Trung Quốc năm ngoái lần đầu tiên cử một đô đốc dự diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á Đối thoại Shangri-la. Tại đây, trưởng đoàn Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đã phát biểu rằng: "Chúng tôi hy vọng các nước liên quan sẽ làm việc cùng nhau trên cùng quan điểm để xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác".
Nhà phân tích Graeme Dobell từ Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) khi ấy đã diễn giải lại câu này một cách châm biếm là: "Chúng tôi chắc chắc sẽ tiếp tục xây dựng đảo nhân tạo. Hàng núi cát tiếp tục được hút và bồi đắp. Quý vị hãy quen dần với chuyện đó đi. Hãy chấp nhận thực tế mới và những sự đã rồi của chúng tôi".
Với kết luận của Đô đốc Tôn "chúng tôi hy vọng tất cả các nước trên thế giới giữ tinh thần đôi bên cùng có lợi, hợp tác để tất cả cùng thắng, sẽ củng cố đối thoại và tham vấn, có những nỗ lực kiên định để bảo vệ hòa bình và ổn định", ông Dobell cho rằng "đôi bên cùng thắng có nghĩa Bắc Kinh thắng cả hai lần, còn tất cả cùng thắng có nghĩa Bắc Kinh thắng tất".
Ông Tôn nói "tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, và chưa bao giờ có vấn đề về tự do hàng hải". Trung Quốc tiến hành xây dựng trên một số đá và rạn san hô ở Biển Đông "chủ yếu nhằm cải thiện chức năng của những nơi này và điều kiện sống, làm việc của nhân viên đóng ở đó".
Ông đồng thời bao biện rằng "ngoài việc đáp ứng các nhu cầu quốc phòng cần thiết, những cơ sở này thiên về mục đích thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc" như cứu hộ, cứu nạn, quan trắc khí tượng.
Trung Quốc còn nhấn mạnh "đã kiềm chế rất nhiều" trong tranh chấp Biển Đông và "đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới".
Dù vậy, những phát ngôn từ phía Trung Quốc lại mâu thuẫn với các tuyên bố mà Mỹ cùng một số quốc gia khác đưa ra liên quan đến hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Phản đối
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã dùng bài phát biểu của mình tại hội nghị để khắc họa Trung Quốc như một mối đe dọa đối với cân bằng khu vực. Ông đặc biệt lưu ý đến hoạt động cải tạo, bồi đắp không ngừng, quy mô lớn của Trung Quốc ở các bãi đá ngầm trên Biển Đông.
Carter cho biết Mỹ "quan ngại sâu sắc" về quy mô cải tạo đất và khả năng Trung Quốc quân sự hóa các đảo đang bồi đắp trái phép. Những động thái này chỉ làm "gia tăng tính toán sai lầm hoặc xung đột".
Theo ông, "Trung Quốc đang lạc bước với những quy tắc và chuẩn mực quốc tế vốn tăng cường kiến trúc an ninh của châu Á - Thái Bình Dương và sự đồng thuận trong khu vực về việc sử dụng ngoại giao, phản đối bắt nạt".
Bộ trưởng Carter khẳng định hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc là "chưa từng có". Ông nhấn mạnh "Mỹ có mọi quyền tham gia và quan tâm" về tình hình khu vực. Washington sẽ "tiếp tục bay, điều tàu thuyền và hoạt động ở mọi nơi luật quốc tế cho phép".
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews cũng phát đi tín hiệu mạnh mẽ thể hiện rằng nước này sẵn sàng tham gia với Mỹ cùng các quốc gia khác để chống lại những hoạt động cải tạo đảo phi pháp cũng như quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, theo Sydney Morning Herald.
Theo ông Andrews, các nước trong khu vực sẽ đáp trả nếu Bắc Kinh không chịu thay đổi.
"Giống như các định luật Newton, những khía cạnh của an ninh quốc tế cũng thường đặc trưng bởi một hành động và cách phản ứng tương ứng với hành động đó", ông Andrews nói. "Khi ra quyết định, các nước cũng như các lãnh đạo phải luôn lưu tâm đến hệ quả của hành động và khả năng những hành động này dẫn tới sự leo thang hay tính toán sai lầm".
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani thì cho rằng các dự án cải tạo đất ở Biển Đông có nguy cơ đẩy khu vực vào tình trạng mất ổn định và kêu gọi các nước, bao gồm cả Trung Quốc, hành xử có trách nhiệm.
"Nếu chúng ta không giám sát những tình huống trái pháp luật, trật tự sẽ nhanh chóng bị biến thành mất trật tự, hòa bình và ổn định sẽ sụp đổ", Reuters dẫn lời ông Nakatani nói tại Diễn đàn An ninh châu Á Shangri-la 2015.
Năm 2014, trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-la 13, bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi ấy là ông Chuck Hagel cũng chỉ trích gay gắt Trung Quốc "hành động đơn phương, gây bất ổn" để khẳng định chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Ông lần lượt chỉ ra những động thái gây hấn của Trung Quốc, như ngăn chặn Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough, tìm cách kiểm soát bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cải tạo đất trên bãi Gạc Ma và đặc biệt là triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Ông Hagel cảnh báo Washington sẽ không ngồi yên nếu các quy tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ ý định về việc đóng một vai trò lớn và tích cực hơn nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực, đồng thời cam kết ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á bảo vệ lãnh thổ.
Ông Abe nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc tôn trọng luật hàng hải quốc tế. Dù không chỉ đích danh nước nào nhưng giới chuyên gia đánh giá bài phát biểu của ông nhắm tới Trung Quốc khi ông liên tục dùng ngôn từ để thể hiện thái độ lên án cách hành xử của Bắc Kinh trong các tranh chấp lãnh thổ khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia thì cho rằng hành động gây căng thẳng của Trung Quốc chắc chắn không mang lại lợi ích và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn.
Vào ngày cuối cùng của diễn đàn, tướng Vương Quán Trung, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc lúc bấy giờ, đã đáp trả Nhật Bản và Mỹ, cáo buộc hai nước này "khiêu khích".
Ông Vương giận dữ cáo buộc ông Abe và ông Hagel "tận dụng cơ hội phát biểu trước tại diễn đàn để khiêu khích và thách thức Trung Quốc". Ông này cũng cho rằng đại diện từ Mỹ và Nhật thông đồng với nhau để công kích Trung Quốc. Hành động này là "không thể tưởng tượng được".
"Trung Quốc chưa bao giờ gây rối trước, chúng tôi chỉ đáp trả khiêu khích từ các bên khác", ông Vương cố gắng bao biện cho hành vi hung hăng của nước này trên vùng biển khu vực, điều mà Mỹ và Nhật cùng lên án.
Năm nay, vấn đề Biển Đông tiếp tục trở thành điểm nóng tại đối thoại an ninh Shangri-la lần thứ 15 diễn ra ở Singapore từ ngày 3 - 5/6.
Theo ông Tim Huxley, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trụ sở ở London, đơn vị tổ chức hội nghị, cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý đến hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các thực thể nước này chiếm phi pháp ở Biển Đông và tốc độ quân sự hóa tại một số bãi đá.
Mỹ cùng đồng minh và đối tác an ninh tại khu vực phản đối chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc.
"Hiện tồn tại rất nhiều đồn đoán về các bước đi tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là trong bối cảnh Tòa trọng tài The Hague sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, thách thức quan điểm cũng như hoạt động mà Trung Quốc thực hiện tại đây", ông Huxley chia sẻ trước thềm hội nghị.
Xem thêm: Những vấn đề nóng tại diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á
Vũ Hoàng