Viết về cuộc họp của ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh, Trung Quốc tuần này, cây bút chuyên về Đông Nam Á của Diplomat, Prashanth Parameswaran, cho rằng Trung Quốc đã một lần nữa nhúng tay vào việc ngăn ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông, giống như họ đã làm tại Campuchia năm 2012.
Một số người có thể cho rằng đây tiếp tục là thành công của Trung Quốc trong chiến thuật chia rẽ và chế ngự, khi nước này lấy lòng một số nước ASEAN nhằm làm xói mòn đoàn kết trong khối. Tuy nhiên, theo Prashanth khi nghiên cứu sâu về ý đồ của Trung Quốc trước cuộc họp cũng như phản ứng của ASEAN nói chung và các nước thành viên nói riêng, có thể thấy rằng trong vụ việc này, Bắc Kinh đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu dự định ban đầu của mình.
Từ những gì các quan chức Trung Quốc từng nhiều lần đề cập và chỉ ra trước cuộc họp, Bắc Kinh rõ ràng mong muốn kết quả của cuộc họp nhấn mạnh ba điểm chính.
Đầu tiên, Bắc Kinh muốn thể hiện rằng và Trung Quốc và từng quốc gia ASEAN có đủ khả năng xử lý những khác biệt trong vấn đề Biển Đông mà không cần sự can thiệp bên ngoài, trong đó có phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), đang xử vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" ở Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương đưa ra.
Thứ hai, Trung Quốc muốn vấn đề Biển Đông không bị "thổi phồng", làm ảnh hưởng đến quan hệ của Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á, vì đây chỉ là một vấn đề trong quan hệ đối thoại vốn thành công giữa Trung Quốc với ASEAN, khi cả hai bên đang chào mừng kỷ niệm 25 năm quan hệ.
Cuối cùng, Trung Quốc muốn rằng Biển Đông không phải vấn đề giữa Trung Quốc và toàn khối ASEAN, mà là vấn đề song phương giữa Bắc Kinh và 4 quốc gia Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền chồng lấn, gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Bruinei.
Thất bại
Parameswaran cho rằng mặc dù Trung Quốc đã thành công trong việc gây khó khăn cho ASEAN ra tuyên bố chung, họ không thể đạt được cả ba điểm nói trên.
Trong mục tiêu đầu tiên - chứng minh Trung Quốc và từng quốc gia ASEAN đủ khả năng xử lý những khác biệt trong vấn đề Biển Đông mà không cần sự can thiệp bên ngoài - thì chính cuộc họp ở Côn Minh là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy ASEAN và Trung Quốc không thể tự xử lý vấn đề này thành công, khi Bắc Kinh còn tiếp tục cố tình làm xói mòn sự đoàn kết của ASEAN và ngăn khối đưa ra lập trường riêng, trong khi chỉ trích các quốc gia ASEAN đơn lẻ khi họ tìm kiếm các phương pháp khác giải quyết khác biệt khác, đồng thời chỉ trích các quốc gia ngoài khu vực như Mỹ khi Washington bày tỏ lo ngại chính đáng.
Theo một nhà ngoại giao Đông Nam Á am hiểu sự kiện ở Côn Minh, ASEAN đã chuẩn bị một tuyên bố như Malaysia ban đầu đưa ra, Trung Quốc cũng biết trước về việc đó. Nhưng thay vì để ASEAN công bố lập trường mà các nước đã thống nhất, Bắc Kinh đã gây sức ép để thúc đẩy việc rút lại sau khi tuyên bố đã được công khai với một số đơn vị truyền thông. Thay vì cùng làm việc với các nước ASEAN để giải quyết vấn đề, khi mỗi bên đều hòa giải hoặc nêu lập trường của mình, Trung Quốc lại chọn cách làm suy yếu khả năng đưa ra lập trường riêng của ASEAN.
Mục tiêu thứ hai - nhấn mạnh vấn đề Biển Đông không nên bị "thổi phồng" vì nó chỉ là một vấn đề trong quan hệ đối thoại vốn thành công giữa Trung Quốc với ASEAN trong bối cảnh kỷ niệm 25 năm - cũng đã không đạt được. Tài liệu tuyên bố chung mà Malaysia nói rằng cần phải rút lại là một thông điệp khá mạnh mẽ. Về cơ bản, nó được chia thành hai phần – phần đầu nói chung về quan hệ ASEAN - Trung Quốc và các công tác chuẩn bị để kỷ niệm 25 năm quan hệ. Parameswaran cho rằng phần này được đưa vào chỉ để làm dịu cho những chỉ trích trong phần hai, toàn bộ nhắc đến vấn đề Biển Đông.
