Ngay từ đầu chiến dịch tranh cử, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump thường lấy Trung Quốc làm mục tiêu công kích, khi cáo buộc nước này "đánh cắp" việc của Mỹ, và đe dọa sẽ áp dụng hàng loạt hàng rào thương mại nếu đắc cử. Đáp lại, truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi tỷ phú bất động sản này là một chính trị gia "phách lối", một "tên hề phân biệt chủng tộc".
Tuy nhiên, dù ông Trump có thể là đề tài cho những chế giễu từ Bắc Kinh, các nhà phân tích chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng cho rằng viễn cảnh bà Hillary Clinton đắc cử mới là điều lãnh đạo Trung Quốc lo ngại, theo CNN.
"Nghe có vẻ lạ nhưng giới lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc có lẽ sẽ dễ đối phó với ông Trump hơn", James Mann, tác giả của nhiều cuốn sách về Trung Quốc và chính sách đối ngoại của Mỹ, nhận định.
"Chính sách không nằm ở những lời khoa trương. Cá tính mới quan trọng. Trung Quốc luôn rất giỏi trong việc ứng phó với những nhà lãnh đạo có cái tôi lớn, luôn tự đề cao mình, thích được tâng bốc, vuốt ve".
Trái lại, theo James Mann, Trung Quốc không thích xu hướng hành động chuẩn xác như một luật sư của bà Clinton, cũng như bề dày kinh nghiệm nhiều thập kỷ xử lý chính sách đối ngoại nói chung và Trung Quốc nói riêng của cựu ngoại trưởng. Những yếu tố này khiến bà trở thành một đối thủ đáng gờm.
"Bà Hillary có cá tính khá cứng rắn và biết rõ mình muốn gì. Trung Quốc luôn thấy khó ứng phó với các luật sư. Bản năng của một luật sư là đề ra các nguyên tắc. Và bà ấy nhiều khả năng sẽ không chấp nhận lập luận rằng Trung Quốc là trường hợp đặc biệt, cần được đối xử khác với các quốc gia khác", ông Mann bình luận.
Từng là ngoại trưởng trong chính quyền Tổng thống Barack Obama, bà Clinton chính là người đại diện cho chiến lược xoay trục sang châu Á - chính sách vốn bị giới chức Bắc Kinh xem là bước đi nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Bên cạnh đó, xu hướng đề cao các vấn đề nhân quyền, cùng quan điểm cứng rắn trước vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cũng khiến bà Clinton không có nhiều "bạn" tại Trung Quốc, cho dù bà là người ủng hộ tự do thương mại mạnh mẽ hơn đối thủ Donald Trump.
"Tôi cho rằng nhiều người Trung Quốc không thích bà ấy", Tao Xie, một giáo sư tại Đại học Ngoại giao Bắc Kinh, cho biết. "Tờ Thời báo Hoàn cầu từng đăng tải một bài bình luận, ngay trước khi bà ấy tới thăm Bắc Kinh (để dự một cuộc họp), tuyên bố bà ấy không được chào đón. Bài báo đó ít nhiều cho thấy tâm lý của một bộ phận lãnh đạo cấp cao Trung Quốc", ông nói.
Trong bài viết vào thời điểm bà Clinton mãn nhiệm tại Bộ Ngoại giao Mỹ, tờ báo trên lại mô tả bà là chính trị gia Mỹ "bị ghét nhất" trong cộng đồng người dùng Internet Trung Quốc.
Một khảo sát trực tuyến do Thời báo Hoàn cầu tiến hành hồi tháng ba cho thấy 54% người Trung Quốc ủng hộ cho Donald Trump.
Một số chỉ trích nhắm vào bà Clinton dường như xuất phát từ quan điểm phân biệt giới tính, giống như những người phản đối bà tại Mỹ.
Truyền thông Trung Quốc thường mô tả bà Clinton là một người tự cao tự đại, kém duyên dáng, họ cũng chế giễu kiểu tóc và trang phục của bà.
