Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng nước này bắt đầu rút phần lớn quân khỏi Syria với lý do các mục tiêu đặt ra "nhìn chung đã hoàn thành", theo Sputnik. Ông Putin bày tỏ hy vọng hành động này sẽ khuyến khích tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột Syria theo đuổi một giải pháp hòa bình.
Tuy nhiên, Moscow vẫn sẽ duy trì hiện diện quân sự tại quân cảng Tartus và căn cứ không quân Hmeymim ở Latakia của Syria. Thời hạn rút quân hoàn toàn chưa được công bố.
Đạt được mục tiêu
Giới chuyên gia nhận định, một trong những cái đích mà lãnh đạo nước Nga theo đuổi khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria là nhằm bảo vệ, củng cố chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Quyết định rút quân lần này là bằng chứng cho thấy ông Putin dường như đã cảm thấy tự tin hơn vào sức mạnh cũng như sự vững vàng của chính quyền Syria.
Niềm tin này là hoàn toàn có cơ sở khi mà chiến dịch can thiệp quân sự của Nga ở Syria kéo dài trong hơn 5 tháng vừa qua đã cho thấy những thành quả rõ ràng.
"Với sự hỗ trợ của không quân Nga, các lực lượng Syria hiện giải phóng được 400 khu vực dân cư đông đúc cùng hơn 10.000 km2 lãnh thổ", RT dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói trong cuộc họp với Tổng thống Putin tại điện Kremlin.
Những phần tử khủng bố bị đẩy lùi khỏi Latakia và Aleppo, trong khi thành cổ Palmyra đang được "khóa chặt". Hầu hết các khu vực thuộc hai tỉnh Homs và Hama ở miền trung Syria được dọn dẹp sạch sẽ. Quân đội Syria bên cạnh đó cũng giành lại căn cứ không quân Kuweires, nơi bị khủng bố chiếm đóng suốt ba năm qua, Bộ trưởng Shoigu cho biết thêm.
"Nhờ chiến dịch không kích, 'nguồn tài nguyên' của khủng bố hầu hết đã bị cắt đứt", ông nhấn mạnh.
Theo Fox News, khi mà Moscow đã đạt được những mục tiêu chính trị quan trọng của mình thì việc rút quân về cũng là hoàn toàn hợp lý.
"Chiến dịch can thiệp quân sự không những giúp củng cố chính quyền Assad mà còn đem lại nhiều lợi thế cho Nga trên bàn đàm phán với phương Tây", ông Matthew Rojansky, giám đốc Trung tâm Kennan, bình luận. "Ông Putin có thể điều động quân đội trở lại Syria bất cứ lúc nào" nếu phương Tây vi phạm những thỏa thuận đã được ký kết.
Can thiệp vào Syria, "hoàn thành các mục tiêu đề ra" và rút quân về trong thế thắng, ông Putin qua đó ngầm tuyên bố với thế giới rằng "hai thập kỷ sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn có khả năng duy trì ảnh hưởng của mình kể cả ở những nơi cách xa hàng nghìn km", bình luận viên Steve LeVine từ Quartz đánh giá. Sức mạnh quân sự của Nga vì thế cũng được khẳng định, xứng đáng là "một trong những lực lượng đóng vai trò quan trọng nhất trên trường quốc tế". Như một chuyên gia phân tích quân sự hàng đầu thuộc lực lượng tình báo Israel từng nhận xét, Tổng thống Putin đã khiến phương Tây nhận ra "những vũ khí hiện đại của Nga là có thật, chúng mang uy lực mạnh mẽ và nước Nga có những quân nhân được đào tạo bài bản để sử dụng chúng hiệu quả".
Lệnh trừng phạt
Quyết định rút quân được đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi các quan chức Nga và châu Âu tổ chức phiên thảo luận bàn về một giải pháp hòa bình mới cho Syria. Mặc dù diễn biến ở Syria không có bất kỳ mối liên quan nào tới các lệnh trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt lên Nga nhưng với thành công mà Moscow thu về trên chiến trường Syria, Mỹ và Liên minh châu Âu chắc chắn sẽ phải cân nhắc lại việc trừng phạt Nga vì những vấn đề ở Ukraine, theo Forbes.