Phần thứ hai của tuyên bố không chỉ nhắc đến các nguyên tắc lớn như hòa bình và ổn định, tự do hàng hải và hàng không hay nỗ lực đưa ra bộ quy tắc ứng xử, mà còn đặc biệt nhắc đến việc vấn đề Biển Đông ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Phần thứ hai của tuyên bố khá dài, gồm nhiều đoạn. Độ dài của phần này và sự thẳng thắn trong ngôn ngữ của văn bản được cho là cứng rắn nhất từ trước đến nay, gần như chỉ trích trực diện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Thông thường, trong các tuyên bố chung của ASEAN, phần nêu lo ngại về vấn đề Biển Đông chỉ giới hạn trong một hoặc một vài đoạn văn ngắn, mà không đề cập trực tiếp đến sự bất bình của những nước lên tiếng mạnh mẽ nhất về vấn đề Biển Đông trong ASEAN. Trong khi đó, sự kiện ở Côn Minh là cuộc họp đặc biệt của các ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc chứ không phải là một hội nghị thượng đỉnh ASEAN thường xuyên, và Biển Đông là chủ đề chính của cuộc họp lần này. Tuyên bố mà Malaysia đưa ra đã cứng rắn hơn rất nhiều cách tiếp cận mềm mỏng mà Bắc Kinh mong muốn ASEAN áp dụng.
Parameswaran cho rằng dù tuyên bố bị Malaysia rút lại, thì điều rõ ràng là phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đã đạt được đủ sự thống nhất trong một tài liệu chính thức, nhằm truyền đạt mối lo ngại của họ đến Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông, với mức độ quyết liệt chưa từng thấy. Chính vì vậy, dù thế nào, sự xuất hiện của văn bản này cũng cần được đánh giá cao.
Điểm thứ ba - nhấn mạnh rằng Biển Đông không phải là vấn đề giữa toàn khối ASEAN và Trung Quốc mà là vấn đề song phương giữa Bắc Kinh và 4 quốc gia Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền chồng lấn - không chỉ yếu lý, mà còn tỏ rõ sự mâu thuẫn. Điều này được chứng minh rõ ràng nhất bằng chính bản chất của cuộc họp - một cuộc họp đặc biệt giữa các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc, tập trung chủ yếu vào vấn đề Biển Đông.
Ngoài ra, phản ứng của các quốc gia không tuyên bố chủ quyền chồng lấn, như Singapore và Indonesia, cũng là điều đáng chú ý. Singapore giữ vai trò quan trọng là điều phối viên giữa Trung Quốc và ASEAN. Nước này đã kêu gọi tiến hành cuộc họp đặc biệt và đã thể hiện sự bất bình trước nỗ lực chia rẽ ASEAN của Bắc Kinh trước khi PCA ra phán quyết. Singapore thậm chí còn đưa ra thông cáo báo chí riêng - một tín hiệu rõ ràng của sự bất bình. Giống như tuyên bố Malaysia nói rút lại, 8 trong số 13 dòng tuyên bố của Singapore tập trung vào mối lo ngại mà các ngoại trưởng ASEAN đã chuyển đến Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Indonesia - nước lớn nhất Đông Nam Á và thường ít lên tiếng về vấn đề Biển Đông, trong sự kiện vừa rồi cũng ra tuyên bố riêng, nói rằng khó có thể đạt được hòa bình và tự do nếu không tôn trọng luật pháp quốc tế. Những động thái này của các nước không có tranh chấp cho thấy Bắc Kinh đã không thành công khi muốn thể hiện rằng tranh chấp Biển Đông chỉ là vấn đề giữa họ và 4 nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Mặc dù ba luận điểm Trung Quốc mong muốn đạt được không hề được thúc đẩy trong cuộc họp tại Côn Minh, điều đó cũng không ngăn cản Bắc Kinh "tuyên bố chiến thắng". Tại một cuộc họp báo ngày 15/6 - nơi khoảng 6 trong 15 câu hỏi là về cuộc họp ở Côn Minh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng không có tuyên bố chung và cũng không có sự bất đồng gay gắt giữa các nước ASEAN và Trung Quốc về vấn đề biển Đông.
Tuy nhiên, Parameswaran nhận xét rằng với các phản ứng nhanh chóng và quyết đoán là Malaysia công bố tuyên bố chung ban đầu, các quốc gia liên quan ra tuyên bố riêng, và không có họp báo chung sau cuộc họp, rõ ràng đã bác bỏ luận điểm này của Trung Quốc.
"Điểm quan trọng trong hội nghị ở Côn Minh không phải là nỗ lực của Trung Quốc để chia rẽ ASEAN, mà là nỗ lực của đa số quốc gia Đông Nam Á nhằm vừa thể hiện mối lo ngại ở mức độ chưa từng có, vừa đẩy lùi nỗ lực ngăn cản họ làm vậy của Bắc Kinh", cây bút này viết.
Xem thêm: ASEAN bàn bạc việc công bố tuyên bố chung về Biển Đông
Bản tuyên bố bị rút lại bộc lộ hạn chế của ASEAN
Phương Vũ