Lầu Năm Góc đề xuất khoản chi 773 triệu USD trong năm tài khóa 2017 để nâng cấp hạm đội tàu ngầm hạt nhân Mỹ. Tuy nhiên, Quốc hội nước này vẫn chưa duyệt chi ngân sách quốc phòng, đe dọa trực tiếp tới số phận các tàu ngầm chiến lược của Mỹ, Sputnik ngày 28/10 đưa tin.
Ưu tiên hàng đầu của Hải quân Mỹ là đại tu các tàu ngầm lớp Ohio, thành phần quan trọng trong bộ ba răn đe hạt nhân của Mỹ. Chương trình nâng cấp tàu ngầm đã liên tục bị trì hoãn, có thể gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Mỹ cho tới năm 2030.
Phó đô đốc Joseph Mulloy, tham mưu phó các chiến dịch hải quân Mỹ (OPNAV N8), cho biết đề xuất duyệt chi ngân sách sẽ hết hạn vào ngày 9/12. Nếu nó không được thông qua, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục phải trì hoãn việc kéo dài tuổi thọ cho tàu ngầm lớp Ohio. Hiện đại hóa vũ khí trang bị là yếu tố then chốt trong việc duy trì khả năng răn đe hạt nhân của Washington.
Kế hoạch hiện đại hóa không bổ sung tính năng kỹ chiến thuật mới cho vũ khí. Chương trình này chỉ bao gồm việc đại tu trang bị, bảo đảm các hệ thống không ngừng hoạt động cùng lúc do quá niên hạn.
Hải quân Mỹ cũng đang tìm mọi cách để cắt giảm chi phí, trong đó có khả năng sửa chữa ít tàu ngầm lớp Ohia hơn. Chuẩn đô đốc Micheal Jabaley, giám đốc chương trình hiện đại hóa, cho biết họ đang phát triển các thành phần mới cho tàu ngầm lớp Ohio. Chúng sẽ được sản xuất và sử dụng khi đề xuất chi ngân sách được thông qua.
Mỹ đang vận hành 18 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio, được đóng trong giai đoạn 1976-1997. Mỗi tàu ngầm có thể mang 24 tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân Trident II D5 với tầm bắn 11.300 km hoặc 154 tên lửa hành trình Tomahawk.
Xem thêm: Trung Quốc chế tạo UAV giống oanh tạc cơ Mỹ để tập bắn tên lửa