Dù phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chưa đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng xe tải vào đám đông trong ngày quốc khánh Pháp ở Nice hôm 14/7 khiến ít nhất 84 người thiệt mạng, giới phân tích cho rằng vụ việc này hội đủ các yếu tố của một cuộc khủng bố do IS gây ra trong cơn tuyệt vọng.
Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh IS đang lâm vào tình thế ngày càng khó khăn ở Iraq và Syria. Vùng đất do phiến quân kiểm soát đang bị thu hẹp hơn bao giờ hết, khi nhiều thành phố chiến lược lần lượt rơi vào tay đối phương trong những tháng gần đây. Ở Iraq, quân đội chính phủ đang hình thành thế bao vây quanh sào huyệt của phiến quân ở thành phố Mosul. Tại Syria, sào huyệt Raqqa cũng đang bị đe dọa từ nhiều hướng khác nhau, theo Huffington Post.
IS mới đây cũng xác nhận Omar al-Shishani, "bộ trưởng chiến tranh" của tổ chức, kẻ được mệnh danh là thủ lĩnh râu đỏ, bị tiêu diệt cách đây nhiều tháng trong một cuộc không kích do Mỹ tiến hành ở Syria.
Hứng chịu những thất bại liên tiếp, IS đã kêu gọi những phần tử ủng hộ ở nước ngoài tổ chức các cuộc tấn công bằng mọi hình thức để trả đũa phương Tây, trong đó có Pháp, nước ủng hộ tích cực cho chiến dịch tiêu diệt IS do Mỹ dẫn đầu.
Thực tế cho thấy trong những tháng vừa qua, nước Pháp đã trải qua nhiều cuộc tấn công khủng bố hụt. Tháng 8 năm ngoái, hai lính Mỹ đã cứu nước Pháp khỏi thảm họa, khi kịp thời ra tay khống chế một kẻ mang súng lên tàu với ý đồ thực hiện một vụ xả súng. Hồi tháng một, cảnh sát Pháp bắn chết một kẻ mang dao đúng dịp kỷ niệm một năm ngày xảy ra vụ tấn công ở tòa soạn Charlie Hebdo. Họ phát hiện cờ IS trong người tên này.
Theo giáo sư John A. Tures thuộc Đại học LaGrange, vụ tấn công mới nhất bằng xe tải ở thành phố Nice hội đủ các dấu hiệu của một âm mưu khủng bố do IS tiến hành. Nó rất giống với kế hoạch của tên Abu Musab al-Zarqawi, kẻ muốn dùng một loạt xe tải để lao thẳng vào đại sứ quán Mỹ ở Jordan, sau đó kích nổ. Trong nhiều vụ tấn công khủng bố gần đây ở Baghdad, IS cũng tăng cường sử dụng các xe tải chở bom.
Bởi vậy, ông Tures nhận thấy IS ít nhiều có liên quan đến vụ thảm sát này, ngay cả khi kẻ tấn công chỉ là một "con sói đơn độc" thề trung thành với IS. Giống như vụ đánh bom ở sân bay Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ hay vụ xả súng ở Orlando, Mỹ, vụ đâm xe này nhằm mục đích cho thế giới thấy rằng IS vẫn đang mạnh hơn bao giờ hết.
Giáo sư này cho rằng đây chính là "đòn giãy chết" của IS, khi phiến quân đang mất dần thành viên, tiền bạc, khu vực kiểm soát, lãnh đạo, và chỉ còn là cái bóng của một tổ chức khủng bố giàu có nhất thế giới cách đây hai năm. Mới đây, IS đã phải ra thông báo cho các thành viên rằng caliphate (vương quốc Hồi giáo) mà nhóm dày công xây dựng sẽ không còn tồn tại được lâu, theo Washington Post.
Theo ông Tures, đối mặt với cơn cuồng loạn trong tuyệt vọng của IS như vậy, Mỹ và phương Tây phải đưa ra những lựa chọn phù hợp cho đối sách của mình cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Nếu lãnh đạo các nước đầu hàng trước sức ép quá lớn từ những cử tri đang ngày một bất an cho sự an toàn của mình và đưa ra những phản ứng thái quá hay thực hiện chính sách đối nội phân biệt đối xử với người Hồi giáo, họ sẽ tiếp tục đẩy nhiều người phương Tây vào con đường cực đoan hóa và gia nhập IS.
Tures cho rằng liên quân chống IS ở Trung Đông sẽ phải tiếp tục phát huy những thành quả của mình trong việc âm thầm làm tan rã mạng lưới của phiến quân bằng các cuộc không kích chính xác, phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trên bộ để chiếm lại lãnh thổ. "Cách phản ứng của chúng ta sẽ quyết định mức độ thành công của chiến dịch chống khủng bố", ông nhấn mạnh.
Xem thêm: Xe tải - vũ khí thảm sát mới của những kẻ khủng bố
Trí Dũng