Hiểm họa từ các vũ khí lạc hậu
Đối với chỉ huy tàu sân bay, vũ khí đáng sợ nhất là ngư lôi được phóng ra từ tàu ngầm đối phương, thứ vũ khí đã tồn tại hàng chục năm nay. Hầu hết ngư lôi hiện đại không nhắm thẳng vào thân tàu, chúng được lập trình để nổ ngay bên dưới, tạo khối bọt khí hất tàu văng khỏi mặt nước và rơi xuống, làm vỏ tàu suy yếu và có thể gãy đôi.
Trong nhiều thập kỷ, giới phê bình đã chỉ trích hải quân Mỹ không phát triển lớp phòng thủ hiệu quả nhằm đối phó ngư lôi hiện đại. Một báo cáo năm 2016 của Phòng Đánh giá và Thử nghiệm Vận hành thuộc Lầu Năm Góc cho biết hải quân Mỹ đã có các bước tiến quan trọng, nhưng hệ thống này vẫn còn nhiều hạn chế lớn.
Giới chuyên gia cũng cho rằng tàu sân bay sẽ gặp nguy hiểm trước phiên bản nâng cấp của loại tàu chiến cũ nhất đang được sử dụng là tàu ngầm diesel điện, phương tiện được sử dụng trong cả hai cuộc thế chiến.
Tàu ngầm diesel điện có ưu điểm là kích cỡ nhỏ, sử dụng năng lượng điện, chạy êm, khó phát hiện và giá rẻ hơn các tàu ngầm hạt nhân. Đồng minh và đối thủ của Mỹ đã đóng nhiều tàu ngầm loại này với hơn 230 chiếc đang được biên chế, trong đó Trung Quốc có 83 chiếc và Nga sở hữu 19 tàu.
"Chúng ta đã chi hàng tỷ USD để đóng tàu sân bay thiên về phòng thủ, hy sinh khả năng tấn công của hạm đội. Chúng ta chi rất nhiều tiền phòng thủ một con tàu chỉ để triển khai 44 chiến đấu cơ trên biển", chuyên gia Hendrix nhấn mạnh.
Duy Sơn