Triều Tiên ngày 25/7 phóng hai tên lửa tầm ngắn từ thành phố Wonsan ở phía đông ra biển Nhật Bản. Tình báo Hàn Quốc cho biết đây cả hai tên lửa này đều có tầm bắn khoảng 600 km, đủ sức vươn tới mọi mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc, trong đó có Humphreys, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Á, nằm cách trung tâm thủ đô Seoul hơn 60 km về phía nam.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm nay tuyên bố vụ thử tên lửa là "lời cảnh cáo nghiêm túc với những kẻ hiếu chiến trong quân đội Hàn Quốc", ám chỉ cuộc diễn tập chung Dong Maeng sắp được Mỹ - Hàn tiến hành, cũng như nỗ lực của Seoul nhằm mua thêm tiêm kích tàng hình F-35A từ Washington.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vụ thử hai tên lửa của Triều Tiên, vốn diễn ra chưa đầy một tháng sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Khu Phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều, còn ẩn chứa nhiều thông điệp hơn thế. Đây dường như còn là cách để Bình Nhưỡng truyền thông điệp cảnh báo và gây sức ép tới Washington trong bất cứ nỗ lực đàm phán tương lai nào, chuyên gia nhận định.
Vụ phóng tên lửa diễn ra đúng lúc Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton có cuộc gặp với các quan chức Hàn Quốc để bàn về những biện pháp hợp tác nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
"Triều Tiên dường như cho rằng chính sách ngoại giao với Mỹ của họ không diễn ra theo cách họ mong muốn. Vì thế, họ phóng tên lửa để xoay chuyển tình hình theo hướng có lợi cho mình", Kim Dae-young, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc, nhận xét.
Ông Kim Jong-un dường như đã rất kỳ vọng rằng cuộc gặp tại DMZ hôm 30/6 sẽ tạo ra những chuyển biến có lợi, trong đó có khả năng Triều Tiên được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt vốn đang bóp nghẹt nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, chính quyền Trump vẫn khẳng định lệnh cấm vận sẽ không được dỡ bỏ chừng nào Bình Nhưỡng chưa chịu nhượng bộ trong tiến trình phi hạt nhân hóa, và Trump cũng khẳng định tiến trình này sẽ rất lâu dài.
Nhưng Kim Jong-un nhiều khả năng ngày càng mất kiên nhẫn, trong bối cảnh Triều Tiên có nguy cơ hứng chịu nạn đói nghiêm trọng do hạn hán kéo dài. Báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi tháng 5 cho biết Triều Tiên đang chịu cảnh thiếu lương thực trầm trọng và 10 triệu người dân có nguy cơ bị thiếu đói.
Sức ép từ những khó khăn về kinh tế buộc ông Kim phải tìm kiếm sự thay đổi tình hình. Tuần trước, Bình Nhưỡng đe dọa sẽ tái khởi động những cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa và hạt nhân, vốn đã bị đóng băng suốt 20 tháng qua, nhằm đáp trả hoạt động diễn tập chung của Mỹ - Hàn.
Hôm 23/7, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin ông Kim đã tới thị sát một tàu ngầm mới chế tạo và ra lệnh cho các quan chức tiếp tục tăng cường năng lực quân sự của quốc gia. Sau khi phân tích các bức ảnh tàu ngầm do Triều Tiên công bố, giới chuyên gia suy đoán nó có thể sở hữu từ ba ống phóng tên lửa trở lên.
Theo dữ liệu từ chính phủ Hàn Quốc, Triều Tiên đang nắm trong tay khoảng 70 tàu ngầm. Hầu hết chúng chỉ có ngư lôi, không có ống phóng tên lửa, nhà phân tích Kim Dae-young cho hay.
Chiếc tàu ngầm mới là bằng chứng cho thấy Triều Tiên vẫn không ngừng phát triển năng lực quân sự từ sau khi tham gia vào các nỗ lực ngoại giao hạt nhân với Mỹ hồi đầu năm ngoái.
"Các động thái này dường như là tín hiệu của Kim Jong-un rằng ông hy vọng Trump sẽ nới lỏng lệnh trừng phạt, trước khi Bình Nhưỡng buộc phải tiến hành một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)", bình luận viên Tom Rogan của Washington Examiner nhận định. "Nó như lời tuyên bố rằng nếu không nhượng bộ, Trump sẽ phải đối mặt với ICBM".
Việc mới chỉ phóng tên lửa tầm ngắn cho thấy Bình Nhưỡng vẫn kỳ vọng vào nỗ lực ngoại giao do Mỹ dẫn dắt nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của họ. Ông Kim thực sự không muốn khiến căng thẳng leo thang quá cao, bởi một vụ phóng tên lửa tầm xa đủ sức vươn tới đất liền Mỹ sẽ khiến chính quyền Trump có phản ứng khác hẳn.
Đây là lần đầu tiên sau hơn hai tháng Triều Tiên phóng tên lửa. Hồi tháng 5, Seoul nói Bình Nhưỡng cũng phóng ba tên lửa tầm gần ra vùng biển phía đông nước này. Lúc bấy giờ, giới chuyên gia nhận định tên lửa Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng với tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander của Nga.
Nhà phân tích Kim Dong-yub tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông, trụ sở ở Seoul, đánh giá tên lửa mới nhất do Triều Tiên phóng có thể là mẫu tên lửa đạn đạo Scud-C hay tên lửa đất đối đất KN-23.
Theo bình luận viên Rogan, trước lời cảnh báo từ Triều Tiên, Tổng thống Trump cần làm rõ rằng những vụ thử tên lửa mới sẽ không bao giờ có thể giúp Bình Nhưỡng thoát khỏi các biện pháp trừng phạt. Chính quyền Trump đã đúng khi kiên quyết giữ vững các biện pháp trừng phạt cho đến khi Triều Tiên có những nhượng bộ tương xứng. Nếu chưa có nhượng bộ nào được đưa ra, lệnh trừng phạt phải được giữ nguyên.
Mỹ nên làm rõ với Triều Tiên rằng chiến lược leo thang căng thẳng sẽ không thể dẫn tới kết quả tốt đẹp cho họ và phi hạt nhân hóa là con đường duy nhất giúp Triều Tiên có cơ hội vực dậy nền kinh tế.
"Trump cũng nên làm rõ rằng có nhiều cách để lãnh đạo Kim Jong-un phi hạt nhân hóa mà không cần từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như đồng ý lưu trữ số vũ khí này tại cơ sở của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đặt tại Triều Tiên. Chìa khóa nằm ở mục tiêu giải giáp ICBM có thể kiểm chứng, qua đó loại bỏ khả năng Triều Tiên phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân nhắm vào các thành phố Mỹ", Rogan bình luận. "Ngoại giao là biện pháp ưa thích của Mỹ nhưng Mỹ sẽ không dùng đến biện pháp xoa dịu".
Vũ Hoàng (Theo AP, Washington Examiner)