Trong bối cảnh Trung Quốc đang có những hành động mang tính phô diễn lực lượng quân sự trên Biển Đông như triển khai tên lửa, chiến đấu cơ J-11 xuống đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa hay điều trinh sát cơ Y-8X hạ cánh xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực tìm cách thay thế phi đội chiến đấu cơ già cỗi của mình bằng những thương vụ nhiều tỷ USD với các nhà sản xuất máy bay quân sự nước ngoài, theo Reuters.
Dù các nước Đông Nam Á không có ngân sách quốc phòng dồi dào, nhiều tập đoàn sản xuất vũ khí lớn trên thế giới cho hay họ đang bận rộn hơn bao giờ hết ở khu vực, và nhiều khả năng trong những tháng tới, những hợp đồng mua máy bay chiến đấu hàng tỷ USD sẽ được ký kết ở những quốc gia này.
Một hội nghị thương mại vừa diễn ra ở Kuala Lumpur hồi đầu tuần giữa các khách hàng tiềm năng với những nhà sản xuất vũ khí hàng đầu đến từ Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ. Hội nghị này được tổ chức thường niên trong suốt 5 năm qua, nhưng những người tham dự cho biết sự kiện lần này là sôi động nhất.
Điều khiến các tập đoàn vũ khí nước ngoài quan tâm nhất chính là kế hoạch thay thế đội máy bay tiêm kích Mig-29 của Nga có từ thập niên 1990 được không quân Malaysia đưa ra sau nhiều năm trì hoãn. Các nguồn tin quốc phòng cho hay Kuala Lumpur có thể mua tới 18 chiến đấu cơ mới để thay thế cho những chiếc Mig đã cũ kỹ, với tổng giá trị hợp đồng có thể lên tới hơn 2,5 tỷ USD.
Các sản phẩm tiềm năng được đưa ra chào hàng gồm có JAS 39 Gripen của Saab (Thụy Điển), Eurofighter Typhoon của châu Âu, Su-30 của Nga, và JF-17, một loại tiêm kích được hợp tác phát triển giữa Trung Quốc và Pakistan. Pháp cũng rất lạc quan về khả năng thắng thầu cung cấp tiêm kích Rafale do hãng Dassault sản xuất, trong khi các hãng khác cũng tràn trề hy vọng không kém.
"Chúng tôi hy vọng sẽ biến Malaysia trở thành quốc gia thứ 9 mua tiêm kích Typhoon", John Brosnan, trưởng chi nhánh châu Á của BAE System, một trong những đối tác tham gia sản xuất Typhoon, tuyên bố.
Theo Reuters, Việt Nam cũng có thể là một trong những khách hàng lớn trong thời gian tới đây. Hãng tin này dẫn các nguồn tin công nghiệp quốc phòng cho biết Việt Nam đã có những cuộc trao đổi sơ bộ với hãng Saab và Dassault để mua ít nhất 12 chiến đấu cơ Gripen hoặc Rafale.
Một số nguồn tin của hãng thông tấn này nói rằng Việt Nam cũng đang đàm phán với Nga về thương vụ mua tiêm kích tối tân Su-35. Tuy nhiên các quan chức tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga từ chối bình luận về bất cứ cuộc đàm phán nào.
Nỗi lo trên Biển Đông
Tuy không muốn bình luận công khai, nhiều quan chức các nước Đông Nam Á trong các cuộc trao đổi riêng với Reuters cho hay họ phải quan tâm đầu tư mua sắm chiến đấu cơ mới chủ yếu là do sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Hồi đầu tuần, truyền thông Trung Quốc đưa tin một "máy bay vận tải quân sự" Y-8 mang số hiệu 9271 đã đáp xuống đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng đường băng phi pháp.
Động thái này của Trung Quốc đã khiến dư luận quốc tế không khỏi lo ngại về khả năng Bắc Kinh sẽ tiếp tục triển khai các loại chiến đấu cơ xuống các đảo nhân tạo ở ngay cửa ngõ của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Giới quan sát cũng chỉ ra rằng chiếc Y-8 mang số hiệu 9271 thực chất là một máy bay trinh sát chuyên thực hiện chức năng tuần tra biển, thu thập tình báo và chống ngầm của quân đội Trung Quốc.
Bắc Kinh tuyên bố rằng họ cần có những loại vũ khí mới hơn, hiện đại hơn để "tự vệ" và tố ngược rằng chính Mỹ cùng các quốc gia khác mới đang quân sự hóa khu vực chứ không phải Trung Quốc.
Cuộc đua tranh vũ khí cũng chứng kiến những cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nhà sản xuất chiến đấu cơ hàng đầu. Trong thập niên 1980 và 1990, Mỹ gần như thống trị thị trường xuất khẩu máy bay chiến đấu đến các nước ở Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia.
Tuy nhiên, Thái Lan, nước đang sở hữu nhiều máy bay F-5 của hãng Northrop và F-16 của Lockheed Martin, mới đây đã mua chiến đấu cơ Gripen của Saab và có thể sẽ ký thêm hợp đồng với nhà sản xuất máy bay Thụy Điển, các nguồn thạo tin cho hay.
Các nguồn tin công nghiệp quốc phòng cũng tiết lộ rằng mặc dù hãng Boeing đã chào mời chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet rất nhiệt tình với Malaysia, nước đang sở hữu biến thể F-18 Hornet cũ hơn, nhưng có vẻ như Kuala Lumpur đang nghiêng về phía các nhà sản xuất của châu Âu.
Trong khi đó, Indonesia, quốc gia đang vận hành tiêm kích đa nhiệm F-16, lại sắp ký hợp đồng mua tiêm kích Su-35 của Nga để thay thế cho đội bay Su-30 của họ, các nguồn tin chính phủ nước này cho hay.
Bản thân Trung Quốc cũng giới thiệu ở hội nghị ở Malaysia loại chiến đấu cơ JF-17 do họ hợp tác sản xuất với Pakistan, được quảng bá như một giải pháp giá rẻ, tiết kiệm chi phí cho không quân các nước, trong đó có Malaysia và Myanmar.
"Căng thẳng gia tăng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương từ lâu đã được coi là nguồn cơn cho quá trình hiện đại hóa quân đội ở nhiều quốc gia trong khu vực", Craig Caffrey, chuyên gia phân tích cấp cao tại IHS Jane’s, nhận định. "Trung Quốc đã khơi mào cuộc đua này, nhiều nước ở Đông Nam Á và cả Nhật Bản đều đang đi theo, và không hề có dấu nào cho thấy xu hướng này sẽ chấm dứt".
Xem thêm: 'Quả tim lỗi' khiến tiêm kích Trung Quốc hụt hơi ở Biển Đông
Trí Dũng