Sima Nan, một người dẫn chương trình truyền hình đôi khi được gọi là Bill O'Reilly (nhà bình luận nổi tiếng của kênh Fox News, Mỹ) của Trung Quốc từng công khai gọi bà Clinton là "bà già gàn".
Trên mạng xã hội của Trung Quốc có một câu nói thường được trích dẫn lại, nhắc tới chuyện chồng bà Clinton ngoại tình là: "Nếu bà ấy không quản được chồng mình, làm sao bà ấy có thể lãnh đạo nước Mỹ?".
Dù vậy, điều đó không đồng nghĩa rằng nếu tỷ phú Trump đắc cử tổng thống Mỹ, đây sẽ là tin tức được chào đón tại Trung Quốc. "Các lãnh đạo Trung Quốc có thể không thích bà ấy (Clinton), nhưng họ biết họ có thể làm việc với bà ấy", Shannon Tiezzi, biên tập viên của The Diplomat, nhận định.
"Ông Trump, trong khi đó, là một ẩn số. Liệu ông ấy có nghiêm túc trong chuyện muốn áp thuế suất 45% với hàng hóa Trung Quốc? Hay việc sử dụng các biện pháp gây áp lực về kinh tế để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông? Ý kiến cho phép Hàn Quốc và Nhật theo đuổi năng lực vũ khí hạt nhân cần phải hiểu thế nào?"
"Chúng ta không biết chắc liệu ông Trump có thực sự hành động như những gì ông ấy tuyên bố hay không, và điều này sẽ rất đáng ngại với Bắc Kinh", Tiezzi nhận định.
Sự ủng hộ từ nữ giới
Tuy nhiên, có một bộ phận người Trung Quốc từ lâu vẫn ngưỡng mộ bà Clinton, đó là những người hoạt động vì quyền của phụ nữ. Họ biết đến bà sau bài phát biểu năm 1995 với tư cách đệ nhất phu nhân Mỹ tại Hội nghị Phụ nữ Thế giới của Liên Hợp Quốc, diễn ra tại Bắc Kinh.
Bài phát biểu này bị kiểm duyệt tại Trung Quốc, tuy nhiên Feng Yuan, một nhà hoạt động vì nữ quyền đã tham dự sự kiện, khẳng định bà Clinton đã truyền cảm hứng cho mình để dành toàn bộ thời gian hoạt động vì phụ nữ.
Bà Clinton cũng ủng hộ một thế hệ các nhà hoạt động nữ quyền trẻ trung hơn tại Trung Quốc, khi mô tả vụ bắt giữ 5 nhà hoạt động trẻ năm 2015 là "không thể chấp nhận được". Trên Twitter, bà gọi ông Tập Cận Bình là "không biết xấu hổ" khi tổ chức một cuộc họp về quyền của phụ nữ, trong khi bà cho rằng Trung Quốc đã có hành vi hạn chế các nhà hoạt động vì nữ quyền.
Bắc Kinh khi đó nổi giận và đáp trả. Một số hãng truyền thông nhà nước gọi bà Clinton là kẻ kích động quần chúng, muốn nói xấu Trung Quốc để giành điểm trong cuộc bầu cử.
Li Tingting, một trong 5 nhà hoạt động nữ quyền mà bà Clinton ủng hộ, cho biết bà không hoàn toàn đồng ý với những quan điểm chính trị của Hillary Clinton. Dù vậy, điều quan trọng nhất là, nếu bà Clinton đắc cử, việc đó sẽ mang tính biểu tượng cho phụ nữ, kể cả tại Trung Quốc.
"Tôi cần cảm ơn bà ấy, tôi thích bà ấy, không chỉ vì bà ấy đứng về phía chúng tôi, mà còn bởi bà là nhà hoạt động nữ quyền, đã làm rất nhiều việc vì quyền của phụ nữ", Li nói.
Xem thêm: Hiện tượng Donald Trump trong lòng xã hội Trung Quốc
Hoàng Nguyên