân bằng các kế hoạch thay thế các máy bay chiến đấu cũ. Nước này có khả năng ký hợp đồng mua máy bay tiêm kích thế hệ 5 F- 35A của Mỹ để thay thế toàn bộ tiêm kích NF-5 và F-16. 2 chiếc F-35A đầu tiên sẽ được đưa vào trang bị của không quân Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2018.
Hải quân
Về tổ chức, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ có 4 bộ tư lệnh gồm: Bộ tư lệnh hải quân các khu vực biển phía Bắc (Biển Đen), Bộ tư lệnh hải quân các khu vực biển phía Nam (Biển Địa Trung Hải), Bộ tư lệnh hạm đội và Bộ tư lệnh huấn luyện.
Lực lượng tấn công chủ yếu của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ gồm 16 tàu khu trục và 8 tàu hộ tống. Trong số 16 tàu khu trục có có 8 tàu lớp Oliver Hazard Perry do Mỹ chuyển giao, 4 chiếc lớp Yavuz và 4 chiếc thuộc lớp Barbaross.
Lực lượng tàu ngầm gồm có 14 chiếc do Đức sản xuất, trong đó có 8 chiếc hiện đại thuộc dự án 209/1400 Preveza và 6 chiếc dự án 209/1200 Atylai. Đây là những kiểu tàu ngầm được xuất khẩu nhiều nhất trên thế giới, hiện có trong trang bị của hải quân 13 nước.
Trong biên chế của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ còn có một lữ đoàn lính thủy đánh bộ -đặc nhiệm gồm đội SAS số 5 (người nhái chống biệt kích) và đội SAT số 9 (người nhái tác chiến - biệt kích).
Ngoài ra, không quân của hải quân có 10 máy bay tuần tiễu do Tây Ban Nha sản xuất CN-235М, 24 máy bay chống ngầm S-70B, 29 máy bay lên thẳng đa năng và 9 máy bay vận tải.
Ngày 15/7, một nhóm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã điều xe tăng, xe bọc thép, trực thăng vũ trang chiếm giữ các vị trí chiến lược ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul nhằm thực hiện cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Tuy nhiên, cuộc đảo chính đã bị đập tan khi vấp phải sự phản đối của các tướng lĩnh quân đội khác cùng đông đảo người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Xem thêm: 4 lần đảo chính thành công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguyễn Hoàng