Hải quân Mỹ đang phải đương đầu với rất nhiều mối đe dọa và nguy cơ cần ngăn chặn, từ sự trỗi dậy về quân sự mạnh mẽ của các đối thủ cho đến sự lộng hành của những kẻ buôn lậu. Trong bối cảnh ấy, Cơ quan Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Cao cấp Mỹ (DARPA) đã giới thiệu một loại vũ khí mới để đối phó với những mối nguy hiểm tiềm tàng: tàu săn ngầm, chống ngư lôi không người lái mang tên Thợ săn Biển, theo Washington Post.
Con tàu ba thân dài gần 40 m được các quan chức quốc phòng Mỹ làm lễ rửa tội hôm 7/4 tại cảng Portland, bang Oregon. Với hình dáng khá đặc biệt, Thợ săn Biển là kết quả của chương trình phát triển liên tục Tàu Không người lái Tác chiến Chống ngầm (ACTUV). Con tàu sẽ bước vào quá trình thử nghiệm trong mùa hè này tại vùng biển ngoài khơi thành phố San Diego, bang California. Nếu thuận lợi, nó sẽ gia nhập lực lượng hải quân Mỹ để thực hiện các sứ mệnh quan trọng trên biển vào năm 2018.
Thợ săn Biển do Leidos, công ty chuyên về quốc phòng và cơ khí, trụ sở ở Reston, bang Virginia, chế tạo. Nét đặc biệt của tàu nằm ở tính độc lập. Chuyên gia kỳ vọng nó sẽ có thể tự mình di chuyển hàng nghìn km ngoài đại dương, thực hiện các nhiệm vụ dài hơi, từ hai đến ba tháng, mà không cần phải tương tác quá nhiều với con người.
Giới chức quốc phòng Mỹ tiết lộ Thợ săn Biển có khả năng tránh va chạm với tàu khác thông qua hệ thống phần mềm và phần cứng tiên tiến tự thiết lập cơ chế "cảnh giới". Thợ săn Biển sử dụng radar và một chương trình giám sát tàu biển quốc tế mang tên Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) để xác định vị trí và né các tàu khác.
Ngoài ra, cũng giống như những phương tiện không người lái khác mà Lầu Năm Góc đang sở hữu, các sĩ quan hải quân cũng có thể điều khiển Thợ săn Biển từ xa. Với thiết kế cơ động và tính tùy biến cao, con tàu một ngày nào đó sẽ được triển khai trong hạm đội, giúp Mỹ củng cố đáng kể an ninh hàng hải với mức chi phí tiết kiệm.
Bởi Thợ săn Biển là tàu không người lái nên các chuyên gia chế tạo đã đưa ra một số lựa chọn mới nhằm tối ưu hóa hiệu suất hoạt động. Vì không chở người nên không gian bên trong tàu tương đối hẹp, chỉ vừa đủ để đội ngũ bảo trì làm việc. Tuy nhiên, cũng nhờ thế mà người ta không cần lo lắng về việc xây dựng những hệ thống hỗ trợ hạm đội hay tiện nghi trên tàu cho thủy thủ đoàn.
Giới phân tích đánh giá vai trò của những tàu không người lái như Thợ săn Biển sẽ ngày càng trở nên quan trọng, giúp Mỹ cạnh tranh với các vũ khí hiện đại tương tự từ Nga hay Trung Quốc.
Trí thông minh nhân tạo của tàu sẽ hoạt động liên tục bất kể ngày đêm để điều khiến, đưa tàu di chuyển an toàn trên ngay cả những tuyến đường biển đông đúc nhất.
Đây không phải là phương tiện công nghệ cao duy nhất của quân đội Mỹ đặt trí tuệ nhân tạo vào ghế chỉ huy. DARPA đang lên kế hoạch chế tạo một cỗ máy có khả năng tự quyết định hành động đối với các trận chiến không gian hay một chương trình có thể tự động giải mã những thông điệp mã hóa của đối phương khi thực hiện các nhiệm vụ bay trinh sát.
Hiện tại, Thợ săn Biển chưa có vũ khí nhưng trong tương lai nếu nó được vũ trang thì chắc chắn những quyết định liên quan đến tính mạng con người vẫn sẽ do các sĩ quan quân đội đưa ra, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work cho hay.
Con tàu có giá khoảng 20 triệu USD, chi phí duy trì hoạt động từ 15.000 USD đến 20.000 USD một ngày.
"Không có lý do gì để lo lắng về một con tàu như thế này", Reuters dẫn lời ông Work nói trong lễ rửa tội cho Thợ săn Biển.
Video: Tàu chống ngầm không người lái Thợ săn Biển trong một cuộc thử nghiệm
Vũ Hoàng