Iraq có thể sẽ yêu cầu Nga thực hiện các cuộc công kích vào tổ chức Nhà nước hồi giáo (IS) trên nước mình và muốn Moscow có vai trò lớn hơn so với Mỹ trong cuộc chiến chống lại nhóm cực đoan, theo người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của quốc hội Iraq.
"Trong vài ngày hoặc vài tuần tới, tôi nghĩ rằng Iraq sẽ buộc phải yêu cầu Nga tiến hành không kích, và điều đó phụ thuộc vào mức độ thành công của Nga ở Syria", Reuters dẫn lời Hakim al-Zamili, một chính trị gia hàng đầu người Shiite, nói.
Phát biểu này là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy Baghdad dự tính dựa vào Nga trong cuộc chiến chống IS, sau khi các cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu không mang lại kết quả rõ rệt.
Một chiến dịch quân sự của Nga tại Iraq, nếu xảy ra, sẽ làm sâu sắc thêm lo ngại của Mỹ rằng họ đang mất thêm địa bàn chiến lược vào tay đối phương, tại một trong những khu vực có tính quyết định nhất thế giới.
Nga đang hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad bằng cuộc không kích ở Syria, trong khi đồng minh Iran nắm giữ ảnh hưởng sâu sắc ở Iraq. Tehran đã điều các cố vấn quân sự đến để trực tiếp giúp đỡ Baghdad trong cuộc chiến chống IS.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết ông sẽ hoan nghênh các cuộc không kích tiêu diệt IS của Nga ở nước này. Trong khi đó, lực lượng dân quân người Shiite thân Iran ở Iraq mong muốn hợp tác với Nga để chống lại ảnh hưởng của Mỹ.
"Chúng tôi đang xem xét liệu Nga có thể có một vai trò lớn hơn tại Iraq hay không. Vâng, chắc chắn là một vai trò lớn hơn so với Mỹ", ông Zamili nói.
Lực lượng dân quân Shiite, vốn luôn nghi ngờ Mỹ, cho rằng sự can thiệp của Nga là cơ hội để xoay chuyển cục diện.
"Sự can thiệp của Nga đến vào đúng thời điểm, đúng nơi và chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ thay đổi cục diện thế trận không chỉ ở Syria mà còn ở Iraq", Muen al-Kadhimi, một phụ tá của Hadi al-Amiri, thủ lĩnh lực lượng dân quân Shiite, nói. "Chính quyền đã dựa dẫm nhiều vào một đồng minh không thật sự đáng tin cậy, đó là Mỹ, và sai lầm này cần phải được sửa chữa".
Thông điệp cho Mỹ
Sự gia tăng hiện diện quân sự của Nga ở Trung Đông còn bao gồm một cơ chế an ninh và chia sẻ thông tin tình báo với Iran, Iraq và Syria, với trụ sở chỉ huy ở Baghdad.
"Chúng tôi tin rằng trung tâm này sẽ phát triển trong tương lai gần để trở thành tổng hành dinh tác chiến, chỉ huy cuộc chiến chống lại IS ở Iraq", Zamili nói.
Washington đã gây sức ép để Thủ tướng Iraq Abadi kiềm chế lực lượng dân quân Shiite, do vậy chọc giận chính lực lượng được coi là "bức tường thành" chống lại các chiến binh IS dòng Sunni - kẻ thù của Iraq kể từ khi Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003.
"Nếu như các nước muốn giúp đỡ chúng tôi hoặc các nhóm vũ trang khác, họ nên hỗ trợ về mặt huấn luyện, cung cấp vũ khí và yểm trợ trên không thật tốt", Jaafar Hussaini, phát ngôn viên của Hezbollah, lực lượng dòng Shiite nói.
Ông Abadi dường như thất vọng trước kết quả của chiến dịch chống IS do Mỹ dẫn đầu. Nhóm cực đoan đã đe dọa tiến vào Baghdad và muốn vẽ lại bản đồ Trung Đông.
Nguồn tin quân sự cho biết các chỉ huy quân đội hồi đầu tháng 9 gửi thư đến Thủ tướng Abadi, phàn nàn rằng Mỹ chưa hỗ trợ đủ trong trận đánh nhằm giành lại nhà máy lọc dầu lớn nhất của Iraq gần thị trấn Baiji, một mốc quan trọng trong cuộc chiến chống IS.
Đồng thời, ông Abadi tỏ ra tức giận bởi những lời phàn nàn của giới chức Mỹ rằng quân đội Iraq thiếu ý chí chiến đấu chống nhóm cực đoan, nguồn tin chính phủ cho biết.
Việc Mỹ trì hoãn giao vũ khí cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy ông Abadi thực hiện thoả thuận an ninh với Nga
"Dân chúng, binh lính chúng tôi thiệt mạng hàng ngày, chúng tôi còn tiêu tốn hàng tỷ USD kiếm được từ doanh thu dầu vào việc mua vũ khí từ Mỹ. Trong khi đó, những gì chúng tôi thực sự nhận được chỉ là những lời hứa và hàng chục hợp đồng vũ khí bị trì hoãn giao hàng", Zamili nói.
"Sau một năm, IS vẫn đang phát triển và hàng nghìn chiến binh vẫn đang đổ về cả Iraq và Syria. Họ ngày càng kiểm soát nhiều khu vực hơn. Đó là bằng chứng cho thấy Mỹ không có kế hoạch rõ ràng hay một chiến lược thực sự".
Những nhà phân tích quân sự tại Baghdad, cũng như cựu tướng quân đội Jasim al-Bahadli nói rằng căng thẳng với Mỹ là một trong những lý do khiến ông Abadi quay sang Moscow để được giúp đỡ.
"Abadi có vẻ như đã thành công trong việc gửi đi một thông điệp rõ ràng đến Mỹ rằng, Iraq vẫn còn phương án khác để dựa vào nếu Mỹ không hỗ trợ một cách thiết thực", ông Jasim nói.
"Mỹ đã lo lắng trước sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran tại Iraq. Lo ngại này tăng gấp đôi sau khi Nga vượt mặt Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria".
Tuy nhiên, Abadi có nguy cơ bị cô lập. Ông đã phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của Mỹ và gây nên mâu thuẫn với lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn và cả Tehran. Nhưng khi IS không có dấu hiệu suy yếu, ưu tiên của Iraq sẽ là tìm ra một "công thức" cho sự ổn định và dường như cán cân đang nghiêng về phía Nga.
"Cần phải thiết lập liên quân và lực lượng mới, có thể tiến hành hoạt động mặt đất hiệu quả và đạt được kết quả thực chất trong cuộc chiến chống IS," Mohammed Naji, một trợ lý của Amiri nói.
"Đang có một cuộc thảo luận nghiêm túc về việc yêu cầu Nga tiến hành chiến dịch không kích IS ở Iraq".
Trọng Nghĩa