"Thiên nga trắng" Tu-160 của Nga
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160
"Thiên nga trắng" Tu-160 là mẫu oanh tạc cơ chiến lược cuối cùng được Liên Xô thiết kế và chế tạo, cũng là biểu tượng cho sức mạnh răn đe hạt nhân của nước này. Biệt danh "Thiên nga trắng" bắt nguồn từ lớp sơn chống bức xạ bên ngoài và kiểu dáng thanh mảnh của nó.
Liên Xô bắt đầu thiết kế Tu-160 vào đầu những năm 1970, ngay trước khi Mỹ bắt đầu phát triển máy bay tàng hình B-2. Nguyên mẫu đầu tiên bay thử vào ngày 18/10/1981. Tới năm 1984, tổng cộng 19 chiếc Tu-160 được biên chế cho Trung đoàn ném bom hạng nặng 184 đóng quân tại Pryluky, Ukraine. Hiện Nga là nước duy nhất sở hữu Tu-160, sau khi đã nâng cấp hệ thống vũ khí và điện tử mới.
Tu-160 dựa vào sự kết hợp giữa tốc độ vượt trội và tên lửa hành trình tầm xa để hủy diệt đối phương. Được trang bị 4 động cơ tuabin Kuznetsov NK-32, "Thiên nga trắng" có thể đạt tốc độ hơn 2.500 km/h.
Loại máy bay này không dành cho các nhiệm vụ ném bom thông thường. Nó được coi là bệ phóng tên lửa hành trình với 12 quả Kh-101 có tầm bắn tối đa 2.500-5.500 km. Khả năng này cho phép Tu-160 tung đòn đánh từ ngoài tầm phòng thủ của mọi quốc gia, thậm chí không cần rời khỏi không phận Liên Xô.
Lựu pháo M1938
Pháo binh là một trong những lực lượng chủ lực của Liên Xô trong Thế chiến II. Các loại pháo kéo có ưu điểm rẻ tiền, dễ sản xuất và có ảnh hưởng lớn trên chiến trường. Chỉ riêng tại trận Stalingrad, Liên Xô đã triển khai 13.000 khẩu pháo các loại. Trong trận vành đai Kursk, hơn 25.000 khẩu pháo được Liên Xô huy động để ngăn chặn cuộc tấn công của Đức.
![]() |
Pháo M1938 là một trong các loại hỏa lực chính của Liên Xô. Ảnh: Wikipedia. |
Lựu pháo M1938 (M30) cỡ nòng 122 mm là loại pháo hạng nặng phổ biến nhất trong lục quân Liên Xô, đại diện cho pháo binh Liên Xô nói chung. M1938 có tầm bắn 11,8 km, tốc độ bắn 5-6 phát/phút. Trong Thế chiến II, mỗi sư đoàn bộ binh Liên Xô được biên chế tới 32 lựu pháo M1938, có thể chi viện hỏa lực tới 4 tấn đạn xuống mục tiêu trong vòng một phút.
Trong trường hợp khẩn cấp, pháo M1938 cũng có thể hạ nòng để bắn thẳng vào các xe tăng đã vượt qua phòng tuyến đầu tiên. Liên Xô đã chế tạo tổng cộng 19.266 lựu pháo M1938, chủ yếu là trong Thế chiến II.
Hòa Việt