Khi chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông gặp tổng thống Mỹ Richard Nixon vào năm 1972, ông đã bày tỏ lòng cảm mến của mình đối với các chính trị gia cánh hữu.
"Tôi rất thích những người cánh hữu", cố chủ tịch Trung Quốc nói. "Tôi thấy vui mừng khi những người cánh hữu nắm quyền".
4 thập kỷ sau cuộc gặp mặt lịch sử ấy, Trung Quốc một lần nữa chứng kiến sự trỗi dậy của một "người cánh hữu" khác trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ở Mỹ: Donald Trump.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng nhận xét cuộc bầu cử đang diễn ra trên đất Mỹ "rất sôi nổi và gây chú ý", nhưng người dân nước này tìm thấy ở đấy nhiều hơn thế. Đối với họ, vị tỷ phú New York khoa trương giống như một người "truyền lửa" hơn là một nhân vật phản diện, theo BBC.
Ngay cả trước khi Trump tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ, tên tuổi của ông đã được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc.
Tại tỉnh Hà Nam, nơi đây mọc lên một công ty tư vấn quản lý tài sản có tên Trump Consulting. Công ty không có bất kỳ mối liên quan nào tới ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa, nhưng lý giải rằng cái tên đó lấy nguồn cảm hứng từ đế chế kinh doanh hùng mạnh của ông Trump.
Ở miền nam Trung Quốc, Trump Industries Thâm Quyến là một công ty nổi tiếng chuyên sản xuất bồn cầu thông minh và các trang thiết bị vệ sinh xa xỉ cho những khách sạn cao cấp. Trump Electronics, trụ sở ở phía đông tỉnh An Huy, là một doanh nghiệp sản xuất máy lọc không khí có tiếng từ năm 1996, theo People's Daily.
Ivanka Trump, con gái tỷ phú Mỹ, có tới 14.000 người hâm mộ trên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc. Người ta còn lập hẳn một trang dành riêng để đăng tải "tất cả mọi thứ về ông Trump".
Truyền thông quan tâm
Truyền thông Trung Quốc đang theo dõi Trump với một thái độ tương đối thích thú và đôi lúc còn lợi dụng các hành động, cử chỉ, lời nói, bình luận của ông để đả kích Mỹ, quan sát viên
Một bài viết mới đây do hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua đăng tải đánh giá sự vươn lên mạnh mẽ của ông Trump trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống cho thấy "những giới hạn của 'nền dân chủ' mà Mỹ lâu nay luôn lấy làm tự hào".
Sau khi ông Trump giành chiến thắng vang dội tại cuộc bỏ phiếu sớm "Siêu thứ Ba", tờ Global Times cũng đăng một bài viết tiếng Anh nói rằng "đây là bằng chứng đanh thép cho thấy cử tri Mỹ đang cảm thấy mệt mỏi trước hệ thống chính trị Washington".
Tuần trước, ấn phẩm trên thậm chí còn đi xa hơn khi đưa ra lời cảnh báo "những bước tiến của một kẻ phân biệt chủng tộc trong khu vực chính trị Mỹ đang khiến cả thế giới lo lắng. Mỹ nên tự xem xét bản thân để không biến mình thành nguồn phát sinh những thế lực phá hoại hòa bình toàn cầu".
Dân chúng ngưỡng mộ
Dù vậy, nhiều người Trung Quốc lại có suy nghĩ khác. Họ cho rằng truyền thông đã không công bằng với ông Trump.
"Ông ấy lột trần bộ mặt đạo đức giả của rất nhiều người Mỹ", một người dùng Weibo có tên là ClairvoyanceCard nhận xét. "Mọi câu ông ấy nói ra đều là sự thật. Chẳng qua người ta cảm thấy không thoải mái khi nghe chúng mà thôi".
Theo Vincent Ni, cách nói chuyện thực tế, không hoa mỹ, viển vông, thậm chí có phần thô tục của ông Trump dường như đã thuyết phục được vô số người dân Trung Quốc, một đất nước mà các chính trị gia thường rất ít khi hòa mình với người dân.
Trump "thực sự nêu lên tâm can của người Mỹ và ông ấy là một trong rất ít những chính trị gia nói bằng thứ tiếng Anh trần tục", Wei Li, luật sư người Thượng Hải, từng sống 10 năm ở Mỹ, bình luận.
"Chủ nghĩa thực dụng của Trump, cách ông ấy tiếp cận thông tin, sự thông minh cùng những lời tư vấn chính xác, tất cả có thể tạo ra những quyết định đúng đắn và đem về cho ông chiến thắng", Li nói. "Nếu thành công, Trump sẽ là một tổng thống biến chính trị thành thứ gì đó có thể hiểu được đối với ngay cả những người dân bình thường nhất".
Sijia Liu, người dẫn chương trình phát thanh nổi tiếng ở Bắc Kinh, cũng đồng tình với quan điểm của Li và thêm rằng "ở Mỹ, dù có là tổng thống đi chăng nữa thì bạn cũng không thể hành xử khinh suất được". Vì thế, ông không lo "Trump sẽ trở thành một tổng thống tồi tệ".
"Rất nhiều người hiện không hiểu vì sao Trump lại nổi tiếng hay mang một suy nghĩ sai lầm rằng bất cứ ai ủng hộ ông ấy đều là người da trắng, ít được giáo dục và mang thái độ hằn học với xã hội", Wendy Wang, người gốc Trung Quốc, đến Mỹ lúc 25 tuổi và trở thành công dân Mỹ từ ba năm trước, cho hay. Cô hiện là giáo sư tại một trường đại học tư ở California.
Wang khẳng định cô "chắc chắn" sẽ bầu cho Donald Trump vì theo cô ông ấy là "liều thuốc mà nước Mỹ cần".
"Ông ấy thông minh, trung thực, thẳng thắn và còn là một người đàn ông mạnh mẽ nữa", Wang trả lời khi được hỏi về điều gì ở ông Trump thu hút cô. "Ông ấy là đứa trẻ dám hét lên rằng nhà vua không mặc quần áo trong câu chuyện cổ tích 'Bộ quần áo mới của hoàng đế'", nữ giáo sư quả quyết.
Xem thêm: Thế giới sẽ ra sao nếu Donald Trump làm tổng thống Mỹ
Vũ Hoàng