Cuộc gặp phi chính thức ở cấp cao nhất kéo dài hai ngày này được quyết định nhanh chóng và có phần là bất thường xét từ phía Trung Quốc, cho thấy sự quyết đoán của ông Tập, con trai một trong các công thần của Trung Quốc thời cải cách mở cửa. Nó cho thấy ông ta là một nhà lãnh đạo đầy quyền lực và tự tin, sẵn sàng đối thoại trực tiếp với ông Obama.
Giới chức Mỹ hy vọng rằng cuộc hội đàm khu nghỉ dưỡng Sunnylands, California thứ sáu tới sẽ tạo điều kiện để hai nhà lãnh đạo phát triển mối quan hệ cá nhân và có nhiều thời gian thảo luận, không cần phải thông qua những nghi thức cứng nhắc của một chuyến thăm cấp nhà nước. Các chủ đề nóng dự đoán sẽ được Mỹ chú ý bàn thảo gồm tình hình Triều Tiên, an ninh mạng và tranh chấp biển đảo ở châu Á.
Tuy nhiên ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là đưa ra hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn, đối thoại trên cơ sở bình đẳng với Tổng thống Obama, trong lần đầu gặp gỡ kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào tháng 11 năm ngoái và vạch ra một "giấc mơ Trung Quốc".
Các chính trị gia Trung Quốc nói rằng ông Tập chủ động tách ra khỏi cái bóng của người tiền nhiệm, Hồ Cẩm Đào. Ông Hồ được mô tả là khá cứng nhắc trước công chúng và chưa từng tham gia một cuộc họp phi chính thức nào như thế này.
Sáng kiến của ông Tập đã đẩy Obama vào tình thế khó khăn, bởi Obama vừa muốn thiết lập mối quan hệ tốt hơn với đồng nhiệm Trung Quốc- người sẽ lãnh đạo trong 10 năm liền, vừa muốn trấn an các đồng minh ở châu Á, những người đang quan ngại ngày càng nhiều hơn về sức mạnh kinh tế cũng như quân sự của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: Politico. |
Những người hiểu viết việc chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh này nói rằng các quan chức Trung Quốc đã xúc tiến sự kiện từ hồi tháng 12, nhằm khẳng định dấu ấn về chính sách đối ngoại của tân lãnh đạo Trung Quốc, đó là, xây dựng một "mối quan hệ siêu cường kiểu mới" với Mỹ. Các quan chức và chuyên gia Trung Quốc cho biết khái niệm này được thiết kế nhằm ngăn chặn những xung đột quân sự vẫn thường xảy ra trong lịch sử, khi một cường quốc mới nổi thách thức hệ thống cũ.
Giới chức Mỹ đón nhận ý tưởng này một cách lạnh nhạt, bởi trên thực tế ông Tập đã có lịch gặp Tổng thống Obama hai lần trong mùa thu, tại hội nghị G20 và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương.
Chính quyền Obama cũng chờ đợi giới lãnh đạo Trung Quốc phát triển chương trình nghị sự trong nước của họ, và cung cấp thêm chi tiết xung quanh cái gọi là "mối quan hệ siêu cường kiểu mới". Một số quan chức Mỹ và châu Á cho rằng "quan hệ kiểu mới" ám chỉ yêu cầu nước Mỹ đứng có nhúng mũi vào sân sau của Trung Quốc.
Nhưng sau các chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng John Kerry và một số quan chức cấp cao khác, có một điều rõ ràng rằng ông Tập đã hành động nhanh hơn so với dự kiến trong việc thiết lập quyền lực và xác định những ưu tiên trong chính sách, theo các quan chức Mỹ. Trong vài tuần gần đây, áp lực đối với chính quyền Obama cũng gia tăng từ phía những chuyên gia Trung Quốc và các lãnh đạo về kinh doanh ở Mỹ. Rất nhiều người trong số họ cảm thấy tháng 9 là quá muộn cho một cuộc gặp Obama - Tập.
Một yếu tố khác, theo nhiều người, là bởi ông Tập đã chọn tới thăm Nga và châu Phi trong những chuyến công du đầu tiên của ông trên cương vị chủ tịch hồi tháng 3, trong khi Lý Khắc Cường, thủ tướng mới của Trung Quốc, đã tới Ấn Độ, Pakistan, Thụy Sỹ, Đức trong tháng 5.
"Trung Quốc về cơ bản đã nói: chúng tôi đang thay đổi phương thức hoạt động; chúng tôi sẽ hành động như một siêu cường; chúng tôi có lựa chọn", Christopher Johnson, người từng là nhà phân tích Trung Quốc tại CIA, hiện làm việc tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tại Washington, bình luận.
Obama cuối cùng đã đề xuất một cuộc họp không chính thức sau khi ông Tập kết thúc chuyến công du tới Trinidad và Tobago, Costa Rica và Mexico từ 31/5 tới 6/6, theo một quan chức cấp cao Mỹ.
