Những năm cuối Thế chiến II, với hy vọng xoay chuyển cục diện chiến trường, phát xít Đức chế tạo ra một loạt vũ khí mới, trong đó có Messerschmitt Me-163 Komet, chiếc tiêm kích đánh chặn động cơ phản lực không có cánh đuôi đầu tiên và duy nhất được biên chế trên thế giới, theo Air And Space.
Áp dụng công nghệ tên lửa đẩy của tiến sĩ Alexander Lippisch, công ty Messerschmitt chế tạo nguyên mẫu Me-163 đầu tiên vào năm 1941. Các cuộc thử nghiệm cho thấy tiêm kích Me-163 bay siêu nhanh, đạt vận tốc gần 1000 km/h.
Đến tháng 8/1943, Đức thành lập một đơn vị thử nghiệm có tên gọi Ekdo 16 gồm 4 phi công để vận hành những chiếc tiêm kích phiên bản Me-163B. Đây là loại tiêm kích một người lái, sải cánh hơn 9 m, dài gần 6 m, trang bị động cơ phản lực Walter HWK 109-509A, trọng tải cất cánh 4310 kg, tốc độ tối đa 955 km/h. Vũ khí chính của tiêm kích này là hai pháo Mk 108 30 mm dùng để đánh chặn.
Tuy nhiên, tiêm kích này lại gặp phải một số trục trặc như hai động cơ phản lực không ổn định và dễ bị ăn mòn trong quá trình đốt nhiên liệu. Nhiên liệu sử dụng cho động cơ phản lực có tính ăn mòn cao và rất dễ phát nổ, khiến Đức mất một số máy bay trong giai đoạn thử nghiệm. Các phi công Đức phải mặc đồ bảo hộ bằng vật liệu chống ăn mòn bởi nhiên liệu động cơ có thể thấm vào khoang lái qua các mối hàn khung máy bay. Chiếc tiêm kích có lúc bỗng nhiên phát nổ khi đang đỗ trên mặt đất.
Tháng 7/1944, Đức quyết định sản xuất đại trà để xây dựng các phi đội tiêm kích Me-163B nhằm đánh chặn oanh tạc cơ phe Đồng minh. Tổng cộng 279 chiếc Me-163 đã được bàn giao đến giai đoạn cuối chiến tranh.
Ngày 16/8/1944, phi đội Me-163 Komet lần đầu xuất kích đánh chặn oanh tạc cơ phe Đồng minh nhưng không thành công. Dù được trang bị hai khẩu pháo Mk-108 đầy uy lực, đủ sức bắn hạ một oanh tạc cơ sau 4 phát đạn, phi công Me-163 gần như không thể ngắm được mục tiêu vì chiếc tiêm kích lao đi quá nhanh, trong khi tốc độ khai hỏa của pháo chậm và tầm bắn ngắn.
Dù có thể đạt trần bay hơn 12.000 m chỉ sau ba phút rưỡi, tiêm kích Me-163 chỉ đủ nhiên liệu bay trong 8 phút. Sau một đến hai lần tấn công, các phi công phải lượn về căn cứ mà không có cách nào thoát được tiêm kích hộ tống của phe Đồng minh.
Đức sau đó lắp thêm các vũ khí phụ gồm pháo 50 mm khai hỏa theo phương thẳng đứng điều khiển bằng quang điện tử để có thể bắn vào mục tiêu mỗi khi tiêm kích Me-163 bay vụt qua oanh tạc cơ địch, nhưng pháo này không được sản xuất với số lượng lớn.
Tầm hoạt động ngắn, chỉ trong phạm vi 40 km, khiến Me-163 chỉ có thể đợi kẻ thù tấn công thay vì xuất kích tìm diệt mục tiêu. Hậu quả là Đức Quốc xã mất tới 14 tiêm kích Me-163, trong khi chỉ bắn hạ được 9 oanh tạc cơ phe Đồng minh.
Cũng giống như các vũ khí khác được phát xít Đức đưa vào biên chế giai đoạn cuối Thế chiến II, Me-163 gần như không thể xoay chuyển cục diện chiến trường, tuy nhiên nó có thể được coi như một thành tựu công nghệ quan trọng trong lịch sử, các chuyên gia của trang AirAndSpace nhận định.
Xem thêm: Siêu pháo V3 - vũ khí phục hận của phát xít Đức
Duy Sơn