Tháng 5/1941, phát xít Đức sử dụng lực lượng đổ bộ đường không mang theo các vũ khí hạng nhẹ như súng lục P08, P38 và tiểu liên MP-38, MP-40 tấn công đảo Crete của Hy Lạp, trong khi các vũ khí mạnh hơn như súng máy MG34 được cho vào thùng thả riêng.
Trong trận đánh này, rất nhiều lính dù Đức rơi xuống ở vị trí cách xa những thùng súng máy khiến họ phải chiến đấu với vũ khí hạng nhẹ và chịu nhiều tổn thất.
Không quân Đức nhận thấy lính dù của họ cần một vũ khí nhỏ gọn, hội tụ các yếu tố như vừa là súng trường cá nhân vừa là súng máy chi viện hỏa lực nhẹ, có tốc độ khai hỏa nhanh như tiểu liên MP 38, MP 40, lại vừa có tầm bắn và độ chính xác như súng trường K98k và khả năng áp chế hỏa lực như súng máy MG34, để mang theo bên mình khi tiến hành đổ bộ đường không, và súng trường FG-42 ra đời, theo World.guns.ru.
Đầu năm 1942, hai công ty Rheimetall-Borsig và Krieghoff bắt đầu phát triển vũ khí theo yêu cầu trên. Vũ khí mới phải có chế độ bắn tùy chọn, sử dụng đạn tiêu chuẩn 7.92 x 57 mm của súng trường hạng nhẹ, kiểm soát được khi bắn liên thanh và có độ chính xác của súng trường bán tự động khi bắn phát một.
Cơ quan Trang bị Quân đội Đức tỏ ra miễn cưỡng về tính khả thi của dự án chế tạo súng trường phát huy mọi điểm mạnh và có chế độ bắn điều chỉnh được. Cũng trong thời gian này, quân đội Đức đề xuất sản xuất đạn cỡ trung 7.92x 33 Kurtz và súng carbine tự động Mkb.42 khả thi hơn, loại súng sau này phát triển thành súng trường tấn công uy lực Stg-44. Dù vậy, không quân Đức vẫn muốn tiếp tục phát triển vũ khí phát huy mọi uy lực này.
Giữa năm 1942, những nguyên mẫu đầu tiên của loại súng này được cả hai công ty đưa ra để thử nghiệm và mẫu Rheinmetall được chọn. Tuy nhiên, do công ty Rheinmetall lúc này đang bận bàn giao các vũ khí khác cho quân đội nên hợp đồng sản xuất rơi vào tay công ty Krieghoff.
Nguyên mẫu ban đầu FG 42-1 được sản xuất hạn chế với khoảng 2000 khẩu được chuyển cho không quân Đức. FG 42-1 sử dụng đạn 7,92x57 mm, tổng chiều dài 937 mm, nòng súng dài 508 mm với trọng lượng khi chưa nạp đạn là 4,38 kg. Súng có hộp tiếp đạn 10 hoặc 20 viên với tốc độ bắn 900 viên/ phút. Tuy vậy, khẩu FG 42-1 sớm lộ ra khuyết điểm là một khẩu súng hạng nhẹ thiếu sự chắc chắn cần thiết để bắn đạn súng trường uy lực ở chế độ liên thanh trong khi chi phí sản xuất lại đắt đỏ.
Bởi vậy, đầu năm 1944, các kỹ sư ở công ty Krieghoff đã cải tiến súng và cho ra mắt phiên bản FG 42-2. Phiên bản mới của súng vẫn sử dụng hộp tiếp đạn 10-20 viên đạn 7,92x 57 mm nhưng có một số điều chỉnh như tổng chiều dài tăng lên 1060 mm, nòng súng dài 525 mm, trọng lượng súng 5,05 kg với tốc độ bắn 600 viên/phút.
Dù có trọng lượng nặng hơn và dài hơn một chút, khẩu súng mới vẫn không thể phát huy hiệu quả khi bắn liên thanh dù được lắp thêm hai chân đế và vẫn quá tốn kém để sản xuất. Trước khi kết thúc chiến tranh, công ty Krieghoff và một số nhà máy nhỏ hơn đã sản xuất khoảng 5000 súng FG 42-2.
FG-42 là một khẩu súng trường có chế độ điều chỉnh hỏa lực, làm mát bằng không khí. Thoi đẩy khí dài nằm dưới nòng súng và vận hành búa đập quay nhờ hai tay kéo. Hệ thống trích khí của phiên bản FG 42-2 có một van điều chỉnh khí thuốc thủ công. Cò súng được thiết kế để có thể bắn phát một và liên thanh. Hộp tiếp đạn lắp theo chiều ngang từ bên trái. Vỏ đạn sẽ rơi sang bên phải. Súng còn được lắp thêm kính ngắm ZF-41.
Video cấu tạo và hỏa lực của khẩu súng trường FG-42
Năm 1944, do cả hai phiên bản đều không phát huy hiệu quả và giá thành đắt đỏ trong bối cảnh quân đội Đức đã có khẩu súng trường tấn công Stg-44 mới uy lực hơn và giá thành sản xuất lại rẻ hơn nên FG-42 không thể cạnh tranh nổi, bị dừng sản xuất và rơi vào quên lãng.
Súng FG-42 tuy khá thú vị nhưng rõ ràng là một thất bại của ngành phát triển vũ khí hạng nhẹ Đức. Tuy nhiên, nó vẫn được xem là thứ vũ khí có thiết kế đi trước thời đại khi Mỹ đã dựa vào thiết kế này để chế tạo ra khẩu súng máy M60 sau này.
Xem thêm: Stg-44 - loại súng uy lực từng bị Hitler hắt hủi
Duy Sơn