Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn thường niên là sự kiện khiến Bình Nhưỡng nổi giận và đưa ra nhiều lời đe dọa. Cuộc tập trận chung năm nay của Washington và Seoul lớn nhất từ trước đến nay, và binh lính hai nước đang tập trung tại phía nam Khu phi quân sự (DMZ) được cho là đã đưa một tình huống giả định mới vào huấn luyện: "nhiệm vụ chặt đầu" đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đây là phương án các nhà hoạch định thường có xu hướng xem xét, nhưng hầu như không bao giờ sử dụng. Quân đội Mỹ và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng không chính thức xác nhận nó nằm trong cuộc tập trận Key Resolve-Foal Eagle bắt đầu từ tuần này và sẽ kéo dài trong khoảng hai tháng.
Nhưng Triều Tiên, nước vừa hứng chịu lệnh trừng phạt mới vì vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, đang xem xét rất nghiêm túc thông tin về nhiệm vụ mà truyền thông Hàn Quốc đưa tin. AP cho rằng đó có thể là lý do Bình Nhưỡng liên tục đưa ra các lời đe dọa hiếu chiến như sẽ "tấn công hạt nhân ồ ạt" Mỹ - Hàn.
"Nhiệm vụ chặt đầu" là gì
"Nhiệm vụ chặt đầu" là cách truyền thông Hàn Quốc và Triều Tiên gọi cuộc tấn công để loại bỏ lãnh đạo cao nhất hoặc đội ngũ lãnh đạo của địch, trong nỗ lực phá vỡ hoặc diệt trừ đầu não địch ngay khi khủng hoảng nổ ra hoặc sắp xảy ra. Giới quân sự còn gọi đây là hoạt động "chặt đầu rắn".
Biện pháp này được coi là đặc biệt hiệu quả đối với đối thủ có quyền lực tập trung chủ yếu vào nhóm nhỏ trung ương hoặc một nhà lãnh đạo, và Triều Tiên là một ví dụ điển hình. Những người hoạch định biện pháp này cho rằng, một khi lãnh đạo địch đã bị hạ, thì sẽ dễ dàng hơn nhiều để diệt trừ lực lượng còn lại của đối phương, hoặc ít nhất là khiến họ không thể tiếp tục tấn công phối hợp và ổn định.
Mỹ từng thực hiện các cuộc tấn công như vậy để tiêu diệt phần tử quan trọng trong các nhóm khủng bố. Theo AP, Bình Nhưỡng cũng từng thử tiến hành nhiệm vụ "chặt đầu rắn" với cố tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, cha của đương kim Tổng thống Park Geun-hye, tại khu nhà của ông năm 1968. Vì vậy, việc Washington và Seoul xem xét thực hiện nhiệm vụ ám sát nếu chiến tranh nổ ra không phải là điều đáng ngạc nhiên đối với Bình Nhưỡng.
Xôn xao
Washington và Seoul mùa hè năm ngoái đã nhất trí về một kế hoạch mới, về cách huấn luyện và đối phó với nguy cơ khủng hoảng hai miền liên Triều, được gọi là OPLAN 5015. Các quan chức không công bố chi tiết của OPLAN mới, và giống như tất cả OPLAN trước đó, đây là kế hoạch mật.
Kể từ khoảng tháng 6 năm ngoái, truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin về kế hoạch hoạt động mới, bao gồm tấn công phủ đầu và thủ tiêu lãnh đạo. Đã có thêm nhiều thông tin được đưa ra kể từ khi Triều Tiên thử hạt nhân vào tháng một và phóng tên lửa hồi tháng trước, khi Seoul ngày càng nhấn mạnh lập trường cứng rắn với Bình Nhưỡng.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, cuộc tập trận Mỹ - Hàn năm nay bao gồm hoạt động huấn luyện và mô phỏng tấn công phủ đầu vào các địa điểm hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cùng với hoạt động đào tạo cho nhiệm vụ nhằm loại bỏ ông Kim Jong-un và lật đổ chính phủ của ông trong tình huống chiến tranh nổ ra. Yonhap cũng nói rằng thủy quân lục chiến Mỹ và Hàn Quốc có các bài tập giả định đổ bộ vào bờ biển của Triều Tiên và tấn công hàng ngũ lãnh đạo nước này.
Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc đa phần dẫn các nguồn tin giấu tên cho những thông tin này. Họ cũng không cho biết chi tiết cụ thể về cách thức quân đội được huấn luyện, mặc dù sự hiện diện của đơn vị hoạt động đặc biệt Mỹ trong cuộc tập trận là đáng chú ý.
Trong khi đó, Triều Tiên có vẻ đã nổi giận trước thông tin nhà lãnh đạo của họ đang bị "nhắm mục tiêu". Bộ Tư lệnh tối cao Triều Tiên cuối tháng trước ra tuyên bố, gọi "kế hoạch chặt đầu" là "hành động thù địch nghiêm trọng". Nước này còn tuyên bố vũ khí của Triều Tiên "sẵn sàng khai hỏa". Khi cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn bắt đầu, nhật báo Minhu Joson của Triều Tiên đăng bài nói rằng "thời điểm lịch sử đã đến" và kẻ thù "sẽ phải hứng chịu thất bại cay đắng nhất" từ "lực lượng trên bộ, trên biển, dưới biển, trên không và cả không gian mạng của Triều Tiên, bao gồm cả vũ khí hạt nhân".
Khả năng
Triều Tiên đang tăng cường chuyển hướng quân đội sang chiến thuật chiến tranh "không đối xứng", gồm các hoạt động bất ngờ hoặc âm thầm để có lợi thế trước đối phương có quân số lớn hơn và được trang bị tốt hơn. Triều Tiên đang tập trung vào không gian mạng, lực lượng đặc biệt và vũ khí hạt nhân.
Cuộc tấn công cơ quan đầu não có khả năng vô hiệu hóa tất cả điều đó, vì cần phải có lãnh đạo ra quyết định cho các hoạt động.
Triều Tiên nhiều lần đe dọa nã pháo vào Seoul, tuy nhiên "lá bài" dùng quá nhiều lần này đang dần mất hiệu quả. Một số chuyên gia tin rằng các vũ khí của Triều Tiên ngày càng lạc hậu và ít hiệu quả. Trong khi đó, Seoul đang thử nghiệm tên lửa mới với độ chính xác cao và khả năng phá boongke - loại vũ khí lý tưởng để thực hiện nhiệm vụ loại bỏ lãnh đạo.
Trước áp lực này, Triều Tiên đã đưa ra câu trả lời khi công bố hệ thống phóng đa tên lửa cỡ nòng lớn với phạm vi bắn xa. Một số chuyên gia cho rằng nó có thể khiến Hàn Quốc khó phản công và khó đánh chặn bằng hệ thống phòng thủ tên lửa. Triều Tiên còn tuyên bố đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân.
Ngay cả trước khi truyền thông đưa tin dồn dập, giới chuyên gia đã quan sát thấy những dấu hiệu thể hiện Triều Tiên lo ngại về một cuộc tấn công "chặt đầu", và Seoul cùng Washington đang ít nhất là xem xét phương án này, theo Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt khu vực Đông Á, Trung tâm Martin James, viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Mỹ, nói.
"Sự xuất hiện của một hệ thống tên lửa tầm xa mới, có liên quan đến những lo ngại của Triều Tiên về khả năng Mỹ - Hàn tiến hành hoạt động 'chặt đầu' là rất đáng chú ý đối với chúng tôi". "Chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến học thuyết hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời cả việc Hàn Quốc phát triển học thuyết liên quan đến khả năng đánh phủ đầu và 'chặt đầu'".
Phương Vũ