"Hoàn thành các mục tiêu" ở Syria và rút quân về, Moscow muốn chứng minh hành động can thiệp quân sự của họ là đúng đắn. Từ đây, Mỹ và phương Tây sẽ rất khó đổ lỗi cho Nga về việc gây ra bất ổn ở Ukraine vì can thiệp vào tình hình khu vực, quan sát viên Kenneth Rapoza nhận xét. Người Nga lúc này có thể hy vọng vào một tương lai không xa mà ở đó các lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ.
Theo Rapoza, dù Nga tuyên bố vẫn duy trì hiện diện quân sự ở Latakia và Tartus nhưng việc nước này rút phần lớn quân vẫn sẽ góp phần đưa nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua ở Syria tiến một bước rất xa.
Việc bản thỏa thuận "chấm dứt thù địch" cho Syria do Nga và Mỹ bảo trợ, được áp dụng từ hôm 26/2, đến nay vẫn đứng vững khiến triển vọng về một giải pháp chính trị lâu dài giúp chấm dứt nội chiến ở quốc gia Trung Đông này ngày càng trở nên thực tế hơn, Rapoza nhấn mạnh.
"Mọi thứ đều trông rất khả quan kể từ sau nước đi mới nhất của Nga", ông Vladimir Signorelli, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Bretton Woods, đánh giá.
Chạm ngưỡng
Theo bình luận viên Max Fisher của Vox, với quyết định rút quân lần này, có vẻ như ông Putin mong muốn san sẻ bớt gánh nặng Syria cho một liên minh toàn cầu do Liên Hợp Quốc bảo trợ, điều mà ông đã kêu gọi thành lập trong bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an năm ngoái.
Fisher cho rằng khi Nga đã đạt được các mục tiêu cơ bản ở chiến trường Syria, họ cũng nhận ra việc tiếp tục hoạt động can thiệp quân sự đầy tốn kém sẽ không tạo thêm nhiều kết quả khả quan, trong khi áp lực chi phí đang chạm tới ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế Nga.
Trong năm qua, kinh tế Nga gặp vô vàn khó khăn vì giá dầu liên tục xuống thấp và các lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây. Chi phí cho cuộc chiến ở Syria là một gánh nặng không nhỏ cho ngân sách nước này, và nếu tiếp tục "một mình một ngựa" ở Syria, Nga sẽ ngày càng bị cô lập hơn trên trường quốc tế, kéo theo những hậu quả khôn lường.
Sau khi quyết tâm sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình, uy tín của ông Putin tăng vùn vụt trong lòng dân chúng, bất chấp những lệnh cấm vận khắc nghiệt của phương Tây. Giới phân tích cho rằng chính sự ủng hộ cao của người dân là tiền đề để ông Putin ra lệnh can thiệp quân sự ở Syria, dù Nga đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế.
Nhưng hai năm trôi qua, khi cơn sốt Crimea đã lắng xuống, nỗi lo về kinh tế vẫn thường trực, ông Putin cần một cú hích để tiếp tục củng cố hình ảnh trong lòng dân chúng. Fisher chỉ ra rằng Syria sẽ không bao giờ là một Crimea thứ hai, và việc Nga tiếp tục cuộc chiến ở đây sẽ không giúp ông Putin cải thiện được hình ảnh trong dư luận.
Bởi vậy, khi tuyên bố chiến thắng và rút các binh sĩ Nga về nước an toàn, ông Putin chắc chắn sẽ lại nhận được những lời ca ngợi của người dân và truyền thông trong nước.
"Trong lúc kinh tế lao dốc, giá dầu thấp và ảnh hưởng chính trị giảm sút, nước cờ khôn ngoan nhất của Putin là rút ra khỏi một cuộc chiến tốn kém sau khi đã đạt được những điều mình muốn", Fisher nhấn mạnh.
Xem thêm: Putin rút củi đáy nồi, rót hy vọng cho chảo lửa Syria
Vũ Hoàng