"Tình hình ở bán đảo Triều Tiên lại nóng lên sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm ngắn. Có thể nói mọi việc đã trở lại vạch xuất phát", Kim Ji Yoon, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính sách Asan, Hàn Quốc, đánh giá trong Diễn đàn Hoà bình - Mekong 2019 lần hai tại Hà Nội chiều 10/5. Sự kiện do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng Tây Đông Nam Á, Hội đồng tư vấn Thống nhất hoà bình dân chủ Hàn Quốc phối hợp tổ chức.
Bà Kim nhắc đến việc Triều Tiên ngày 9/5 phóng nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ căn cứ Sino-ri ở tây bắc nước này. Các quả đạn bay được hơn 300 km và rơi xuống biển, không gây nguy hiểm cho những nước lân cận.
Theo bà Kim, việc Triều Tiên nối lại việc phóng tên lửa, điều Bình Nhưỡng tạm ngừng khi cùng Mỹ xúc tiến hai hội nghị thượng đỉnh tại Singapore và Việt Nam trong 2018 và 2019, cho thấy nỗ lực đàm phán hòa bình và phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều đã quay lại điểm ban đầu.
"Có nhiều yếu tố cho thấy chúng ta cần phải xem lại kỳ vọng của mình. Việc trông đợi giải quyết được một vấn đề tồn tại hàng chục năm qua dường như là một kỳ vọng thái quá", chuyên gia của Viện nghiên cứu chính sách Asan nói, lưu ý rằng Triều Tiên từng tuyên bố không từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ông Choi Wan-Kyu, Giám đốc Viện nghiên cứu Biên giới và Khác biệt liên Triều, Đại học Shinhan, Hàn Quốc, cho rằng giữa Mỹ và Triều Tiên đang tồn tại những khác biệt về khái niệm phi hạt nhân hóa. Trong khi Washington muốn chương trình hạt nhân Triều Tiên được loại bỏ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, Bình Nhưỡng cho rằng phi hạt nhân hóa là không tiến hành thêm các vụ thử và không gây nổ.
Mỹ hứa hẹn giúp Triều Tiên thoát khỏi tình trạng bị cô lập và phát triển kinh tế nếu từ bỏ chương trình hạt nhân, nhưng dường như cam kết đó chưa đủ sức hấp dẫn với Bình Nhưỡng. "Liệu điều Mỹ đưa ra có đúng với kỳ vọng của Triều Tiên không", ông Choi đặt vấn đề, chỉ ra trường hợp Triều Tiên cho rằng họ có thể tự mình phát triển kinh tế.
Ông Phạm Hồng Thái, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đánh giá Triều Tiên chỉ từ bỏ vũ khí hạt nhân khi cảm thấy không còn mối đe doạ từ Mỹ. Vấn đề chính của quan hệ Mỹ - Triều, Hàn - Triều là xây dựng lòng tin, nhưng thời gian xúc tiến hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngắn nên chưa đủ để hai bên tin tưởng lẫn nhau.
Khi Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân, ông Thái cho rằng lợi ích chiến lược của Mỹ có thể bị đe doạ khi không còn "cớ" hiện diện quân sự ở Hàn Quốc. Căng thẳng Mỹ - Trung có nguy cơ leo thang cũng có thể làm cho việc phi hạt nhân càng thêm khó khăn.
Không tỏ ra lạc quan về triển vọng vấn đề trên bán đảo Triều Tiên được sớm xử lý, chuyên gia Kim Ji Yoon cho biết sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, có nhiều tiếng nói phản đối hơn ở Washington.
Hơn nữa, sắp tới Mỹ sẽ tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống căng thẳng, bắt đầu từ tháng 2/2020. Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2020. Vấn đề Triều Tiên có nguy cơ đi vào bế tắc khi chính quyền của Tổng thống Trump và Tổng thống Moon không đưa ra được bước tiến mới nào.
"Chủ đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành thứ yếu trong danh sách ưu tiên của Mỹ trong năm tới, và chưa biết khi nào sẽ được nêu lại khi Hàn Quốc có chính quyền mới. Thành quả trong vấn đề này sẽ cần thời gian khá lâu mới đạt được", bà Kim nói.
Khánh Lynh