Ngày 4/5, các quan chức Lầu Năm Góc xác nhận một lính đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ đã bị sát hại trong một "cuộc tấn công phối hợp phức tạp" của khoảng 100 phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại địa điểm cách thành phố Mosul của Iraq gần 30 km, theo CNN.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết trong vụ tấn công này, IS đã áp dụng chiến thuật thọc sâu khiến lực lượng tinh nhuệ của Mỹ bị đặt vào thế bất ngờ. Từ sáng sớm, phiến quân đã sử dụng nhiều xe bán tải cơ động nhanh, xe đánh bom tự sát và cả xe ủi để đột phá qua phòng tuyến của dân quân người Kurd (Peshmerga) rồi tiến sâu vào khu vực do lực lượng này kiểm soát.
Video xe thiết giáp gài bom của IS trúng tên lửa ở Iraq
Trung tá Manav Dosky thuộc lực lượng tình báo người Kurd ở Iraq cho biết ít nhất ba dân quân người Kurd đã thiệt mạng khi chốt của họ bị những chiếc xe thiết giáp Humvee của IS tràn qua.
Tại thị trấn Telskof cách phòng tuyến đó 3-5 km, một đội đặc nhiệm SEAL vừa mới ghé qua và sẽ hiện diện ở đây trong một thời gian ngắn để đóng vai trò là các cố vấn quân sự cho Peshmerga. Khi những chiếc xe chở phiến quân IS ào ạt tràn tới, một trận đấu súng giữa phiến quân và đặc nhiệm Mỹ nổ ra, khiến một đặc nhiệm SEAL thiệt mạng vì "trúng hỏa lực trực tiếp".
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết đặc nhiệm SEAL này bị trúng đạn của súng trường bộ binh, chứng tỏ phiến quân IS đã áp sát vị trí của nhóm cố vấn Mỹ chỉ vài chục đến vài trăm mét.
Báo chí Mỹ cho biết người lính thiệt mạng trong trận chiến này là Charlie Keating IV, 31 tuổi, đến từ bang Arizona. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook xác nhận đặc nhiệm này đang làm cố vấn cho Peshmerga chiến đấu chống lại IS.
Quân đội Mỹ đã trả đũa bằng cách điều các chiến đấu cơ F-15 và máy bay không người lái, ném hơn 20 quả bom xuống các mục tiêu IS, một quan chức Mỹ cho hay.
Thọc sâu bằng xe đánh bom tự sát, xe thiết giáp cải tiến là một chiến thuật ưa thích của phiến quân IS và từng gây kinh hoàng cho quân đội Iraq cũng như Peshmerga. Quân đội Iraq đã từng yêu cầu Mỹ chi viện thật nhiều tên lửa chống tăng để tiêu diệt những chiếc xe Humvee chất đầy bom của IS đang lao tới phòng tuyến, bởi những loại hỏa lực thông thường không thể hạ được những quả bom di động khổng lồ này.
IS thường dùng xe bom tự sát để phá hủy các chướng ngại vật và thổi bay các cứ điểm đầu cầu của đối phương, sau đó sử dụng bộ binh để tấn công các mục tiêu xung quanh. Đây có vẻ như là lần đầu tiên phiến quân áp dụng chiến thuật này để tạo một lối mở nhằm nhanh chóng tiến thẳng đến vị trí của lực lượng quân sự Mỹ và tấn công bất ngờ.
Keating là lính Mỹ thứ ba thiệt mạng khi tham gia cuộc chiến chống phiến quân IS ở Iraq từ năm 2014 đến nay. Hai binh sĩ thiệt mạng trước đó là thượng sĩ Louis F. Cardin và thượng sĩ Joshua Wheeler.
Thách thức ngày càng lớn
Vụ tấn công dẫn đến cái chết của đặc nhiệm Keating diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường vai trò của mình trong cuộc chiến chống lại IS, khi quân đội Iraq ngày càng tỏ ra yếu thế cả về phương diện chính trị lẫn quân sự trước phiến quân.
Gần hai năm qua, Lầu Năm Góc đã không ngừng dồn tiền của, trang bị và cả lực lượng đặc nhiệm tới Iraq để giúp đỡ quân đội và dân quân người Kurd ở nước này có thể có đủ khả năng chiến đấu chống lại IS trên chiến trường.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho rằng với việc điều thêm nhiều đặc nhiệm Mỹ tới Iraq làm cố vấn, cơ hội thành công của quân đội nước này trong cuộc chiến chống IS càng cao hơn. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những rủi ro và thách thức ngày càng lớn hơn đối với các lực lượng Mỹ, theo Washington Post.
Các cố vấn quân sự Mỹ đang đứng trước thách thức lớn hơn bao giờ hết trên chiến trường Iraq. Quân đội Iraq sau khi được họ trang bị và huấn luyện đã giành được những thắng lợi quan trọng trên chiến trường trong những tháng gần đây, trong đó có chiến dịch tái chiếm thành công thành phố Ramadi và nhiều thị trấn khác từ tay IS ở tỉnh Anbar. Tuy nhiên, những mâu thuẫn chính trị ở Baghdad do sự ganh đua bè phái đang đe dọa làm chệch hướng nỗ lực của họ.
Hồi tháng trước, quân đội Iraq tập trung lực lượng, tuyên bố mở chiến dịch bao vây và tấn công sào huyệt Mosul của IS ở nước này. Nhưng chiến dịch vừa bắt đầu, nhiều binh sĩ Iraq đã tháo chạy tán loạn khi bị IS phản công. Các quan chức ở Baghdad tuyên bố rút quân để "bảo toàn lực lượng" và chuẩn bị cho cuộc tấn công tiếp theo, dù họ không nói rõ nó sẽ diễn ra vào lúc nào.
Hôm thứ hai, Bộ trưởng Quốc phòng Carter nói rằng Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Iraq bằng cách triển khai thêm cố vấn quân sự tới các lữ đoàn, tiểu đoàn tại tiền tuyến chống IS. Điều đó đồng nghĩa với việc lính Mỹ sẽ ở gần làn hỏa lực hơn, nguy cơ họ bị tấn công cao hơn, bất chấp chính sách "không triển khai bộ binh tới Iraq và Syria" của Nhà Trắng.
Theo giới phân tích, nguy cơ này sẽ gia tăng nếu Mỹ triển khai trực thăng tấn công Apache tới chiến trường theo như kế hoạch để yểm trợ quân đội Iraq tấn công Mosul trong những tháng tới. Quân đội Mỹ cũng cam kết gửi thêm pháo di dộng tới Iraq và viện trợ tới 415 triệu USD cho các lực lượng người Kurd ở miền bắc.
Tổng thống Obama mới đây cũng đã phê chuẩn việc tăng quân số triển khai tới Iraq để đóng vai trò cố vấn và hỗ trợ các lực lượng an ninh nước này. Hồi tuần trước, số cố vấn này đã tăng từ 3.870 lên 4.087 người.
"Các cố vấn Mỹ sẽ vẫn tiếp tục ở sau tiền tuyến, nhưng những thách thức và nguy cơ với họ sẽ tăng lên đáng kể khi quân đội Iraq và dân quân người Kurd tiến sâu vào lãnh thổ do IS kiểm soát", quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ nhấn mạnh.
Xem thêm: Đặc nhiệm Mỹ - mũi giáo thọc vào tim IS
Trí Dũng