Bên cạnh những cường kích tiền tuyến như Su-24 và Su-34, không quân Nga cũng triển khai biến thể mới nhất của cường kích yểm trợ mặt đất Su-25 tới tham chiến tại Syria. Mang tên gọi Su-25SM3, phiên bản này có nhiệm vụ thử nghiệm những tính năng hiện đại trong điều kiện chiến đấu thực tế, trước khi Nga nâng cấp phi đội 200 chiếc Su-25 trong biên chế, theo RBTH.
Cường kích Su-25SM3 có kích thước nhỏ gọn và chi phí vận hành rẻ, cho phép không quân Nga triển khai nhiều chuyến xuất kích mỗi ngày, thay vì chỉ một hoặc hai chuyến như cường kích Su-34. "Một phi đội cường kích nhỏ thường có hiệu quả cao hơn những phi cơ mang hàng tấn bom, nhất là khi tấn công những tên khủng bố lẩn trốn trong hầm ngầm", chuyên gia quân sự Dmitry Litovkin nhận định.
Mẫu Su-25SM3 được tích hợp nhiều thiết bị cảm biến và cơ chế phòng thủ nâng cao, giúp chiếc cường kích mang biệt danh "xe tăng bay" này có thể phô diễn sức mạnh trong chiến trường hiện đại. Không quân Nga quyết định lắp đặt hệ thống ngắm bắn SVP-24, từng được thử nghiệm và trang bị cho cường kích tiền tuyến Su-24M2 tại Syria, cho mẫu cường kích này.
SVP-24 liên tục tính toán khoảng cách giữa máy bay và mục tiêu nhờ sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS, đo các thông số môi trường như áp suất, độ ẩm, tốc độ gió và nhận thêm thông tin bổ sung từ máy bay cảnh báo sớm, sở chỉ huy và các phi cơ khác. Phi công chỉ cần điều khiển máy bay theo các tham số do SVP-24 đưa ra, các quả bom không có hệ thống dẫn đường sẽ được tự động thả đúng thời điểm để đánh trúng mục tiêu với sai số chưa tới 5 mét.
Ngoài SVP-24, biến thể Su-25SM3 còn được lắp hệ thống định vị và ngắm bắn quang - điện tử SOLT-25, cho phép nó tác chiến cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện thời tiết. "Tổ hợp SOLT-25 gồm thiết bị ngắm quang - điện tử, camera ảnh nhiệt và bộ đo xa laser. Nó có thể tìm kiếm và bám bắt nhiều mục tiêu như bộ binh, tăng thiết giáp và lô cốt, bất chấp sương mù và mưa lớn", giáo sư Vadim Kozulin tại Học viện Khoa học Quân sự Nga cho biết.
Ngoài tăng cường khả năng tấn công chính xác, một điểm quan trọng ở gói nâng cấp SM-3 là tổ hợp phòng thủ điện tử Vitbsk do Viện nghiên cứu Samara phát triển. Vitbsk gồm một radar cảnh báo sớm, cụm cảm biến tử ngoại để phát hiện tên lửa tiếp cận (MAWS) và một thiết bị gây nhiễu mạnh.
Tổ hợp phòng thủ này không chỉ gây nhiễu radar mà còn có hệ thống làm mù tên lửa hồng ngoại. Vitbsk được thiết kế để bảo vệ cường kích Su-25SM3 khỏi nhiều mối đe dọa trên chiến trường, từ tên lửa vác vai FIM-92 Stinger cho đến tên lửa Patriot PAC-3 hiện đại.
Vitbsk cũng có thể tự động nhận diện và định vị chính xác các radar đang hướng vào máy bay. Dữ liệu cảnh báo sẽ được nạp vào máy tính và chuyển thành tham số mục tiêu, giúp cường kích Su-25SM3 tấn công bằng tên lửa diệt radar như Kh-25MPU và Kh-58, hoặc chuyển dữ liệu cho các máy bay chế áp hệ thống phòng không đối phương.
Các máy bay Su-25SM3 cũng sẽ được lắp bộ cảnh báo chiếu xạ radar và trinh sát điện tử L-15-16M. Nó không chỉ thu nhận tín hiệu từ radar mặt đất mà còn đủ sức phát hiện tín hiệu radar từ máy bay đối phương, cho phép Su-25SM3 cung cấp tham số cho tên lửa dùng đầu dò thụ động như R-27P/EP.
Sau giai đoạn thử nghiệm thực tế tại Syria, không quân Nga sẽ bắt đầu quá trình nâng cấp hàng loạt cường kích Su-25 đời cũ. Bộ Quốc phòng Nga dự kiến đưa vào biên chế 10 chiếc Su-25SM3 đầu tiên vào cuối năm nay.
Tử Quỳnh