Seoul tuần này cho biết ông Thae Yong-ho, phó đại sứ tại Triều Tiên ở London, đã đào tẩu cùng gia đình đến Hàn Quốc.
Nhiều người trong số hơn 27.000 người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc gặp khó khăn khi hòa nhập vào môi trường sống và không có cuộc sống khá giả, tuy nhiên, những quan chức cấp cao như ông Thae sẽ được đối đãi đặc biệt vì họ được coi là nguồn tin có giá trị về nước láng giềng khép kín, theo Reuters.
Ông Kim Kwang-jin đào tẩu cùng với gia đình vào năm 2003 trong khi làm việc tại Singapore cho một công ty bảo hiểm Triều Tiên. Giống như nhiều người đào tẩu cấp cao khác, ông làm việc cho Viện Chiến lược An ninh Quốc gia (INSS), một trung tâm được vận hành bởi Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS).
"Đương nhiên, để sống ở đây, ai cũng cần có một công việc, và chính phủ Hàn Quốc gợi ý việc làm cho những người đào tẩu. Tôi được cho cơ hội làm việc tại INSS", ông Kim kể.
Choi Ju-Hwal là một đại tá quân đội Triều Tiên khi ông trốn đến Hàn Quốc qua Hong Kong, trong một chuyến công tác ở Trung Quốc năm 1995. Ông là nhà nghiên cứu tại INSS năm 1997-2012, trước khi rời vị trí này để trở thành người đứng đầu Hiệp hội Người đào tẩu Triều Tiên.
"Chính phủ Hàn Quốc không thể trả tiền cho ông Thae nếu ông không làm gì, vì vậy, rất có thể ông ấy sẽ được giao một công việc tại viện nghiên cứu", ông Choi, hiện 67 tuổi, đề cập đến INSS. Cơ quan tình báo Hàn Quốc hiện từ chối bình luận về ông Thae.
Hành trình gian nan
Những người đào tẩu bình thường thường bỏ trốn bằng đường bộ từ Triều Tiên sang Trung Quốc, rồi đến nước thứ ba và bay sang Hàn Quốc.
Khi đến Hàn Quốc, họ được giữ một mình tại các phòng tiện nghi và thoải mái, trong khoảng thời gian kéo dài đến 180 ngày, để phía Hàn Quốc kiểm tra xem họ có phải là gián điệp hay lừa đảo không.
Sau đó, họ sẽ được chuyển đến một khu tái định cư và ở đây trong 12 tuần. Việc này nhằm giúp họ thích nghi với cuộc sống ở Hàn Quốc.
Nhiều người sau đó làm việc tại các nhà hàng hoặc các công việc lương thấp khác, kiếm được 67% mức lương trung bình toàn quốc, theo số liệu từ văn phòng ngân sách quốc hội Hàn Quốc.
Một khi họ hoàn thành chương trình tái định cư, mỗi người đào tẩu sẽ được nhận 20 triệu won (18.000 USD) để tìm nhà ở và kiếm việc làm. Một số người sử dụng một phần khoản trợ cấp này để trả cho những người môi giới đã giúp họ bỏ trốn.
"Những người đào tẩu thường gặp khó khăn khi kiếm việc làm, đi học và lập gia đình ở đây", Seo Jae-pyoung, người bỏ trốn khỏi Triều Tiên vào năm 2001, nói. "Mọi việc không dễ dàng như người ta nói".
Đối với những người đào tẩu cấp cao, quá trình này có thể khác.
Ông Kim cho biết chỉ trong vòng 24 giờ bước vào sứ quán Hàn Quốc ở Singapore, ông đã được đưa đến Hàn Quốc và tra hỏi ngay. Ông Choi thì được tra hỏi một mình tại nhà ẩn náu của cơ quan tình báo Hàn Quốc. Ông Thae cũng có thể đã được đối đãi tương tự.
Nhìn chung, số lượng người Triều Tiên đào tẩu đến Hàn Quốc đã giảm kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền sau khi cha mình qua đời vào cuối năm 2011.
Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2016, số người đào tẩu đã tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có nhóm 13 nhân viên một nhà hàng Triều Tiên tại Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết ngày càng có nhiều người đào tẩu cấp cao, đặc biệt là sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xử tử người chú rể Jang Song-thaek.
Bảo vệ nghiêm ngặt
Một số người đào tẩu khỏi Triều Tiên đã đổi tên vì mục đích an ninh, nhằm bảo vệ người thân mà họ đã bỏ lại, hoặc để người khác khó nhận ra họ là người Triều Tiên.
Ông Choi nói rằng ông từng được 4 cảnh sát vũ trang bảo vệ 24/7 trong hai năm do những lo ngại an toàn. Ông hiện được bảo vệ ở mức bớt nghiêm ngặt hơn. Ông Kim cũng cho biết ông từng có một vệ sĩ vũ trang bảo vệ 24/7.
Hầu hết người đào tẩu sống khá kín tiếng, mặc dù một số người như ông Kim trở nên nổi bật vì xuất hiện nhiều trên truyền thông với tư cách chuyên gia về Triều Tiên.
Tuy ông Thae vốn là người của công chúng vì là phái viên Triều Tiên tại London, ông Choi suy đoán rằng ông Thae sẽ cố gắng sống ẩn dật ở Hàn Quốc.
"Ông ấy sẽ không xuất hiện nhiều, vì ông ấy phải lo lắng về sự an toàn của gia đình, những người ông đã đưa đến đây. Nếu ông Thae kín tiếng, ông ấy có thể giúp những người xung quanh ít có nguy cơ chịu nguy hiểm hơn", ông Choi nói.
"Vì vậy, tôi không nghĩ rằng ông ấy sẽ tham gia các hoạt động trước công chúng", ông nhận xét.
Xem thêm: Xuất thân danh giá của phó đại sứ đào tẩu Triều Tiên
Phương Vũ