"Đây không phải là một hội nghị ngoại giao điển hình, với những bộ vest đen, cà vạt và hàng chục quan chức ngồi quanh bàn và đọc những bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn", một quan chức Mỹ nói. Vị này cũng nhấn mạnh rằng đây không phải một hội nghị khẩn cấp, nhưng do có rất nhiều vấn đề quan trọng cần được bàn luận, chúng ta "bắt đầu càng sớm càng tốt".
Ông Obama được cho là sẽ hối thúc ông Tập sử dụng đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc để thuyết phục Triều Tiên dừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và từ bỏ những lời đe dọa tấn công Hàn Quốc và Mỹ.
Một ưu tiên khác của Mỹ là kiềm chế các vụ tấn công mạng vào Mỹ, mà Lầu Năm Góc hồi tháng trước cáo buộc là có xuất xứ từ chính phủ và quân đội Trung Quốc. Vị quan chức của Mỹ nói rằng thông điệp của Mỹ sẽ là: việc ăn trộm thông tin chỉ có hại cho Trung Quốc về mặt đầu tư cũng như nhiều mối quan hệ khác. Obama sẽ nhấn mạnh quyết tâm của chính phủ Mỹ trong việc bảo vệ lợi ích của các công ty và các nhà phát minh Mỹ.
Tổng thống Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ bày tỏ quan ngại về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với những tranh chấp lãnh thổ ở châu Á, đặc biệt là tranh chấp trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư đối với Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực.
"Kết quả lớn nhất của thượng đỉnh không chính thức này, theo hướng tích cực là mỗi bên sẽ bước ra khỏi phòng họp và nói 'Tôi biết tay này rồi, tôi có thể làm việc với anh ta", Kenneth Lieberthal, một chuyên gia Trung Quốc tại Viện Brookings, người từng là giám đốc châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời tổng thống Clinton, nói.
"Còn kết quả tiêu cực sẽ là mỗi bên đều tự nhủ 'Tôi biết tay này rồi, tôi không tin anh ta'. Vậy là sẽ có một vài nguy cơ".
Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh chấp nhận cách thức gặp này bởi họ cho rằng một hội đàm phi chính thức danh giá hơn một chuyến thăm chính thức. Xưa nay mới chỉ có một nhà lãnh đạo Trung Quốc là ông Giang Trạch Dân được tiếp như vậy. Ông Giang được tổng thống Bush mời đến trang trại ở Texas năm 2002 khi ông sắp nghỉ hưu. Vì vậy, theo các nhà phân tích Trung Quốc, việc ông Tập đến nhà nghỉ của tổng thống Mỹ Obama cho thấy ông có vị trí vững chắc trong Đảng, có lòng tự tin lớn lao trong việc giải quyết các vấn đề với các nhà lãnh đạo nước ngoài.
"Mối quan hệ Trung - Mỹ đã đi sai đường trong một vài năm qua", Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói.
"Nếu Tập Cận Bình có thể gặp tổng thống của một siêu cường theo cách này, và ở thời điểm rất sớm, và nếu đạt được kết quả nào đó, sẽ là điều rất có ích cho ông ấy trong việc đối nội, và chứng tỏ rằng ông ấy thực sự là đầu não của chính sách đối ngoại Trung Quốc".
Ông Tập đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo trong chuyến thăm Mỹ năm ngoái, khi ông đến thăm gia đình mà ông đã ở khi sang học tập tại Iowa năm 1985. Nhưng hội đàm ở California thách thức hơn nhiều, bởi ông Tập và ông Obama sẽ phải thương lượng với nhau nhiều giờ liền, một quan chức tham gia chuẩn bị cuộc gặp cho biết.
Trong những lần hội đàm chính thức, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường hiếm khi đi chệch hướng các quan điểm sẵn có và đã được ban lãnh đạo đảng chấp thuận. Lần tới đây, giới quan sát dự đoán ông Tập sẽ không có chút nhân nhượng nào trong các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bày tỏ sự lo ngại đối với chiến lược "xoay trục" của Mỹ - chính sách mà Bắc Kinh coi là nhằm bao vây Trung Quốc. Ông có lẽ cũng sẽ kêu gọi tái khởi động vô điều kiện đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Ông cũng sẽ nhắc lại quan điểm lâu nay của Bắc Kinh phản đối tấn công mạng và nhấn mạnh rằng bản thân Trung Quốc cũng là nạn nhân của tin tặc.
"Tập Cận Bình muốn phá vỡ tình thế kiểu cũ trong đó các đời lãnh đạo Mỹ luôn tố cáo về việc này việc kia, còn phía Trung Quốc sau đó phải nhượng bộ", một học giả Trung Quốc là cố vấn cho chính phủ Mỹ về mối quan hệ Mỹ - Trung, nói. "Ông ấy muốn ngồi cùng một mâm".
Quỳnh Hoa (theo WSJ)