Ngày 12/7, tòa trọng tài quốc tế do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở The Hague, Hà Lan, sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc. Giới chuyên gia đánh giá phán quyết này nhiều khả năng sẽ có lợi cho Philippines, dồn Trung Quốc vào thế đường cùng, khiến nước này gia tăng những động thái gây hấn trên Biển Đông, theo tạp chí Week.
Năm 2009, Bắc Kinh đệ trình lên Liên Hợp Quốc một tấm bản đồ đầy mơ hồ, gồm 9 đoạn đứt khúc, bao trọn phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines, Brunei... Dựa trên "đường 9 đoạn" không hề có bất cứ cơ sở pháp lý nào này, Trung Quốc luôn miệng nói rằng họ có cái gọi là "chủ quyền lịch sử" đối với phần lớn Biển Đông.
Philippines cho rằng tuyên bố của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), khiến Manila bị hạn chế khai thác tài nguyên và đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế. Philippines khởi kiện yêu sách của Trung Quốc tại tòa trọng tài vào năm 2013. Tòa trọng tài năm 2015 khẳng định họ có thẩm quyền xử vụ kiện.
Trong khi đó, Trung Quốc khăng khăng không chấp nhận vụ kiện và từ chối tham gia tiến trình.
Theo bình luận viên Kyle Mizokami từ Week, Trung Quốc đang tự đẩy mình vào ngõ cụt với những lập luận ngang ngược cùng thái độ bất hợp tác. Dù tiến hành hàng loạt chiến dịch vận động hành lang nhằm lôi kéo sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới, khả năng thuyết phục dư luận của Trung Quốc là rất nhỏ bởi những chứng cứ mà họ đưa ra để biện hộ cho tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông thực sự yếu.
Trung Quốc hiện đứng giữa hai lựa chọn: "Muối mặt" rút lại tuyên bố chủ quyền phi lý hoặc trở thành "kẻ giả tạo" tuân thủ một cách có chọn lọc các hiệp ước và hiệp định quốc tế, ông Mizokami đánh giá. Đây chắc chắn sẽ là một thất bại nặng nề và Trung Quốc hiểu rõ điều đó. Bằng chứng rõ ràng nhất thể hiện ở việc Bắc Kinh ráo riết loan tin rằng họ sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài.
Một số nhà phân tích lo ngại sau khi phán quyết của tòa được đưa ra, Trung Quốc sẽ có những động thái gây hấn nghiêm trọng hơn vì bị bẽ mặt trước cộng đồng quốc tế.
Sử dụng sức mạnh quân sự có thể là một lựa chọn của Trung Quốc, chuyên gia Mizokami nhận định. Cục Hải sự Trung Quốc hôm 3/7 thông báo nước này sẽ tiến hành tập trận từ ngày 5 đến 11/7 với phạm vi bao trùm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc sẽ triển khai nhiều tàu chiến chủ lực trong cuộc tập trận trái phép kể trên, trong đó có tàu khu trục tên lửa số 115 của hạm đội Bắc Hải, khu trục tên lửa số 139, hộ vệ tên lửa số 595 của hạm đội Đông Hải. Hạm đội Nam Hải tham gia với nhiều tàu chiến, chiến đấu cơ, trực thăng, số lượng cụ thể không được công bố. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn ngang nhiên thiết lập một vùng cấm trên biển rộng hơn 60.000 km.
Việc cuộc tập trận kết thúc trước khi tòa trọng tài đưa ra phán quyết chỉ một ngày không phải trùng hợp ngẫu nhiên, ông Mizokami nhận xét. Trung Quốc sẽ đưa hàng loạt khí tài tới trước cửa ngõ của những quốc gia bị ảnh hưởng bởi yêu sách "đường 9 đoạn". Đây dường như là một thông điệp mang đầy tính thách thức và răn đe.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc cũng có thể điều tàu chiến tuần tra khắp khu vực "đường 9 đoạn", đặc biệt là những vùng mà Philippines tuyên bố chủ quyền, như một cách để thể hiện thái độ không chấp nhận phán quyết từ tòa trọng tài.
Theo Mizokami, những hành vi gây hấn kiểu này sẽ là đòn giáng mạnh, hủy hoại nghiêm trọng hình ảnh cũng như uy tín của Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế. Tất cả những thỏa thuận quốc tế mà Bắc Kinh tham gia ký kết từ đó cũng sẽ bị thế giới ngờ vực về độ tin cậy.
Tuần tới, lịch sử Trung Quốc hiện đại sẽ trải qua một bước ngoặt. Lý tưởng hơn cả, Bắc Kinh có thể lựa chọn tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài và rút lại tuyên bố về "đường 9 đoạn". Nhưng họ cũng có thể ngoan cố bám lấy những gì lâu nay vẫn theo đuổi, dù chúng đi ngược lại các quy định và luật pháp quốc tế. "Một cường quốc lớn đang hướng tới vị thế lãnh đạo toàn cầu chỉ có một lựa chọn duy nhất", ông Mizokami nhấn mạnh.
Xem thêm: ASEAN làm gì sau phán quyết vụ kiện Biển Đông
Vũ Hoàng